01/02/2018 13:53 GMT+7 | Các ĐTQG
(lienminhbng.org) - Ở một vài tình huống trong trận chung kết gặp U23 Uzbekistan, trung vệ Duy Mạnh như muốn nhảy bổ vào đối thủ, sẵn sàng nói chuyện bằng nắm đấm. Khoan hãy cho rằng, đấy là biểu hiện - hành vi phi thể thao và thiếu "Fair Play", mà thực sự là hành động cần thiết kịp thời của một thủ lĩnh, để giúp đội bóng cân bằng và không hoảng loạn.
Trước đó, nhiều người đã lo lắng và thậm chí đổ lỗi cho BTC, cũng như lãnh đạo đội U23 Việt Nam, khi để các cầu thủ phải cày ải trên mặt sân tuyết rơi trắng trời và có biểu hiện đóng băng.
Đá bóng không cầu an
"Công việc của tôi là đá bóng và mong mọi người nên cổ vũ tôi, cũng như các đồng đội trên sân cỏ, thay vì soi mói đời tư", Công Phượng từng trả lời dõng dạc cánh phóng viên như thế. Phàm là cầu thủ, bạn không được phép cầu an (nhàn). Bởi sự kinh sợ dễ làm nhụt trí khôn, dẫn đến hoảng loạn. Họ có quyền rơi lệ khi thất bại, nhưng tốt hơn nên để dành nước mắt trên bục vinh quang. Các điều kiện thi đấu khắc nghiệt, đối thủ khắc nghiệt, sẽ chỉ giúp các cầu thủ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, chứ không thể đánh gục được họ. Người hâm mộ vẫn cứ lo lắng, nhưng nếu không hiểu chuyện, những đòi hỏi trở nên lố bịch.
Ngoài một số ít các phóng viên thể thao theo chân đội tuyển U23 Việt Nam và một đôi ngàn CĐV - phần lớn là du học sinh, hoặc người lao động đang làm việc tại Trung Quốc, có mặt trên các khán đài, phần lớn chúng ta đều không phải chịu cái lạnh âm độ C trong nhiều giờ đồng hồ cùng đội bóng, không chiến đấu cùng họ và tất nhiên, không cảm nhận được gì nhiều qua màn hình tivi. Phải nói lại cho rõ rằng, tiểu ban kỹ thuật của BTC giải, mà cụ thể là các trọng tài và giám sát trọng tài, mới là những người quyết định trận đấu có đủ điều kiện để diễn ra hay không, chứ không phải BTC ép U23 Việt Nam, càng không phải việc lãnh đạo U23 Việt Nam kém khoản tài phán.
Sự thật không thể chối bỏ rằng, vị thế của nền bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế là khá khiêm tốn. Sau thành công của U23 Việt Nam qua VCK U23 châu Á 2018, nó có thể được cải thiện ít nhiều, nhưng cũng chính vì vị thế khiêm tốn ấy, nên chúng ta thậm chí không thể "mặc cả". Nếu là Nhật Bản, Hàn Quốc hay chủ nhà Trung Quốc đá trận chung kết, câu chuyện cũng (có thể) khác đi nhiều. Tuy nhiên, như đã nhắc ở trên, trong gian khó chúng ta mới thấy được hình hài chiến binh của thầy trò HLV Park Hang Seo. Họ đã chiến đấu đến cùng cực, và thất bại trở nên vĩ đại.
Trí khôn của ta đây!
Nhìn lại toàn bộ hành trình của đội tuyển U23 Việt Nam trên đất Trung Quốc, trong hơn 3 tuần qua, có thể thấy được đội bóng đã trưởng thành một cách không tưởng. Chúng ta thậm chí chỉ giành 1 trận thắng chính thức (trước U23 Australia ở vòng bảng), nhưng lại ghi tên mình ở trận đấu quan trọng cuối cùng của VCK U23 châu Á 2018, thì đấy phải dựa trên trí khôn, dựa trên những tính toán chính xác tuyệt đối. Và, đương nhiên cả một chút may mắn nữa. Bóng đá trẻ vốn vẫn bị cho là thiên về cảm xúc và sự ngẫu hứng, nhưng HLV Park Hang Seo và cộng sự không ngẫu hứng, mà tính toán rất chi li, cởi bỏ được các nút thắt khó nhất.
Syria là một đối thủ khó nhằn, nhưng họ cần tối đa 3 điểm ở trận đấu cuối mới hy vọng đi tiếp, trong khi chỉ cần hoà chúng ta vẫn rất sáng nước. Một thế thủ kiên cố được tạo lập và đây là trân đấu mà chúng ta hao tổn thể lực nhiều nhất. Khi vào đến các vòng "knock-out", cả Iraq và Qatar, như thừa nhận của chính họ sau trận, đều đã đánh giá không đúng mức năng lực đội bóng của ông Park, nên phải trả giá. Với tính chất trận đấu (có hiệp phụ và đá luân lưu), đội bóng đã điều chỉnh nhịp độ thi đấu cực kỳ nhịp nhàng, có nhu và có cương, đúng thời điểm. Và, chúng ta thành công mỹ mãn khi kéo được họ đến các loạt sút luân lưu định mệnh.
Việc tính toán và điều chỉnh kịp thời, không bao giờ là công việc đơn giản cả. HLV Park Hang Seo đã phải cần rất nhiều các bộ não của trợ lý, tổng hợp và ra quyết định trong tích tắc. Nhưng, suy cho cùng thì cầu thủ trên sân mới quyết được sự thành bại. Đội tuyển U23 Việt Nam có đủ những con người như thế, vừa đa lại vừa tinh, bằng với tinh thần đoàn kết, can trường..., họ đã lập nên chiến công. Đây không phải là điều thường thấy trong lịch sử nền bóng đá ở các cấp độ ĐTQG. Một tập thể mấy chục cầu thủ trẻ chơi thứ bóng đá trong trẻo, không tì vết, chuyện họ đi vào lòng người hâm mộ là không quá khó hiểu.
Kỳ cuối: Hậu vận và những điều ước cho bóng đá Việt
1. Không giành chức vô địch, nhưng U23 Việt Nam đã được trao tặng danh hiệu "Fair Play". Đây là vinh dự cao quý bậc nhất trong môn thể thao vua. 2. Đội tuyển U23 Việt Nam đã 2 lần vượt qua các đối thủ mạnh, sau các loạt sút luân lưu, điều đó cho thấy bản lĩnh thực sự của những chàng trai trẻ Việt Nam. 0. Không một cầu thủ U23 Việt Nam nào phải nhận thẻ đỏ trong một trận đấu tại VCK U23 châu Á 2018. |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất