Từ Công Phượng đến Thanh Hậu: Bóng đá Việt không chỉ có những mảng tối

15/10/2014 17:33 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org)- Đừng quá kỳ vọng một đội bóng nước ngoài sẽ tới Việt Nam và mua Phan Thanh Hậu sau khi cậu lọt vào danh sách 40 tài năng trẻ của bóng đá thế giới. Nhưng sự kiện này chắc chắn mang một ý nghĩa tích cực cho bóng đá Việt Nam.  

1. Bóng đá Việt Nam là vùng trũng của bóng đá thế giới, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Những lần hiếm hoi chúng ta xuất hiện trên báo chí thế giới, thật buồn, phần lớn là những ấn tượng xấu. Từ vụ 7 tuyển thủ Olympic bán độ ở SEA Games 2005 (hãng AFP), Đình Đồng nhận án phạt nặng vì phang gãy chân cầu thủ trẻ Anh Hùng (BBC, Daily Mail, Eurosport, Bleacher Report), vụ 6 cầu thủ Đồng Nai bán độ (Reuters, FourFourTwo, Sportal), vụ dàn xếp tỷ số của V.Ninh Bình (Reuters, SBS News, Goal.com) hay vụ “bẻ còi” của trọng tài FIFA Võ Minh Trí (101greatgoals.com, Corriere dello Sport).


Raul Albiol từng chê bai bóng đá Việt Nam. Biếm họa của Leo

Chính vì những ấn tượng không đẹp ấy mà đã không ít lần bóng đá Việt Nam trở thành đối tượng để “bêu riếu” trên báo nước ngoài. Năm 2010, “người đặc biệt” Mourinho từng phát biểu đại loại rằng “Thà xem bóng đá Việt Nam trên kênh Eurosport còn hơn là xem trận đấu giữa Real Madrid và Seville”. Cần phải hiểu rằng khi đó Mourinho đang công kích trọng tài điều khiển trận đấu ấy, và theo ông, đó là một trận đấu hơn cả tệ hại do sự yếu kém của đội ngũ cầm cân nảy mực. Đúng một năm sau, đến lượt tờ Marca giật tít “Phải chăng Raul và Soldado là người Việt Nam hay sao mà không được gọi vào ĐT Tây Ban Nha?”. Tháng Sáu vừa rồi, Raul Albiol bảo “Đây là một trận đấu ở World Cup, chứ không phải một trận giao hữu ở Việt Nam”.

2. Không dễ dàng để thay đổi một định kiến đã ăn sâu như thế vào tâm trí của độc giả thế giới về bóng đá Việt Nam. Nhưng thật may, tất cả không phải một màu tối. Đội tuyển U19 Việt Nam cho dù chưa gặt hái được danh hiệu gì, và cũng không thể đại diện cho cả một nền bóng đá, nhưng hiệu ứng lan tỏa từ họ là rất tích cực, nhất là trong việc cải thiện hình ảnh của bóng đá Việt Nam.

Chúng ta không chỉ có những màn kungfu trên sân đấu, không chỉ có những tiếng còi méo đến vô lý, hay những trận đấu “có mùi”. Sự xuất hiện của học viện bóng đá HAGL JMG, với cách học bóng đá và học làm người, là một tín hiệu đầy lạc quan, cho dù vẫn cần nhiều hơn nữa những trung tâm như vậy. Việc Công Phượng được tán dương là Messi Việt Nam (Daily Express, 101greatgoals) không đơn thuần là những lời tâng bốc quá đáng mà đã thể hiện sự nhìn nhận tích cực của giới truyền thông nước ngoài.

Sự kiện Phan Thanh Hậu được The Guardian lựa chọn cũng có ý nghĩa tương tự. Anh là một trong 5 tài năng trẻ của châu Á được lựa chọn vào danh sách này (3 người kia là Li Zhongzi, Daisuke Sakai, và Seo Jung-hyun). Danh sách mà The Guardian được lựa chọn dựa trên báo cáo của mạng lưới cộng tác viên trên khắp thế giới. Việc lọt vào Top 40 là một sự kiện lịch sử. Nên nhớ rằng các CLB săn tìm các cầu thủ trẻ ở độ tuổi 16, 17 hơn nhiều so với những cầu thủ 19 tuổi. Lý do thứ nhất: họ chưa phải cầu thủ chuyên nghiệp và giá rẻ hơn nhiều. Thứ hai, càng trẻ thì càng có nhiều thời gian để tiếp thu và hoàn thiện mình.


Việc Thanh Hậu được Guardian lựa chọn góp phần cải thiện hình ảnh bóng đá Việt Nam

3. Việc The Guardian đăng nhầm video Công Phượng khi nói về Thanh Hậu có thể đã tố cáo sự hời hợt của Johny Duerden, CTV phụ trách mảng châu Á của The Guardian. Cũng không ai kỳ vọng Thanh Hậu sẽ được một đội bóng nào đó đặt vấn đề chuyển nhượng sau khi lọt vào danh sách này. Các tuyển trạch viên nổi tiếng thừa chuyên môn và sự thông minh để có thể đánh giá tiềm năng của một cầu thủ mà chính giới báo chí nước nhà còn rất mù mờ như thế này.

Song, như đã đề cập ở trên, sự kiện Thanh Hậu được The Guardian mang ý nghĩa tích cực khác. Đó là cải thiện hình ảnh bóng đá nước nhà, vốn đã bị hoen ố quá nhiều bởi những tấm gương xấu trong quá khứ. Đó mới là điều quan trọng nhất!

Tuấn Cương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm