U19 Việt Nam và chuyện những chàng trai tỉnh lẻ

30/10/2016 06:00 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Hồ Minh Dĩ là tài năng mà người ta phát hiện ở vùng quê Quảng Trị. Trần Thành là từ Huế. Trước đó là Công Phượng ở Nghệ An, như Công Vinh Văn Quyến cũng từ vùng quê Nghệ An vậy. Cứ như thể, chỉ có những người nhà quê mới đá bóng và đá bóng giỏi!?

Chưa có một thống kê cụ thể nào để nói lên có bao nhiêu phần trăm cầu thủ gốc gác xuất thân từ các thành phố lớn, gia đình có điều kiện và có bao nhiêu phần trăm cầu thủ xuất thân từ các tỉnh lẻ.

Tuy nhiên, số lượng cầu thủ ở các tỉnh lẻ lại đang chiếm ưu thế. Ngay ở U19 Việt Nam, trong số 22 cầu thủ, có 8 cầu thủ đang đầu quân cho các đội bóng đóng quân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhiều trong số đó lại đến từ các tỉnh lẻ, chẳng hạn như Minh Dĩ (Quảng Trị), Đức Chinh (Phú Thọ), Văn Hậu (Thái Bình),…

Theo nhịp sống thời đại

Để lý giải cho xu hướng trên, HLV Văn Sỹ Hùng, Giám đốc đào tạo trẻ của CLB SHB Đà Nẵng cho hay: “Sở dĩ con em thành phố ít theo nghiệp đá bóng vì hầu hết các gia đình không muốn theo đá bóng, các cháu cũng không có quá nhiều sân chơi, vả lại các em cũng phải đi học quá nhiều. Từ học các môn văn hóa đến các kỹ năng rồi các môn năng khiếu,…


Những tài năng của bóng đá Việt Nam như Tuấn Anh thường sinh ra ở các tỉnh lẻ

Ngày trước, khi chưa có nhiều tiền, họ cho con đi đá bóng để đỡ một phần nào đó kinh tế cho gia đình, giờ có điều kiện họ nuôi nấng đầy đủ hơn. Niềm đam mê bóng đá cũng dần phai đi. Họ không coi bóng đá là nghề nghiệp lâu dài. Còn ở quê với các tỉnh lẻ thì khác, họ xem bóng đá là xóa đói giảm nghèo, đó là con đường sáng để phấn đấu còn ở thành phố thì có quá nhiều con đường để lựa chọn”.

Sự lý giải của HLV Văn Sỹ Hùng phần nào phản ánh bộ mặt xã hội khi ngày nay, các em học sinh ở thành phố đã phải chú tâm quá nhiều đến việc học, ít có sân chơi cho bản thân. Theo một điều tra trên 5000 trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015 thì có đến 20,1% trẻ thừa cân và 31,3% trẻ béo bụng. Sự thiếu vận động, cộng thêm quá ít không gian để chơi thể thao là nguyên nhân phần nào khiến trẻ em thành phố ít theo nghiệp quần đùi áo số.

Đó là thực tế, song để nói lên bản chất vấn đề, theo lý giải của ông Hùng thì nguyên nhân chính vẫn nằm ở phụ huynh. “Bóng đá không phải là một nghề mạo hiểm. Thông thường các em được phát hiện từ nhỏ, được đào tạo tốt thì chắc chắn sẽ thành công. Chỉ một số ít trường hợp không may trong cuộc sống bóng đá bị chấn thương, tai nạn chứ không phải là một nghề mạo hiểm.


Còn nói về danh vị và kinh tế thì bóng đá là nghề có thể đem lại cuộc sống ổn định, thậm chí mức thu nhập nhiều hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của xã hội. Đó không phải là nguyên nhân dẫn đến xu thế trên mà nó xuất phát từ chính ý thức của phụ huynh.

Hầu như các em học sinh có niềm đam mê giống nhau, không phân biệt giữa thành phố và tỉnh lẻ. Sự khác nhau nằm ở phụ huynh chứ không phải học sinh. Nhiều em thành phố, nhà có điều kiện nhưng rất ngoan, rất chịu khó s2 giờ chiều đã xách giày ra sân tập luyện. Bóng đá lứa tuổi học sinh nhỏ không phân biệt vùng miền’, ông Hùng nói.

Cũng với thực tế đó mà mỗi khi tìm ra nhân tố gốc gác thành phố lớn, các tuyển trạch viên còn kiêm thêm vai trò của “thuyết trình viên”. Họ phải thuyết phục gia đình các em, đảm bảo cho các em có một cuộc sống và con đường tươi sáng.

“Đối với các em tài năng ở thành phố, chúng tôi thuyết phục phụ huynh rằng cách sống, điều kiện, tư cách, phẩm chất của các người thầy ở trung tâm rất tốt để đảm bảo cho con em học một môi trường phát triển bền vững. Thứ hai là bản thân các cầu thủ nhí phải thuyết phục gia đình sẽ cố gắng, sống chăm ngoan, học giỏi, đá bóng tốt.

23h15 ngày 27/10, U19 Việt Nam – U19 Nhật Bản: Khẳng định giá trị

23h15 ngày 27/10, U19 Việt Nam – U19 Nhật Bản: Khẳng định giá trị

Sau chiến tích giành tấm vé tham dự U20 World Cup năm 2017, giờ là lúc thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn cần khẳng định giá trị đó trước đối thủ mạnh U19 Nhật Bản. Khát vọng vô địch, khát khao vươn tầm...

Không phải ở thành phố là không cho đi đá bóng vì họ hơi đắn đo. Hầu như khi con em trúng tuyển thì họ cho con em vào. Có đến 90% cho con đá bóng chứ không hẳn không cho. Trường hợp xin con về hiếm lắm. Nếu họ cảm thấy con em của họ có một nơi phát triển tốt, có văn hóa, dạy dỗ thành người thì họ sẵn sàng cho con em vào. Cái quan trọng vẫn nằm ở Trung tâm. Đó là lý do chính để thuyết phục các phụ huynh”, ông Hùng nói.

Khó bỏ sót nhân tài

Ngày nay, khi các Trung tâm bóng đá mọc lên như nấm cùng với đó là sự hợp tác với các đội bóng lừng danh trên thế giới giúp hệ thống tuyển trạch viên càng vươn xa đến vùng sâu vùng xa. “Chân rết” của tuyển trạch viên vươn tới các trường học, đoàn đội thanh niên ở khắp các thôn, xã trên cả nước.

Kéo theo đó là xu hướng “đãi cát tìm vàng” lan tỏa khắp cả nước. Bất cứ giải đấu lớn nhỏ nào, ở nơi đâu có giải từ thành phố lớn cho đến các tỉnh lẻ, từ thành phố, thị xã cho đến các huyện miền mùi đều có đội ngũ tuyển trạch viên đến theo dõi. Thế nên, để nhanh chân và không bị sẩy tài năng, các trung tâm đã xây dựng cho mình đội ngũ tuyển trạch viên rộng khắp.

“Ngày nay rất nhiều trung tâm bóng đá mọc ra, họ đi tuyển quân đến tận các vùng sâu vùng xa, để tổ chức các giải đấu. Thế nên để sót cầu thủ tài năng gần như không có. Quan trọng là trung tâm đó đào tạo cầu thủ sau này như thế nào thôi’, HLV Văn Sỹ Hùng cho hay.

Quá trình đào tạo cũng dần hoàn thiện và chuyên nghiệp để đảm bảo đầu ra chất lượng cho các đội bóng. Theo ông Hùng, các cầu thủ sẽ được tuyển chọn từ nhỏ. Chỉ cần 1,2  năm là có thể thấy được em đó phát triển đến đâu rồi từ đó định hướng phát triển lên.

“Khi cầu thủ chọn về thì sẽ có chu trình đào tạo, có những cấp độ khác nhau. chúng tôi phải vạch ra một triết lý theo từng cấp độ. Lứa tuổi này tập cái gì, lứa tuổi kia tập cái gì là cấp độ. Còn tập cái gì trong năm là quy trình. Nó lần lượt diễn ra liên tục, đưa cầu thủ đến độ hoàn thiện nhất. Đến năm 18, 19 tuổi họ đã đầy đủ các kỹ năng về kỹ chiến thuật”, ông Hùng nói về quy trình đào tạo một cầu thủ trẻ.

Nam Giao
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm