05/09/2014 21:29 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Người ta bảo đất nghèo nuôi những anh hùng. Con đường để thoát nghèo đối với nhiều con người xứ Nghệ là học thật giỏi, hoặc đá bóng thật giỏi để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.
Như những ông bố bà mẹ khác, trước khi đồng ý để cậu con trai Nguyễn Công Phượng dấn thân vào sự nghiệp bóng đá, ông Bảy bà Hoa vẫn mong cậu con trai phải học giỏi cho bằng bạn bằng bè. Không phụ lòng cha mẹ, Nguyễn Công Phượng đã làm được điều đó.
Điểm tổng kết cuối năm 9,0
Đối với hầu hết các cầu thủ trẻ, chuyện học hành là một vấn đề rất tế nhị, vì các em đều “bận” tập luyện bóng đá, nên không còn nhiều thời gian để học hành.
Mục đích chính yếu của các cầu thủ nhí là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, còn nhiệm vụ học tập trong thời gian ở các Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ là hoàn thành chương trình THPT.
Tuy nhiên, Công Phượng lại là một ngoại lệ, khi nhiều năm liên tiếp luôn là học sinh xuất sắc của các cấp học. Trên các vách tường trong nhà Công Phượng dán đầy giấy khen của cầu thủ này, từ thuở mới cắp sách đến trường cho đến những năm học gần đây.
Công Phượng không những đá bóng hay mà còn học rất giỏi. Ảnh: Đức Đồng
Đã có những giấy khen ngả màu theo thời gian, khi Phượng là học sinh giỏi của trường tiểu học Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) hay đến các giấy khen còn tươi mực của trường THCS Lý Thường Kiệt (Pleiku, Gia Lai).
“Cứ mỗi năm về hè nó đưa một cái giấy khen cho gia đình treo, chúng tôi xem đây là tài sản quý giá của gia đình để còn hãnh diện với bà con thôn xóm, đồng thời qua đó nắm bắt được tình hình học hành của cháu. Chưa biết nó sau này có thành cầu thủ giỏi hay không nhưng học hành như thế là tôi thấy an tâm”, mẹ Công Phượng giãi bày.
Càng trò chuyện về chuyện học tập của cậu con trai, mẹ Công Phượng càng hào hứng. Như để làm tăng thêm tính thuyết phục cho câu chuyện của mình, bà Hoa quay vào trong nhà lôi ra một bọc giấy tờ được gói cẩn thận rồi đưa chúng tôi xem cuốn sổ liên lạc của trường THCS Lý Thường Kiệt (Pleiku, Gia Lai) để chúng tôi trực tiếp kiểm chứng thành tích học tập của Công Phượng.
Thật sự là Công Phượng không chỉ chơi bóng hay mà còn học rất giỏi. Trong cuốn sổ ghi thành tích học tập của Công Phượng được nhà trường gửi về gia đình, chúng tôi thấy điểm tổng kết cuối năm các môn học của Công Phượng là 9,0, đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Bà Hoa tiết lộ: “Theo như các cô giáo trao đổi với gia đình thì Phượng học rất giỏi môn tin học và ngoại ngữ”.
Đến đây, bà Hoa mới bắt đầu tâm sự về những lo lắng khi con trai sớm phải tự lập: “Khi Phượng đang học tiểu học ở xã, tôi vẫn luôn được nghe các thầy cô khen nó học giỏi, và khi cu Phương kiên quyết theo tập bóng đá, lúc đầu tôi rất sợ và lo lắng vì không biết nó có theo học được hay không.
Sang năm thứ 2 đi vào thăm Phượng ở Gia Lai, việc đầu tiên tôi hỏi mẹ nuôi của Phượng là kết quả học tập của nó như thế nào thì được biết Phượng học khá giỏi, liên tục đạt học sinh tiên tiến. Nghĩ đến đây tôi an tâm. Nhất là mấy thầy ở Học viện HA.GL cho biết Phượng rất chăm chỉ học hành. Vì thế, sau này mỗi lần về nhà thấy Phượng đưa về một tờ giấy khen là gia đinh hãnh diện lắm”.
Nổi tiếng đá bóng giỏi từ nhỏ
Phượng đã được biết đến là một cậu nhóc “đá bóng hay nhất vùng” khi vừa lên 10 tuổi.Chúng tôi đã được những người dân xóm Vồng Vổng (nay thuộc khối 6 xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) thi nhau kể về thành tích của cậu bé Phượng khi xưa.
Bác Nguyễn Tiến Đạt cho biết: “Mấy hôm nay tôi thấy người làng bàn tán xôn xao việc thằng con nhà bà Hoa ông Bảy được đi Indonesia và Malaysia đá cho ĐT U19 Việt Nam chi đó, cũng nghe nói nó (Công Phượng-PV) ghi được nhiều bàn thắng.
Tui (tôi) thì không bất ngờ lắm vì tui biết nó là thằng có tài về bóng đá. Thuở nhỏ đá ở sân đồng làng Vồng Vổng này nó lừa hết thằng ni sang thằng khác rồi, nó nhỏ con nhưng đá hay lắm”.
Có lẽ để đánh giá chính xác về năng lực thật sự của Công Phượng thì không ai nắm rõ hơn anh Trương Quang Vinh, HLV đội Đô Lương, đồng thời là một trong những tuyển trạch viên cơ sở của lò SLNA.
Anh Vinh cho biết: “Làm công tác tuyển chọn cầu thủ nhi đồng cho đội tuyển của huyện nên tôi có điều kiện quan sát được gần như toàn bộ các em biết đá bóng trong huyện. Công Phượng gây ấn tượng mạnh cho tôi ngay trong lần đầu tiên chơi bóng, khi em có thể dùng kỹ thuật lừa qua 3, 4 hậu vệ đối phương để ghi bàn.
Vì thế, tôi đã không lầm khi điền tên Công Phượng đầu tiên vào bản danh sách thi đấu ở giải bóng đá Nhi đồng toàn tỉnh Cúp báo Nghệ An năm 2006. Và gần như một mình em đã đưa đội tuyển của Đô Lương vào chung kết. Dưới con mắt làm bóng đá trẻ, tôi khẳng định chắc chắn Phượng sẽ được lò SLNA tuyển chọn đầu tiên”.
Ngay sau khi Công Phượng bị lò SLNA trả về sau mấy tháng tập trung, chính thầy Vinh là người tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp cho Công Phượng. Ở thời điểm bấy giờ, cầu thủ nào bị SLNA trả về địa phương thì nghĩa là rất khó để phát triển được tài năng bóng đá.
Đã có thời điểm gia đinh Phượng cũng nghĩ thế. Ngay cả khi Phượng xem bản tin thể thao về việc Học viện HA.GL Arsenal JMG mở đợt thi tuyển và đòi mẹ vào Gia Lai ứng thi thì bố mẹ Phượng cũng phải hỏi ý kiến của thầy Trương Quang Vinh rồi mới dám bán non 4 tạ lúa và con lợn 25kg, để đưa Phượng vào Pleiku theo học bóng đá và trở thành cầu thủ Công Phượng như hôm nay.
Đại Nghĩa
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất