Chuyên gia Phan Anh Tú: U23 Việt Nam cần có “máu lạnh”

12/11/2011 07:22 GMT+7 | SEA Games 26

(TT&VH Cuối tuần) - Vốn từng tu nghiệp bóng đá tại Đức, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội, ông Phan Anh Tú, tỏ ra cảm thông với những khó khăn mà huấn luyện viên Falko Goetz đang gặp phải. Theo chuyên gia bóng đá này, U23 Việt Nam đang thiếu một thủ lĩnh có khả năng bao quát tốt và giỏi đá phản công như Hồng Sơn, Minh Phương ở tuyến tiền vệ...

Thầy trò ông Falko Goetz non tâm lý

* U23 Việt Nam mở màn chiến dịch săn vàng với hình ảnh nhợt nhạt, bất ổn ở cả 3 tuyến. Ông có nghĩ khoản tiền treo thưởng chừng 30 tỷ đã làm căng cứng những “đôi chân bạc tỷ” của ông Falko Goetz?

- Tôi nghĩ màn trình diễn chưa ấn tượng của U23 Việt Nam phải đặt vào hoàn cảnh thực tiễn. Có lẽ áp lực từ báo chí, từ người hâm mộ khiến bản thân huấn luyện viên Goetz và học trò mất đi sự tỉnh táo. Một người mới như ông Goetz bắt đầu bị sức ép thành tích, đa số các tuyển thủ còn trẻ và ít kinh nghiệm. Tôi nói vui U23 Việt Nam như thí sính đi thi, lúc nhận đề thi quá dễ đâm ra chủ quan rồi thực hiện bài làm không tốt. U23 Việt Nam nằm ở bảng dễ nên sự kỳ vọng càng cao, đến khi thi đấu chưa tốt lại càng run. Cầu thủ ta vốn quen đá ngẫu hứng nên khi rơi vào trạng thái căng thẳng đá càng rối, càng khô cứng. Không cởi bỏ nút thắt về tinh thần, lối đá trở nên mất tự nhiên và thiếu chính xác cũng vì thế.

* Theo quan điểm của ông, đâu là điểm yếu lớn nhất của U23 Việt Nam lúc này?

- Tôi thấy khả năng tổ chức phản công nhanh của chúng ta có vấn đề. Nói thẳng ra, bóng đá Việt Nam lúc này vắng bóng những cầu thủ có nhãn quan chiến thuật sắc sảo. Thời trước, tuyển Việt Nam có những cá nhân xuất sắc, như Hồng Sơn, Minh Phương, có thể giúp đồng đội ghi bàn chỉ bằng một đường chuyền dài vượt tuyến. Hiện tại, U23 Việt Nam thừa tiền vệ tấn công xuất sắc nhưng lại thiếu một trung phong thực sự. Bất ổn ở khâu ghi bàn khiến U23 Việt Nam càng đá càng mất tự tin. Cải thiện hiệu suất ghi bàn cần một quá trình dài, chứ không thể đốt cháy giai đoạn trong vài ngày. Có lẽ U23 Việt Nam phải tìm giải pháp khác để bù đắp nhược điểm trên mà thôi.

* Ông thấy dấu ấn của ông Goetz đã rõ nét chưa? Huấn luyện viên của U23 Myanmar, ông Stefan Hasson, có vẻ “đọc vị” được lối chơi và khả năng điều chỉnh của Ban huấn luyện U23 Việt Nam?

- Tôi nghĩ ông Goetz đã định hình lối chơi và kỹ năng cho các học trò. Là người Đức, ông Goetz khéo léo kết hợp tinh thần Đức với lối chơi đan bóng nhỏ, nhuyễn cho các tuyển thủ. Chỉ có điều ông Goetz cần tự giải tỏa áp lực cho mình và học trò. Trận hòa trước Myanmar, phải đánh giá rằng đối thủ có nền thể lực tốt, chơi khoa học và kỷ luật. Đá với đối thủ chăm chăm phòng ngự, chuyện khó ghi bàn là dễ hiểu. Chắc mọi người còn nhớ rõ trận Việt Nam thua 0-1 trước Nhật Bản vừa qua. Hàng công Nhật Bản mạnh thế, cũng chỉ có bàn thắng duy nhất khi chúng ta chơi tử thủ.

SEA Games mất dần tính nghiêm túc

* Liên tục thời gian qua, bóng đá Đông Nam Á đón càng nhiều ngoại binh nhập tịch. Liệu trào lưu ngoại hóa này là tốt hay xấu cho bóng đá khu vực?

- Về mặt nào đó, việc Philippines, Indonesia rồi Đông Timor nhập tịch cầu thủ khiến giải đấu phong phú và đông vui hơn. Có điều những nhà chuyên môn bóng đá như chúng tôi thấy rằng giải đấu khu vực ngày càng mất đi giá trị nghiêm túc và sự tự tôn giữa các quốc gia. Bởi thực tế nhiều ngoại binh nhập tịch được triệu tập phục vụ cho mỗi giải đấu mang tính thời vụ. Bản thân nhiều người không biết Quốc ca nước mình thi đấu hay sự hạnh phúc khi khoác áo đội bóng quê hương. Lối đá của những cầu thủ nhập tịch cũng không máu lửa, hết mình như những cầu thủ bản địa. Tôi nghĩ trào lưu nhập tịch đã làm hỏng tính cao đẹp của SEA Games đã có nhiều năm qua.


Tổng Thư ký LĐBĐ Hà Nội, Phan Anh Tú: U23 Việt Nam cần có “máu lạnh”

* Những cầu thủ nào đang gây bất ngờ và thích thú nhất với ông sau những trận đầu tiên ở SEA Games 26?

- Về phía U23 Việt Nam, tôi thực sự ấn tượng với phong độ của Thành Lương và Văn Quyết. Nhất là Thành Lương khiến tôi mê mẩn với những pha dốc bóng dũng mãnh và ngoặt bóng ở tốc độ cao. Tôi nghĩ Thành Lương ngày càng chín chắn và khôn ngoan trong việc xử lý bóng trong cự ly hẹp. Văn Quyết cũng chơi khá tốt trong vai trò tiền vệ tấn công. Nhưng điểm yếu của Lương lẫn Quyết là kỹ năng ghi bàn còn yếu. Nếu hai cầu thủ này đạt hiệu suất dứt điểm cao hơn, U23 Việt Nam sẽ vô cùng khó lường. Còn cầu thủ Alan Leandro của Đông Timor khiến tôi thích thú nhất. Chân sút mang áo số 29 là mẫu tiền đạo có tốc độ, thể hình và lối chơi càn lướt như tiền đạo Antonio Rodriguez của Đồng Tâm Long An.

* “Bảng tử thần” năm nay rất khó đoán 2 đội lọt vào vòng bán kết. Ông đánh giá sao các đối thủ trong bảng A?

- Tôi thấy các đội bóng trong bảng đều ngang ngửa nhau. Riêng Indonesia đang chọn lối chơi latin hóa và dựa vào tốc độ nên thắng đậm Campuchia cũng không có gì khó hiểu. Có điều lối chơi của thầy trò ông Rahmad Darmawan chưa chắc vượt qua được lối chơi đậm thể lực và mãnh mẽ của U23 Malaysia. Qua vài trận ở VFF Cup, tôi thấy Malaysia không có lối chơi khó lường như 2 năm trước. Trong khi Singapore có lối chơi khá đơn giản và chưa thực sự tạo ra bản sắc trong phong cách. Tôi chưa thể khẳng định đội nào ở “bảng tử thần” sẽ đi tiếp lúc này, khi các đội chưa bộc lộ hết thực lực.

* Đánh giá chung của ông về SEA Games 26 so với các kỳ tổ chức trước?

- Qua những vòng đấu đầu tiên, tôi nghĩ các đội bóng đều có một lối chơi na ná nhau. Chưa thực sự có đội bóng nào nổi trội thật sự trong phong cách lẫn lối chơi. Bản thân giải đấu năm nay cũng chưa xuất hiện ngôi sao nào thực sự lớn. Hy vọng những trận đấu tới đây sẽ hấp dẫn và kịch tính hơn về mặt chất lượng.

Cải tổ bóng đá Việt Nam, chậm còn hơn không

* Cuộc họp LĐBĐ Việt Nam vừa qua quyết định VPF theo hướng cổ phần hóa. Ý tưởng ấy từng được PCT VFF Dương Nghiệp Khôi đưa ra 3 năm trước, ông có nghĩ việc cải tổ quá chậm hay không?

- Tôi nghĩ không muộn lắm đâu. Cái gì cũng cần thời cơ chín muồi mới có thể biến thành hiện thực. Ba năm trước hoàn cảnh bóng đá Việt Nam có nhiều điều kiện cần và đủ để chuyển mình. Bây giờ, bóng đá Việt Nam nếm trải không ít thành công lẫn thất bại. Bản thân các ông bầu, lãnh đạo VFF cũng thay đổi cách nhìn nhận và quản lý bóng đá. Đã tới lúc BTC V-League phải độc lập trong hoạt động và có hướng hoạt động chuyên nghiệp thật sự. Chỉ có điều việc tổ chức VPF trước giải đấu có đúng 1 tháng sẽ rất cập rập, vội vàng. Mọi hy vọng đều dựa kinh nghiệm quản lý của những doanh nhân như Đoàn Nguyên Đức, Nguyễn Đức Kiên, Lê Tiến Anh...

* Ông nghĩ sao khi Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên nói rằng các CLB V-League chi tiền rất nhiều song không hút được khán giả và tạo ra một giải đấu chất lượng, trong khi Thai League lại hấp dẫn và đông đảo khán giả hơn hẳn V-League chúng ta?

- Theo tôi nghĩ anh Kiên mới chỉ đưa ra được một góc độ của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Điểm nhìn lịch sử, Thai League ra đời lâu hơn và đã đi trước chúng ta về mức độ chuyên nghiệp. Ngay các CLB Thai League đầu tư và tham vọng hơn hẳn chúng ta. Xét kinh phí đầu tư, CLB Muang Thong của Thái còn chi tiền gấp mấy lần Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương hay HN.T&T. Họ bỏ tiền chiêu mộ cả những ngôi sao từng đá giải Ngoại hạng, Robbie Fowler, hay mời HLV Henrique Calisto với mức lương gấp 2 lần khi dẫn đội tuyển Việt Nam. Bóng đá họ có bước đi khác chúng ta, song các CLB V-League cũng có thể tự hào là giải đấu số 1 khu vực ĐNA theo một nghĩa nào đó. Nhưng tôi nghĩ đã tới lúc BĐVN cần hướng đi khoa học và bài bản nhằm lấy lại niềm tin từ người hâm mộ ngay từ bây giờ.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Mộc Miên(thực hiện)

Phan Anh Tú, có thể bạn chưa biết...

* Ông Phan Anh Tú sinh năm 1957 tại Hà Nội. Từng tốt nghiệp Đại học TDTT I chuyên ngành bóng đá. Sau khi ra trường, ông Tú công tác tại Sở TDTT Hà Nội từ năm 1979 đến sau này và tham gia huấn luyện các đội bóng trẻ của bóng đá Thủ đô.

* Từng tu nghiệp 2 năm tại Đức chuyên ngành bóng đá vào các năm 1993 và 1996. Ông Tú cùng lãnh đạo cựu trào Lê Thế Thọ, là số ít người sang Đức học chuyên sâu về môn bóng đá tại nước ngoài.

* Từ năm 1997 đến 1999, ông Phan Anh Tú từng là thành viên BHL ĐTQG trong vai trò trợ lý ngôn ngữ cho HLV Alfred Riedl tại Tiger Cup 1998. Sau đó chuyển về làm Trưởng ban Bóng đá nữ LĐBĐ Việt Nam một thời gian.

* Ông Phan Anh Tú từng đóng vai trò Quyền TTK VFF nhiệm kỳ IV (2005). Hiện nay đảm nhận vai trò Tổng thư ký LĐBĐ Hà Nội và là một cây bình luận thể thao sắc sảo trên truyền hình.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm