HLV Nguyễn Văn Sỹ: 'Cơ hội của U23 Việt Nam tại SEA Games 2015 rất sáng sủa'

28/05/2015 18:45 GMT+7 | SEA Games 2015

(lienminhbng.org) - Một lần nữa, Thể thao & Văn hoá Cuối tuần lại tìm đến một cựu danh thủ, có đủ kinh nghiệm huấn luyện, để lắng nghe những chia sẻ về bóng đá, nhận định về "giấc mộng vàng" SEA Games và cả những góc khuất tưởng chừng rất khó nói của làng cầu nội. Đó là HLV Nguyễn Văn Sỹ, người vừa mới “bỏ ghế” về để “gây dựng một chương mới” (theo như Văn Sỹ nói) của cuộc-đời-bóng-đá nhà Nguyễn Văn tại miền đất hứa Ninh Bình.

Anh em nhà Văn Dũng, Văn Sỹ sinh ra, lớn lên và thành danh ở Nam Định, nhưng nghiệp huấn luyện lại tứ xứ và có cảm giác khá lận đận, như thể cái vận đã gắn chặt vào chính họ vậy. Tuy nhiên…

* Người Thái và giấc mơ SEA Games

    * Thêm một lần nữa chúng ta lại thua người Thái (thua 0-1 trong trận mở màn của vòng loại thứ hai World Cup 2018 và cũng là vòng loại Asian Cup 2019) và có vẻ thất bại lần này chỉ rõ hơn khoảng cách về chuyên môn dù chỉ là 1 bàn thua. Anh nhận định thế nào về cái khoảng cách này?

- Cách làm bóng đá của Thái Lan tạo nên sự khác biệt, với không chỉ Việt Nam mà cả phần còn lại của Đông Nam Á. Bản thân nền bóng đá và các giải đấu của họ đã chuyên nghiệp trước chúng ta từ bao nhiêu năm nay.

Tôi để ý là, kể từ sau chiếc HCV SEA Games 24, năm 2007, trên sân nhà, họ đã hoạch định mục tiêu hướng ra đấu trường châu lục, thậm chí là tham vọng lọt vào VCK World Cup 2018. Họ tạo ra cơ chế, sẵn sàng hy sinh cả chục năm, không HCV SEA Games, không chức vô địch Đông Nam Á (AFF Cup) nữa, để bắt đầu với rất nhiều lứa cầu thủ trẻ kế tiếp nhau, tạo tính kế thừa và nâng cấp tham vọng từng ngày.


HLV Nguyễn Văn Sỹ, người vừa mới “bỏ ghế” về để “gây dựng một chương mới” (theo như Văn Sỹ nói)

Mới đây tuyển Olympic Thái Lan đã vào đến bán kết Asian Games 2014 và thành quả này không tự nhiên đến, nó đã được chuẩn bị từ cả chục năm trước. Chính lứa trẻ tài năng này của người Thái đang làm nòng cốt cho đội tuyển quốc gia của họ mà chúng ta vừa được chứng kiến ở vòng loại World Cup 2018.

Thái Lan làm bóng đá định hướng rất rõ ràng, không như chúng ta, vẫn mang hơi hướng ăn xổi. Chúng ta thấy lứa cầu thủ nào tốt, thì đẩy lên, đặt tham vọng cho họ ở những sân chơi khác nhau. Đã đành cầu thủ giống như những con tốt phải đi đầu trên trận tuyến, nhưng khác biệt là ý thức vai trò và cách dùng những con tốt ấy như thế nào mà thôi. Bóng đá cần phải có sự tích luỹ.

* Chúng ta đã thua Thái Lan cả chiến lược làm bóng đá, nhưng cơ hội chiến thắng trong một trận đấu không phải không có, bằng chứng rõ nhất là các năm 1998 và 2008. Tuy nhiên, ở cuộc đối đầu mới nhất, thày trò Miura thêm lần nữa thất bại, một thất bại khá toàn diện. Vậy theo anh, chúng ta có cơ hội nào không tại SEA Games 28 tới, khi gặp lại Thái Lan?

- Chúng ta có cơ hội, thậm chí là cơ hội lớn để giành chiến thắng trong khuôn khổ một trận đấu, nếu chúng ta có đủ bản lĩnh, tâm lý và cách tiếp cận hợp lý.  Như nhà báo đã nhắc, đó chính là 2 trận thắng ở bán kết Tiger Cup 1998 và chung kết lượt đi AFF Cup 2008, dù xét tổng thể, bóng đá Việt Nam không ở "cửa trên".

    Nhưng ở trận thua 0-1 vừa qua, thì đó là thất bại mà theo tôi là khá "quen thuộc". HLV Miura không sai khi chủ trương đá phòng ngự, phản công trên sân của một đối thủ mạnh hơn và rõ ràng, chúng ta đã có cơ hội ăn bàn nếu Công Vinh tận dụng tốt 2 cơ hội mười mươi. Tuy nhiên, lối đá phòng ngự tiêu cực bằng lối chơi quá rắn cùng những hạn chế về lực lượng, thì thua là đương nhiên thôi. Thua 1 bàn có lẽ cũng đã là may mắn rồi.

Dù sao thì tôi vẫn cho rằng, HLV Miura đã và đang nắm bắt được đầy đủ những điểm yếu, đặc biệt là về tâm lý chiến và khả năng chịu áp lực của cầu thủ Việt Nam, để khắc phục từng ngày. Tôi có thể nghi ngờ khả năng giành suất chơi VCK Asian Cup 2019 của ĐTQG, nhưng về cơ hội đoạt HCV SEA Games 28 của đội tuyển U23 là rất sáng sủa. Tôi tin tưởng lứa cầu thủ trẻ này sẽ làm được điều gì đó cho nền bóng đá quốc gia.

* Anh nói cơ hội giành HCV SEA Games 28 là rất sáng, có phải vì Thái Lan sẽ không cử đội hình mạnh nhất đến Singapore hay vì chúng ta có sự chuẩn bị tốt hơn các lần trước?

- Tôi nghĩ là cả hai! Thể lực của các ĐTQG dưới thời HLV Miura đã được cải thiện rất nhiều, tâm lý thi đấu và sự quan tâm của lãnh đạo. Cầu thủ trẻ tập trung lần này được thi đấu nhiều, tại V-League, cũng như các trận đấu, giải đấu quốc tế khác. Bản lĩnh cầu thủ chắc chắn được nâng lên. Tôi nghĩ, HLV Miura đã đọc ra được điều gì đó, khi chủ động đề xuất VFF mời đối tượng đá giao hữu mạnh hơn mình, như U23 Hàn Quốc hay đội tuyển CHDCND Triều Tiên mới đây vậy. Kể cả qua trận thua Thái Lan vừa rồi, sẽ bộc lộ những điểm yếu và là điều kiện tuyệt vời để rèn giũa bãn lĩnh cho cầu thủ.

* Không phủ nhận khát vọng giành chức vô địch SEA Games để hiện thực hóa giấc mơ Vàng của bóng đá Việt đã kéo dài tới gần nửa thế kỷ. Nhưng nếu chúng ta nhìn sang người Thái, họ đã quá nhiều năm đứng đầu khu vực, nhưng vẫn chưa thể vươn tới tầm châu lục?

- Đúng là cần phải soi vào gương, mới thấy mình xấu tốt như thế nào, để từ đó hoàn thiện dần. Chúng ta, nền bóng đá, vẫn chưa thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của "con gà và quả trứng", muốn gặt nhiều nhưng lại ít chịu trồng, chịu chăm. Mặc dù vậy, tôi tin rằng, chiếc HCV SEA Games 28 nếu giành được sẽ là gói kích cầu quan trọng, cho không chỉ bóng đá, mà cho cả các địa hạt khác. Đâu xa, chính chức vô địch AFF Cup 2008 thực sự đã giúp bóng đá Việt vẫn phát triển trong bối cảnh nền kinh tế gần như chạm đáy của lạm phát, khủng hoảng…

Cái vận đã quấn vào thân

* Trở lại với câu chuyện riêng của anh. Rời bỏ đất Nam Định để lập nghiệp tại những phương trời khác, hẳn là một quyết định rất khó khăn. Cho đến lúc này, anh có hối tiếc với chọn lựa của mình?

- Thời điểm tôi rời Nam Định (năm 2008), có nhiều vấn đề, đặc biệt là những mâu thuẫn với lãnh đạo CLB về cung cách điều hành và làm bóng đá. Anh cũng thấy là hơn nửa thập niên trôi qua, bóng đá Nam Định vẫn chưa thể trở lại sân chơi V-League và tôi cho rằng, nếu giữ lối tư duy cũ, sẽ rất khó để họ trở lại.

Tôi đã có một quyết định đúng đắn và không bao giờ cảm thấy hối tiếc cả. Tôi có thêm rất nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và cũng có điều kiện tốt hơn để chăm sóc gia đình, con cái. Mặc dù vậy, tôi vẫn mong muốn một ngày nào đó được trở về để dốc sức một lần nữa cho bóng đá quê hương, nơi đã giúp mình có được ngày hôm nay.

* Người đời bảo, những người sống luỵ tình thường lận đận trong con đường công danh, sự nghiệp và thậm chí cả gia đình khi có biến. Vẻ như nó đúng với Nguyễn Văn Sỹ?

- Bản tính của mình nó thế rồi, có muốn trở thành một con người khác đâu được. Tôi chấp nhận và không ngừng nỗ lực, không ngừng cố gắng để làm tốt nhất có thể trong công việc. Giờ, tôi đã là thông gia, là ông nhạc, cuộc đời không thể nói là viên mãn, nhưng tôi hài lòng với những gì mình có. Cuộc sống có lúc này lúc khác, ai đoán trước được số phận đâu?! Chắc rằng ông trời sẽ chẳng lấy đi hết của ai cả.

* Rất nhiều những người em, thậm chí là có cả những cầu thủ gọi anh bằng chú bác, mà Văn Sỹ từng giúp đỡ để thoát ly, để đổi đời, nhưng đổi lại chỉ là nỗi thất vọng. Ví như vụ 9 cầu thủ V.Ninh Bình nhúng chàm. Họ đã phụ lòng anh vì điều gì thế?

- Nhắc lại đau lòng lắm. Mình lôi họ ra từ ngóc ngách nào đó, ví như Gia Từ hay Phan Anh Tuấn chẳng hạn, trao cho họ cơ hội thể hiện, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Tôi đã và sẽ không bao giờ tưởng tượng được một ngày, mình lại nhận được câu trả lời chỉ là sự tồi tệ. Vì mối quan hệ phức tạp bên ngoài hay vì một phút nông nổi, tôi không biết được, khi tôi chỉ quản lý họ về mặt chuyên môn. Ví như thấy một vài biểu hiện không bình thường nơi cầu thủ, tôi có thể cho họ ngồi dự bị, không sử dụng hoặc thay họ ra trong các trận đấu, chứ còn về mặt tư tưởng, rất khó nắm bắt, bởi tất cả các cầu thủ đều đã trưởng thành rồi, có thể tự quyết định tương lai cho mình, chứ đâu phải những đứa trẻ?

Cơ hội ra đấu trường quốc tế chơi bóng là rất quý và bản thân V.Ninh Bình cũng rất sáng nước đi sâu ở AFC Cup 2014, để rồi tự họ hất bỏ. Sau tất cả những sự việc đã diễn ra, nó còn hơn cả gáo nước lạnh hất thẳng vào mặt mình.

Tất nhiên, ở một góc độ khác, việc để họ rơi vào lao lý, tù tội, cũng là thất bại cay đắng với cá nhân tôi, HLV trưởng của đội bóng. Giờ có gặp lại họ ở ngoài đường, thật, tôi cũng chẳng biết nói gì với họ. Mình còn có thể sống như thế nào nữa chứ?

* Cho đến thời điểm này, vẫn ít ai hiểu tại sao và như thế nào, anh lại thôi không làm HLV Cần Thơ nữa, mà về Ninh Bình mở Học viện bóng đá cùng anh ruột mình là Nguyễn Văn Dũng?


Nguyễn Văn Sỹ về Ninh Bình mở Học viện bóng đá cùng anh ruột mình là Nguyễn Văn Dũng

- Ở Cần Thơ, qua 7 tháng làm việc, không dài với công việc huấn luyện, nhưng cũng không quá ngắn, tôi rút ra được rất nhiều điều. Người ta, nói thẳng là lãnh đạo đội bóng, thích bóng đá, nhưng lại không biết và dường như cũng không muốn làm bóng đá?! Anh có nhớ là bóng đá Cần Thơ đã tụt lại bao nhiêu năm rồi không? Có một số những khuất tất trong mối quan hệ công việc, nhưng về cơ bản, chúng tôi vẫn tôn trọng nhau, không vi phạm bất cứ điều khoản hợp đồng nào. Cho đến khi tự tôi cảm thấy không hợp nữa, tôi xin rút lui. Suy cho cùng, không ai hiểu bóng đá Cần Thơ hơn chính con người địa phương này. Tự bản thân họ sẽ quyết định số phận của đội bóng sẽ hay hơn.

Về lại Ninh Bình và mở cái lớp này là cái định hướng lâu dài, là mơ ước của tôi từ nhiều năm rồi, nhưng bây giờ mới đến lúc thực hiện. Tâm huyến của tôi là tạo ra sân chơi ban đầu cho các lớp bóng đá cộng đồng, kéo những đứa trẻ ra khỏi màn hình máy vi tính hay điện thoại, sau đó phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, tạo ra những cầu thủ trẻ tốt nhất, làm lợi cho bóng đá địa phương và cả quốc gia nếu có thể. Sau khi sắp xếp xong công việc ở Học viện, tôi sẽ quay trở lại bóng đá chuyên nghiệp, chắc chắn rồi.

Cảm ơn anh và chúc Học viện bóng đá Dũng-Sỹ sẽ sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ phiên bản như anh em nhà họ Nguyễn Văn lẫy lừng thành Nam.

“Chúng ta đừng nóng vội và cũng không nên tạo áp lực, đòi hỏi về một lối chơi có mảng miếng rõ ràng, với HLV Miura khi ông còn đang trong quá trình chuẩn bị. Thời gian này, chỉ đủ để HLV Miura lắp ráp và thử nghiệm thôi, sau khi trải qua giai đoạn quan trọng nhất là tìm con người. Bóng đá, như tôi nói, là sự tích luỹ, việc nhồi thêm thể lực cũng cần tích luỹ, còn chuẩn bị lối chơi phải cần có thời gian. Không thể có tất cả những điều đó trong ngày một ngày hai được. Qua các trận đấu và giải đấu, cải thiện đáng kể nhất của các ĐTQG dưới thời HLV Miura là thể lực được nâng cao và tinh thần thi đấu máu lửa. Hy vọng khi vào SEA Games 28, chúng ta sẽ thấy được rõ nhất các miếng đánh, vũ khí chiến thắng”, HLV Nguyễn Văn Sỹ.


CCKM
Thể thao & Văn hóa Cuối Tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm