Khi U23 Việt Nam là một 'bó đũa'

05/06/2015 14:38 GMT+7 | Các ĐTQG

(lienminhbng.org) - Tinh thần đoàn kết của U23 Việt Nam ở Singapore những ngày qua gợi nhớ lại những kỷ niệm của các đội tuyển trong quá khứ.

Trong quá khứ, ít nhất 2 lần cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam, Henrique Calisto, từng dùng hình ảnh bó đũa rất quen thuộc với người Việt Nam, để nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt khó.

“Bó đũa” của ông Calisto

Lần đầu tiên, đấy là chuyến tập huấn tại Thái Lan, trước thềm Tiger Cup 2002 (tên gọi tiền thân của AFF Suzuki Cup bây giờ). Đã có khoảng 10 cầu thủ, cả già lẫn trẻ (già là “thế hệ vàng” còn sót lại, còn trẻ là lứa cầu thủ đầu 8X, với Thế Anh, Minh Phương, Tài Em…), xé rào đi xem “sex show”. HLV Calisto đã rất giận dữ và ông quyết định ngồi đợi ở sảnh khánh sạn đến tận đêm khuya, chờ học trò cuối cùng về điểm tập kết.

Đêm đó, “phù thuỷ râu kẽm” đã toan tống cổ họ về nước. Cầu thủ đã tỏ ra hối lỗi và một vài trong số đó thậm chí còn quỳ gối, van xin HLV Calisto tha thứ. Màn giáo huấn đến tận lúc gà gáy, trước khi ông “Tô” cho phép họ trở về phòng. Tại giải đấu trên đất Indonesia sau đó ít ngày, đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn chuyển giao thế hệ đã xuất sắc đoạt hạng 3 chung cuộc, với hình ảnh Văn Sỹ ngồi xe lăn ở cabin BHL, như một gợi mở về lòng trắc ẩn và thuyết đắc nhân tâm.

Lần thứ 2, khi đội tuyển Việt Nam trải qua đến hơn chục trận đấu không nếm mùi chiến thắng trong chuỗi chạy đà đến AFF Suzuki Cup 2008. Dư luận lo lắng và bản thân HLV Calisto đã nghĩ đến chuyện từ chức, và chỉ  đổi ý khi được chính các học trò của mình động viên. Thuyền trưởng xứ Iberia hoá ra chỉ một lần nữa lật dở bài học cũ nhằm xốc lại tinh thần toàn đội. Và kết quả chúng ta đã lột xác kể từ vòng bán kết, trước khi lần đầu tiên trong lịch sử đánh chiếm thành công ngôi vương Đông Nam Á.

Ông Miura cũng rất giỏi về tâm lý

Trở lại với U23 Việt Nam của HLV Toshiya Miura lúc này, cảm giác như sự gắn kết và chủ nghĩa tập thể chưa bao giờ lại cao đến thế. Hình ảnh đám đông cầu thủ ăn mừng bàn thắng và chiến thắng với chiếc áo số 13 của Huỳnh Tấn Tài, người không may dính chấn thương và sớm chia tay SEA Games 26, là một thông điệp. Để có một bàn thắng, đôi khi chỉ cần sự hợp lý trong từng động tác bóng, nhưng để có chiến thắng thì cần nhiều hơn thế. Đó là sự hy sinh, đoàn kết và đồng lòng.

Chúng ta sẽ không cần phải băn khoăn về khái niệm tưởng chừng là đương nhiên, như màu cờ sắc áo hay tinh thần tận hiến, khát vọng thi đấu, nếu lịch sử không từng có tì vết. AFF Suzuki Cup 2012, khi đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Phan Thanh Hùng trở thành đám tàn binh ngay sau vòng bảng cũng vì lòng quân không thuận. Trước và sau năm 2012, bóng đá Việt Nam cũng từng trải qua nhiều cuộc bể dâu đến bẽ bàng, mà đỉnh điểm là trận tranh HCĐ SEA Games 24 ở Nakhon Ratchasima (thua U23 Singapore 0-5) hay SEA Games 27 Myanmar...

Câu chuyện về bó đũa và cột cờ sẽ tiếp tục được nhắc lại, bởi nó có thể quyết định luôn sự thành bại của thầy trò HLV Miura ở SEA Games 28 này.

Sự cá nhân của Công Phượng sẽ khó làm hỏng kết cấu của U23 VN. Sau tình huống chuyền bóng của Ngọc Thắng để Công Phượng nâng tỷ số lên 2-0, trận thắng U23 Malaysia 5-1, người ta nghĩ ngay đến tình huống tương tự ở trận đá tập với U23 Myanmar (đáng ra Phượng phải chuyền cho Hữu Dũng, thì anh lại “tự làm tự ăn”). Nhưng sự cá nhân này không phá hỏng “bó đũa”. Bằng chứng là Phượng vẫn được đặc cách làm điều mình muốn, miễn hiệu quả.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm