Việc gì phải sợ thắng Thái Lan?

10/06/2015 05:19 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Một kịch bản mơ ước: Việt Nam và Thái Lan sau trận đối đầu ở vòng bảng sẽ gặp nhau ở trận chung kết.

12 năm trước, Việt Nam và Thái Lan ở cùng một bảng, hai đội hòa 1-1 rồi sau đó gặp nhau lại nhau ở chung kết. Thái Lan đánh bại Việt Nam 2-1 bằng bàn thắng của hậu vệ cánh trái Phanrit ghi trong hiệp phụ.

Đó là một bằng chứng cho thấy, những chiến thắng ở vòng bảng chẳng nói lên bất cứ điều gì cho một cuộc tái đấu mang tính quyết định – điều đôi khi xảy ra cả ở những giải đấu nằm ngoài khuôn khổ bóng đá khu vực. Đó là câu chuyện của người Ý trước Tây Ban Nha năm 2012, của Liên Xô (cũ) trước Hà Lan năm 1988 ở EURO.

Và nó còn đúng với một quy luật của riêng bóng đá Việt Nam: Khi các chiến thắng là men rượu cực nặng làm tất cả ngật ngưỡng, khiến mọi người nghĩ rằng tấm HCV hay một chiếc cúp đã được bỏ vào túi, thì THUA.

Nhưng lịch sử (không chỉ riêng thể thao) chỉ có tính tham khảo, nếu như các vấn đề về tâm lý được giải quyết, còn trình độ được xây dựng thông qua quá trình tuyển chọn cầu thủ, huấn luyện bổ sung trong giai đoạn tập trung, và rèn giũa qua từng trận đấu.

Học từ thất bại cũng là một cách học. Nhưng nó không phải là cách duy nhất, vì các chiến thắng cũng có thể đẻ ra được chiến thắng.

Cũng lịch sử EURO, không chỉ có những cuộc tái đấu như trên mà còn có cả những trận gặp lại để chiến thắng nối tiếp chiến thắng: Như Đức đánh bại CH Czech 2 lần năm 1996, Hy Lạp đánh bại Bồ Đào Nha 2 lần năm 2004.  

Còn trong cuốn tự truyện “Go for the Goal” của Mia Hamm, tiền đạo nữ lừng danh của Mỹ, chị nói: “Tôi lấy các chiến thắng làm cảm hứng và động lực để tiến tới, và học được từ chiến thắng những cách thức để làm nên chiến thắng tiếp theo”.

HLV Miura thuộc mẫu người như thế nào? Nếu nhìn từ quá trình chuẩn bị rồi thi đấu ở vòng loại U23 châu Á, ông là người không màng tới những kết quả không mang tính quyết định.

Nhìn từ trận đấu vòng loại World Cup 2018, ông lại là một con người khác. Ông cho các cầu thủ đá tận lực ở trận đấu giao hữu với Triều Tiên (hòa 1-1) còn trận đấu với Thái Lan ở Bangkok thì chúng ta thua 0-1.

Trong bóng đá, có những cách thức tiếp cận trận đấu khác nhau: Đá tận sức để đạt chiến thắng bằng mọi giá, đá với sự điềm tĩnh để phát huy khả năng của mình và từ đó nếu chiến thắng thì có thêm sự tự tin, còn thất bại thì khắc phục.

Với ông Miura, khắc phục những hạn chế (ngoại trừ thể lực) trong thời gian ngắn có vẻ là khó, còn tiết chế cảm xúc có vẻ là sở trường, và nhất là sau hai trận bán kết với Malaysia ở AFF Cup ông chắc chắn phải có những bài học cho riêng mình.

Nhưng ở đây, người viết không có ý muốn chờ đợi chúng ta hãy thắng Thái Lan để rồi gặp lại Thái Lan. Sau trận đấu với Thái Lan sẽ là trận đấu ở bán kết, hoặc là với Singapore chủ nhà hoặc là Myanmar rất khó chịu.

Nghĩ tới gặp lại người Thái ở chung kết lúc này mới là ảo tưởng, và không giống với bóng đá đỉnh cao. Đá sao để có được một đối thủ thích hợp, không kỵ rơ ở bán kết mà không tổn hại về lực lượng (chấn thương, thẻ phạt).

Mà chắc gì Thái Lan sẽ vào tới chung kết? Chắc gì nếu có một trận tái đấu sẽ là tranh một tấm huy chương màu vàng?     

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm