Tiền đạo Lê Công Vinh: 'Người Mohican' cuối cùng

11/09/2015 11:16 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - “Khi thi đấu bên Nhật Bản, tôi chỉ được nghe nhắc rất ít về HLV Miura, dù ông ấy từng huấn luyện Consadole Sapporo, đội bóng mà tôi ký hợp đồng. Về cơ bản, HLV Miura không quá nổi tiếng ở Nhật”.

“Một HLV xuất sắc, với bản “CV” hoành tráng, đồng nghĩa với tiền lương khủng và xã hội chúng ta có sẵn sàng chấp nhận không? Tôi nghĩ, HLV Miura là sự lựa chọn hợp lý và vừa phải với bối cảnh hiện tại”.

“HLV Miura cũng đã tạo được những dấu ấn nhất định, dù không thật xuất sắc. Tôi nghĩ, việc ông ấy là ai và như thế nào, không còn quan trọng nữa. Một con người tận tâm và tận lực”.

“Với các nền bóng đá kém phát triển, tất nhiên bao gồm cả Việt Nam, việc định hình lối chơi có bản sắc gần như là điều không thể. Chúng ta chỉ có thể nói đến kết quả, hay và đẹp nhưng thua, thì để làm gì”?

Trên đây là một số trích lục của Thể thao & Văn hoá từ cuộc đối thoại với Lê Công Vinh được thực hiện hồi trung tuần tháng 4/2015. Vinh khi ấy vừa được vinh danh tại lễ trao giải Quả bóng vàng Việt Nam 2014.

Và, cho đến trước và sau trận đấu với Đài Loan (Trung Quốc), trận đấu mà Vinh đã để lại dấu ấn với 2 pha “kiến tạo” nên 2 bàn thắng, giúp đội tuyển Việt Nam giành 3 điểm, anh vẫn lên tiếng ủng hộ ông thầy.

Trong sự nghiệp thi đấu quốc tế khoác áo ĐTQG, Lê Công Vinh thừa nhận, anh khắc cốt ghi tâm với 3 HLV ngoại quốc. Thứ nhất là Henrique Calisto, thứ nhì Alfred Riedl và sau cùng là Toshiya Miura.

Nếu như Alfred Riedl là người trao cho Công Vinh những cơ hội đầu tiên ở tuổi mười chín đôi mươi, thì sự kiên nhẫn của Henrique Calisto đã thực sự đưa anh lên một tầm cao mới: Đẳng cấp của một ngôi sao.

Khi HLV Toshiya Miura đến với bóng đá Việt Nam cũng là thời điểm Công Vinh bắt đầu những biểu hiện đi xuống. Vinh chỉ được trao cơ hội rất hạn chế ở AFF Cup 2014 trên sân nhà, cho đến trước vòng bán kết.

HLV Miura và bản thân Công Vinh hẳn rất giàu sự kiên nhẫn. Sự toả sáng của tiền đạo này ở bán kết lượt về với Malaysia không giúp ĐT Việt Nam khỏi “án tử”, nhưng họ đã “cảm” được nhau.

Tuy nhiên, không vì thế mà Công Vinh chia sẻ những khó khăn với ông thầy, thậm chí với cả nền bóng đá, bởi Vinh, thân là đội trưởng ĐTQG, là người hiểu vấn đề và biết mình đang theo đuổi cái gì.

“Tôi cảm thấy hơi tiếc cho Văn Quyết, khi cậu ấy đã có một mùa giải xuất sắc. Cá nhân tôi không thất vọng khi mình chỉ về thứ 3 trong cuộc bầu chọn, bởi tôi vẫn còn cơ hội đoạt Quả bóng vàng”, vẫn lời Vinh.

Thời điểm Công Vinh chia sẻ những điều này là khoảng thời gian mà theo anh là khó khăn nhất trong sự nghiệp quần đùi áo số, khi Vinh không được HLV Lê Thuỵ Hải tin tưởng ở B.Bình Dương.

Nhưng, Vinh đã và vẫn chưa từng dừng lại, bởi anh là sự khác biệt lớn nhất với phần còn lại: Một bộ phận không nhỏ các tỷ-phú-cầu-thủ Việt Nam sớm thoả mãn với cuộc sống. Anh tin mình còn có thể.

Nếu bóng đá đơn thuần là thành tích, để mọi cuộc bầu chọn phải tham khảo, Vinh vừa mới đoạt chức vô địch V-League 2015 cùng B.Bình Dương với phong độ chói sáng ở lượt về. Vinh có lý!

Tại ĐTQG, Công Vinh cũng là gương mặt sáng giá nhất, tính đến thời điểm này. Ai bảo ở tuổi 30, Công Vinh đã hết giá trị sử dụng?! ĐT Việt Nam có thể sẽ thất bại tại vòng loại, nhưng Vinh vẫn thành công.

Những năm 90 của thế kỷ trước, đám trẻ ở tuổi người viết bài báo này vẫn mặc những chiếc áo có tên Huỳnh Đức, Hồng Sơn…, nhưng đến giờ, người duy nhất được các bậc phụ huynh hướng theo đó là Công Vinh.

Tất cả những điều đó đều không tự nhiên đến và chúng ta chỉ có thể cảm thấy tiếc, khi càng ngày, bóng đá Việt Nam càng vơi đi những thần tượng, yếu tố cốt lõi để kích thích bóng đá trẻ và bóng đá học đường.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm