14/09/2011 11:22 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH) - “Với giáo án và khối lượng vận động (rất nặng) như hiện tại, e rằng tới Cúp bóng đá quốc tế TP.HCM (sẽ khai mạc vào ngày 20/9 tới), cầu thủ U23 Việt Nam chạy không nổi ấy chứ”, đã có ý kiến như thế sau những buổi tập đầu tiên của thầy trò HLV Falko Goetz tại Trung tâm Thành Long.
Nhưng, như thế bị cho là lo xa, bởi sân chơi chính với mục tiêu duy nhất: đổi màu huy chương, phải là SEA Games 26 trên đất Indonesia. Thuyền trưởng Falko Goetz và BHL sẽ phải tính toán điểm rơi phong độ lý tưởng cho U23 Việt Nam cho đến lúc đó.
Trọng Hoàng có vai trò rất quan trọng trong lối chơi của U23 Việt Nam. Ảnh: Quang Nhựt
Nhạc trưởng, anh là ai?
Nhạc trưởng (không nhất thiết phải là đội trưởng) theo cách nghĩ cổ điển trong bóng đá là người giữ nhịp trận đấu, là điểm khởi đầu cho các đợt lên bóng, với những đường chuyền kiểu một phát ăn ngay… Họ chơi ở tuyến 2 và thường xuyên nhất là khu giữa sân. Nhạc trưởng là ông chủ của đội bóng và lối chơi được xây dựng xung quanh anh ta.
“U23 Việt Nam sẽ không bao giờ giống ĐTQG! Khi độ tuổi bị giới hạn, tôi cũng sẽ ít đi những sự lựa chọn, đặc biệt là các cầu thủ làm hạt nhân, để xây dựng lối chơi xung quanh họ. Công việc của tôi bây giờ là tìm ra những người ấy…”, HLV Falko Goetz đã phát biểu như thế sau ngày đầu tiên U23 Việt Nam hội quân ở Trung tâm Thành Long (TP.HCM).
Chắc chắn bộ khung của U23 Việt Nam phải được xây dựng dựa trên nền tảng những cầu thủ tốt nhất còn trong độ tuổi. Và có thể lờ mờ hiểu rằng, đó là một (hay vài) những cái tên từng có vinh dự khoác áo ĐTQG dưới thời ông thầy người Đức như Long Giang, Thành Lương, Trọng Hoàng và Văn Quyết; hay rộng hơn là 11 cái tên còn lại từ SEA Games 25.
Với Thành Lương khỏe khoắn sau chấn thương, U23 Việt Nam sẽ sở hữu bộ ba tam giác cực kỳ lý tưởng: Thành Lương-Trọng Hoàng-Văn Quyết. Năng lực chơi bóng của 3 cái tên vừa nhắc là không phải bàn cãi, nhưng trên cơ sở là vị trí sở trường của mỗi người, Trọng Hoàng sẽ lĩnh ấn như một đầu tàu để kéo các toa còn lại của đoàn tàu. Có thể tin vào Hoàng!
“Quyền lực” SLNA
Trong số 8 tiền vệ được gọi bổ sung lần này (không kể Văn Quyết được quy hoạch đá tiền đạo), có đến một nửa số đó thuộc biên chế SLNA: Trọng Hoàng, Văn Bình, Hoàng Thịnh và Nguyễn Ngọc Anh (số còn lại là Trần Mạnh Dũng (V.NB), Phạm Thành Lương (HN.ACB), Đinh Thanh Trung (HP.HN) và Nguyễn Thái Dương (HA.GL).
Từ khoảng chục năm đổ lại đây, quân SLNA trên ĐT (đặc biệt là các ĐT trẻ) luôn chiếm số lượng áp đảo. Mô hình đào tạo trẻ xứ Nghệ đã, đang và sẽ vẫn là số một. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu HLV Falko Goetz có thể trao trọn niềm tin vào những người Nghệ An trẻ được quy hoạch lần này?! Có thể, nếu dựa trên năng lực chơi bóng của họ!
Thế giới không hiếm các ĐTQG được xây dựng lối chơi dựa trên cơ sở tài nguyên của một (hoặc 2) CLB. Ngoài Tây Ban Nha với Barca và Real Madrid, thì ĐT Anh cách đây chục năm và vào thời điểm hiện tại (2 đội bóng thành Manchester + phần còn lại) là những minh chứng. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng luôn có lý lẽ của nó.
SLNA là nhà vô địch V-League 2011 với 4 cái tên vừa nhắc ở trên đều thuộc biên chế trong đội hình chính. Đó là lý do họ có mặt ở đây. Nếu có thêm Quang Tình và Hồng Việt (vẫn còn trong độ tuổi đá SEA Games), tuyến 2 của U23 Việt Nam hoàn toàn thuộc về xứ Nghệ (hệt như mô hình của Tây Ban Nha và Barca đang thống trị châu Âu và thế giới).
TÙY PHONG
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất