12/06/2015 13:33 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Nếu HLV Miura muốn làm cả làng bóng Đông Nam Á mất phương hướng, thì ông đã thành công.
Cứ sau mỗi trận đấu tại SEA Games 28, HLV Miura lại thay 5-7 cầu thủ trong đội hình xuất phát, điều hiếm xảy ra tại các giải đấu chính thức, khiến người xem có cảm giác “loạn đao pháp”. Kể cả trận đấu với U23 Thái Lan mà chúng ta thua 1-3 cũng không phải ngoại lệ. Ông thay hơn nửa đội hình so với trận thắng Timor Leste.
Có bài để giấu hay không?
Hơi hồ đồ khi cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn đặt câu hỏi, đội bóng của HLV Miura đang chơi thứ bóng đá gì? Tổ chức phòng ngự chặt, phản công nhanh, không phải, khi ngoài U23 Thái Lan, phần lớn các đối thủ đều dưới cơ U23 Việt Nam. Pressing toàn sân, tấn công phủ đầu đối thủ và bù thủ, cũng không hẳn. Chỉ một điều dễ nhận thấy nhất là các đường bóng dài được lặp đi lặp lại tỷ lệ dày đặc, cùng các miếng đánh giãn biên, kết hợp một số ít khác bật tường trung lộ. Hết!
Nhưng, đó không phải là chiến thuật, mà đơn thuần chỉ là các bài miếng để ứng phó với từng đối thủ, tình huống. Ví như trận cuối vòng bảng đá với U23 Thái Lan, chúng ta nhanh chóng vỡ vụn với các ý đồ triển khai tấn công từ cánh vào (sở trường). Đối thủ cũng bịt luôn trung lộ, bằng tỷ lệ kiểm soát bóng vượt trội. Công việc của các học trò HLV Miura là vào bóng và phá bóng thật mạnh, thậm chí dùng cả tiểu xảo, hy vọng đối thủ chùn chân. Tuy nhiên, họ vẫn có 3 bàn thắng.
Năng lực chơi bóng của cầu thủ, quyết định sức mạnh của đội bóng; trong khi, chiến thuật hợp lý có thể giúp đội bóng giành chiến thắng trong các trận đấu cụ thể và cả giải đấu. Khoan nói về tư duy (vốn là thứ trời phú), chỉ kỹ năng và thể lực thôi chúng ta đã thua Thái Lan, trong khi những dấu ấn về chiến thuật từ HLV Miura là chưa thật đậm nét. Chúng ta tự triệt tiêu thể lực bằng việc đuổi theo bóng. Và nếu không có một hai cá nhân biết cách toả sáng, đội bóng xem như “tạch”.
Hay xong xuôi tất cả lại về?
Trả lời phỏng vấn báo chí trong những ngày trên đất Singapore, HLV Miura cho rằng, ông cần duy trì cảm giác bóng cho cả 20 cầu thủ, để họ bất cứ lúc nào cũng sẵn sàng xung trận, tại giải đấu diễn ra hơn 2 tuần. Đó là lý do khiến ông thầy người Nhật Bản không từ chối bất cứ nguyện vọng được ra sân nào của học trò, không trận này thì trận khác, không thời điểm này thì thời điểm khác. Cứ máu lửa, nhiệt huyết là được. Ông Miura tạo ra bầu không khí cạnh tranh sòng phẳng.
Tuy nhiên, sự thật là năng lực tận hiến của 19/20 cầu thủ ở từng vị trí, là không đều nhau. Ví như ở hành lanh cánh, Văn Toàn và Đức Huy khó thể so với Huy Toàn; còn cặp tiền đạo lý tưởng nhất của U23 Việt Nam vẫn là Công Phượng – Hồng Quân (chứ không phải Phi Sơn hay Thanh Bình). Ở tuyến 2, Huy Hung ra dáng một cầu thủ lớn hơn so với Duy Mạnh và Hữu Dũng. Trong khi đó ở hàng hậu vệ và thủ môn, thiếu Quế Ngọc Hải, Minh Long, chúng ta thiếu ngay cảm giác an toàn.
Ông Miura vẫn cầm cờ trong tay
Con người quyết định chiến thuật, chứ không phải việc đem chiến thuật “ốp” vào đội bóng. Nói nôm na là “có bột mới gột nên hồ”. Thông thường, các HLV chỉ thay đổi (con người) khi người đá chính mắc lỗi nặng hoặc chấn thương, hoặc nữa là không phát huy tác dụng (với hàng tấn công), để tạo tính ổn định (vốn vô cùng cần thiết với một nhà vô địch) và tính kết dính, hoặc nữa là rèn giũa độc chiêu.
Nhưng ông Miura cho tới lúc này cho thấy, ông đặt kết quả cuối cùng lên trên hết. Một nửa nhiệm vụ được giao ông đã làm xong khi đưa U23 Việt Nam vào bán kết.
Nó mở ra cho ông thêm cơ hội khi U23 Việt Nam đấu với U23 Myanmar ở bán kết ngày mai, 13/6, để khoe bài, để chứng tỏ. Đá với U23 Myanmar thì không thể hữu dũng, vô chiêu mà thắng được họ. Ông Miura biết điều đó. Nên sau khi thua Thái Lan, ông còn nói: Mục tiêu chung kết là không đổi, vẫn còn nhiều đòn trong tay áo chăng?
Đã thử đủ 20 quân bài Không có bất cứ cầu thủ nào của U23 Việt Nam đã chơi trọn 450 phút của 5 trận đấu vòng bảng. HLV Miura đã dùng hết thảy 20 cầu thủ, với người chơi thời lượng nhiều nhất là thủ môn Phí Minh Long (360 phút), cầu thủ chơi ít nhất có lẽ là Huỳnh Tấn Tài (70 phút trận ra quân gặp U23 Brunei, trước khi phải chia tay SEA Games 28 vì chấn thương). Dưới đây là lộ trình 5 trận: * Trận ra quân thắng U23 Brunei tỷ số 6-0; đội hình xuất phát bao gồm: Minh Long; Mạnh Hùng, Ngọc Thịnh, Tấn Tài (Thanh Hiền 70’), Tiến Dũng, Duy Mạnh, Huy Hùng (Công Phượng 46’), Ngọc Thắng, Đức Huy, Thanh Bình (Hồng Quân 64’) và Phi Sơn. U23 Việt Nam chơi với sơ đồ 4-4-2 * Trận thắng U23 Malaysia tỷ số 5-1. Đã có đến 7 sự thay đổi so với trận ra quân, cùng với sự xuất hiện của Minh Tùng, Hữu Dũng, Quế Ngọc Hải, Công Phượng, Hồng Quân, Thanh Hiền và Huy Toàn. Văn Toàn được vào sân trong hiệp nhì, như vậy, HLV Miura đã sử dụng 19/20 cầu thủ * Trận thắng U23 Lào 1-0, Mạnh Hùng, Huy Hùng, Ngọc Thịnh, Thanh Bình, Văn Toàn, Đức Huy trở lại đội hình xuất phát, một lần nữa HLV Miura đảo đến 6 vị trí. * Trận thắng Timor Leste 4-0. Sự xuất hiện trở lại của Duy Mạnh, Huy Toàn, Bùi Tiến Dũng, Ngọc Thắng và Mạc Hồng Quân (5 vị trí bị thay thế so với trận đấu gần nhất trước đó) * Trận đấu cuối cùng vòng bảng, thua U23 Thái Lan tỷ số 1-3. Phạm Văn Tiến lần đầu xuất phát thế chỗ Minh Long, Mạnh Hùng, Đức Huy, Thanh Hiền, Văn Toàn, Thanh Bình (tổng cộng 6 vị trí bị hoán chuyển) |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất