01/10/2015 13:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - "Thành công tốt đẹp", thấp hơn một chút thì "Thành công", còn xấu nhất cũng phải là "Về đích an toàn"... đó là những cụm từ vốn quen thuộc thời bóng đá Việt còn bao cấp. Nhưng bây giờ chuyên nghiệp đã mười mấy năm cũng khác, tại mỗi buổi tổng kết mùa giải, mọi người chỉ chờ xem có ai dám "bật" lại hay không!
Từ vụ "cướp diễn đàn" của bầu Kiên
Bóng đá Việt khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp vào năm 2000 mà thực chất là cuộc chuyển đổi "chủ sở hữu". Bóng không còn trong chân nhà nước, trong chân của dân biết đá quả bóng và "biết quả bóng có mất múi" mà bắt đầu chuyển qua giới doanh nghiệp.
Dòng tiền tỷ từ túi doanh nhiệp đổ vào sân cỏ làm thay đổi toàn bộ diện mạo của nền bóng đá quốc gia để "đẻ" ra những khái niệm mới, kiểu thời thượng như: Ông bầu; Ngôi sao; Hợp đồng khủng; Tiền thưởng; Tiền lót tay... Bóng đá bao cấp dần chuyển thành bóng đá doanh nghiệp, chính xác hơn là bóng đá chuyên nghiệp hoàn toàn thuộc về các ông bầu. Và ""cuộc lật đổ" được dự báo đã diễn ra vào năm 2011.
Đó là Lễ tổng kết mùa giải 2011, khi bầu Kiên "cướp diễn đàn" chỉ thẳng vào những yếu kém của bộ máy điều hành nền bóng đá lúc đó thuộc về VFF cùng những yếu kém của đội ngũ trọng tài. Vụ nổ "big bang" đã tạo nên cuộc cách mạng lớn cho bóng đá Việt Nam với sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF.
Bóng đá chuyên nghiệp chính thức thuộc về doanh nghiệp và doanh nghiệp gần như tự điều phối nhau trong địa hạt bóng đá. Bầu Kiên và những người bạn thành lập ra VPF cùng một kế hoạch đầy tham vọng, nhưng tiếc là người đàn ông có mái đầu bạc này sa cơ ở chốn thương trường khiến tất cả đổ bể.
VPF thì vẫn còn đấy với đủ những chức năng, bộ máy, chỉ điều, nó hoạt động xem ra ngày càng giống với VFF trước kia. Và "di sản" của bầu Kiên tiếp tục được kế thừa. Điểm lại vài lễ tổng kết mùa giải gần đây, chẳng buổi nào mà không có những màn phát ngôn gây sốc. Nếu trước kia "mục tiêu" là VFF, thì nay tới lượt VPF chịu đòn.
1 năm sau bầu Kiên, đến lượt bầu Đệ “phát pháo” bằng chỉ trích VPF vừa đá bóng vừa thổi còi. Bầu Thụy cũng khiến bầu không khí hội nghị nóng hơn khi lên án tình trạng 1 ông chủ - 2 đội bóng. Cuối mùa 2013, tới lượt Phó Chủ tịch CLB Thanh Hóa Nguyễn Trọng Hoài cũng đăng đàn chỉ trích VPF.
Đến vụ "bật" của Hải Phòng
Thực ra thì lễ tổng kết 2013 và cả 2014 "nguội" hơn rất nhiều mà lý do chính là sự thỏa hiệp của các bên. Vậy nên, trước khi diễn ra lễ tổng kết mùa giải 2015, ít người chờ đợi có vụ "nổ" lớn nào nữa. Thời buổi kinh tế khó khăn, hầu hết các ông bầu đều nản với bóng đá, còn "bầu sữa" ngân sách địa phương thì không thể gánh nổi gánh nặng tiền tỷ của đội bóng.
Mà cũng có gì để "nổ" trong bối cảnh giải đấu không nhiều cái mới (ngoại trừ chuyện Hoàng Anh Gia Lai tung vào V-League lứa U19 tài năng, nhưng không thành công về chuyên môn), trong lúc bạo lực thì bùng phát, khán giả quay lưng với chính đội bóng của địa phương mình.
Nhưng rồi "bom vẫn nổ" bằng màn "bật" lại của Chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng mà đích là cả BTC giải đấu lẫn VFP, đơn vị chủ giải. Phát biểu của ông Hùng còn kéo theo sự tham gia của Giám đốc điều hành QNK Quảng Nam Nguyễn Húp lẫn HLV Lê Huỳnh Đức, người vốn xem là ít khi chịu... giơ tay có ý kiến!
"Bật" bản dự thảo tổng kết bị "tô hồng" chẳng có gì là mới, "hot" nhất chính là những phát biểu "bật" thẳng vào các cá nhân thuộc VPF. Từ ông Trưởng BTC mờ nhạt, đến vị Phó Tổng giám đốc lĩnh lương tiền tỷ hàng năm mà chả kiếm nổi 1 xu... và ngay cả Phó Chủ tich VFF, bầu Đức cũng "không thoát" khi tố nói lung tung làm ảnh hưởng đến các đội bóng.
"Bật" kiểu "vạch áo" lẫn nhau, chính những người sống và đang tạo nên cái thứ gọi là bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng "lộ" tất cả những góc khuất đáng buồn cho cả nền bóng đá. Đấy là chuyện vẫn sống dựa vào ngân sách địa phương; là chuyện "chậm chi trả" chẳng khác gì cảnh buôn bán; là một nền bóng đá thực tế vẫn nghiệp dư khi không nuôi nổi chính mình, nhưng lại lĩnh mức lương cực cao... và lớn hơn cả là kiểu làm bóng đá "mạnh ai, nấy sống".
Sai nhưng... có sửa?
Sai thì đã rõ và dù Lễ tổng kết mùa giải này lại nóng với những màn "bật" nhau khá căng, nhưng câu hỏi đặt ra là bóng đá Việt Nam sẽ thay đổi gì? Một cuộc cách mạng kiểu như sự ra đời của VPF sau vụ "cướp diễn đàn" của bầu Kiên năm 2011 chắc là không có, tuy nhiên, nếu mọi việc vẫn như cũ thì cũng không ổn.
Mấu chốt vấn đề vẫn là sự thay đổi mà theo chuyên gia Lê Thụy Hải trong bài trả lời phỏng vấn của Thể thao & Văn hóa về lễ tổng kết giải đã đề cập:"Anh nhận cái sai không phải là xấu, nhận sai để sửa đổi và cùng nhau tốt lên vì ai làm mà chẳng sai. Nếu BTC không nhìn ra thật thì sẽ rất nguy hiểm". "Bật" nhau cần nhất là "bật" ra cái đó, chứ không chỉ là "bật" nhau cho sướng mồm.
V-League 2015 qua các con số 26 vòng đấu với 182 trận. Tổng số bàn thắng: 555 bàn, trung bình 3,05 bàn/trận. Tổng số thẻ vàng: 734 thẻ, trung bình 4,03 thẻ/trận. Tổng số thẻ đỏ: 44 thẻ, trung bình 0,24 thẻ/trận. Tổng số khán giả: 1341.500 người, trung bình 7.371 người/trận. |
Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất