12/11/2011 06:21 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH Cuối tuần) - U23 Việt Nam đá như gà mắc tóc và không thể hiện được năng lực đích thực của mình. Nếu tiếp tục tình trạng này thì nguy cơ bóng đá Việt Nam trắng tay tại SEA Games 26 không còn là viễn cảnh xa vời. Đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa lâm trận, nỗi ám ảnh các VĐV không vượt qua chính mình và hiệu ứng không tích cực từ sự nhợt nhạt của U23 Việt Nam vẫn như một bóng mây.
U23 Việt Nam và ông Falko Goetz đang bị stress?
Đội tuyển U23 Việt Nam đã trình diễn một gương mặt đáng thất vọng so với sự kỳ vọng của người hâm mộ cả nước, lẫn sự tôn trọng của các đối thủ. Gần một thập niên qua, ở đấu trường SEA Games, bóng đá Việt Nam luôn là ứng viên nặng ký của chức vô địch. Trước thềm SEA Games 26 cũng vậy. Nhìn vào các yếu tố để tạo nên một đội bóng mạnh, U23 Việt Nam dường như không thiếu một thứ gì, nhất là về chế độ đãi ngộ. Chưa đá, nhưng họ đã là nhà quán quân khi ngôi vô địch được treo giá tới hơn 22 tỷ đồng.
Thế mà, người hâm mộ chưa chấm được bất cứ một điểm nổi trội nào ở đội bóng do ông Falko Goetz dẫn dắt: Từ bản lĩnh, lối chơi đến khả năng dứt điểm...
Chúng tôi vẫn muốn tin rằng, thầy trò huấn luyện viên Falko Goetz vẫn đang ở dạng tiềm năng, dù có những hạn chế không khó phân tích: Thiếu “sát thủ” đích thực. Hay nói cách khác, họ vẫn đang chưa thực sự giải phóng được sức ì, vì thực tế không ít đội càng vào sâu đá càng hay.
Có những lúc đội bóng bị ì xuất phát từ sự tính toán điểm rơi phong độ của huấn luyện viên chưa chính xác. Nhưng, bóng đá là môn đối kháng đặc thù và áp lực thành tích cực lớn. Rất nhiều đội bóng, đội tuyển khi vào giải lớn đã bị ì do sự chuẩn bị về mặt tâm lý chưa tốt. Không thể tin nổi Thành Lương có gần nửa tá cơ hội đối diện với khung thành Philippines nhưng đôi chân như ríu vào nhau để rồi bàn thắng trôi qua trước mũi giày. Lương “dị” sau một pha dứt điểm ngờ nghệch đã giơ tay xin phép được thay người.
Không ít cơ sở để tin U23 Việt Nam đang gặp phải vấn đề tâm lý. Cơn khát HCV kéo dài 52 năm đang đè nặng lên những đôi chân lẫn cái đầu của đa số các cầu thủ đang còn thiếu kinh nghiệm trận mạc. Đội tuyển U23 Việt Nam thế hệ hiện nay không thể sánh với lứa Văn Quyến, càng không thể bì được với lớp đàn anh như Huỳnh Đức, Hồng Sơn.
Có nghĩa là năng lực tự giải phóng sức ép tâm lý của các học trò do ông Falko Goetz dẫn dắt đang bị hạn chế. Cứ nhìn cảm xúc thể hiện số đông, dường như U23 Việt Nam đang bị stress!
Huấn luyện viên trưởng là người phải chịu trách nhiệm khi tinh thần học trò không tốt. Ông ta phải như vị bác sĩ tâm lý, biết cách phân loại cầu thủ nào có thần kinh ở dạng sôi nổi hay trầm tĩnh, linh hoạt hay không. Khi cầu thủ hưng phấn quá thì kiềm lại, hoặc động viên nếu cầu thủ trầm uất, buồn bực. Huấn luyện viên giỏi cũng là người nắm rõ thông số về thể lực lẫn thông số về nội tâm cầu thủ từ đó sẽ biết cách khai thác điểm mạnh, điểm yếu của từng cá nhân để đề ra sơ đồ, phương thức huấn luyện thích hợp.
Có điều, tâm lý của chính huấn luyện viên Falko Goetz đã tốt hay chưa? Nhà cầm quân người Đức có phải là “chuyên gia tâm lý” hay chưa?
Những ngày mới sang Indonesia, trong buổi họp báo, huấn luyện viên người Đức đã phát biểu rằng ông không hiểu SEA Games quan trọng thế nào mà người Việt Nam ai cũng muốn vô địch.
Có lẽ giờ này, ông đã hiểu vì sao SEA Games lại quan trọng đến thế. Người ta cũng đã thấy rất nhiều khi ông Goetz bộc lộ trạng thái tâm lý bất bình thường trong mấy ngày qua. Nếu ông Goetz thực sự bị “stress” trong những rào cản quyết định sắp tới thì đúng là vấn đề không còn đơn giản.
Cần “Bác sĩ tâm lý” đích thực
Chúng ta đều biết, chấn thương về mặt thể xác đã có bác sĩ y học nhưng chấn thương về mặt tinh thần, chỉ có bác sĩ tâm lý mới có thể chữa trị nổi mà thôi.
Đã có nhiều thời điểm, dư luận đặt vấn đề các đội tuyển quốc gia cần phải có bác sĩ tâm lý. Đấy cũng là chuyện bình thường với thể thao nói chung, các đội tuyển (và cả cầu thủ) trên thế giới nói chung.
Với bóng đá ta, yêu cầu trên xuất phát từ việc quá nhiều lần đội tuyển U23 Việt Nam và đội tuyển quốc gia bị trượt chân trước ngưỡng cửa thiên đường, ngoài đẳng cấp thì do tâm lý kém (và chịu tác động tiêu cực từ nhiều phía). Trước mỗi trận đấu gặp Thái Lan, nhiều cầu thủ (cả huấn luyện viên) đều lo sợ đến ăn không ngon, ngủ không yên. Chẳng còn cách nào khác, họ phải tự động viên nhau để vượt qua nỗi sợ mơ hồ.
Các huấn luyện viên Afred Riedl và Edson Tavares đã từng rơi vào cuộc khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng. Bản lĩnh như ông Henrique Calisto cũng có lúc tưởng “nổ cái đầu”, nhất là thời điểm đội tuyển đá kiểu nào cũng thua, trước thềm AFF Suzuki Cup 2008.
Giờ đây, cho dù cả tuyển thủ lẫn ông Falko Goetz đang có biểu hiện tâm lý bất ổn, thì họ chỉ nhận được sự trấn an từ các vị lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam, trong đó có Trưởng đoàn Trần Quốc Tuấn. Nhưng lời động viên, cùng các liệu pháp tâm lý như thư giãn, mua sắm chỉ là giải pháp tình thế, không thể “cắt cơn” được bệnh tâm lý của toàn đội. U23 Việt Nam nằm trong bảng dễ thở, chưa đá đã cầm chắc vé vào bán kết. Nếu họ không có một điểm tựa về mặt tinh thần, thì không biết bán kết (may mắn hơn nữa vào chung kết) thầy trò ông Falko Goetz sẽ thể hiện trạng thái tâm lý thế nào đây?
Tâm lý quyết định đến thành bại
Trong thể thao, đặc biệt bóng đá, tâm lý ổn định quyết định lớn đến thành bại. Bóng đá Việt Nam và thể thao Việt Nam nói chung, muốn tấn công được đấu trường châu lục thì dứt khoát phải mài nhọn vũ khí tinh thần. Và, việc mỗi chiến dịch có bác sĩ tâm lý giúp đỡ là điều cần phải nghĩ đến.
Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh đô cử Hoàng Anh Tuấn ngã chỏng vó tại SEA Games 25 vì bệnh tự mãn, chủ quan. Nhưng, nhìn cảnh vận động viên này lúc đó thấy đáng thương hơn đáng trách, anh thực sự cô đơn khi tất cả, kể cả thầy của mình, cũng không chia sẻ thất bại.
Chúng tôi cũng nhớ mãi những khoảnh khắc của 17 tấm HCB mà thể thao Việt Nam giành được tại ASIAD 16 năm 2010 ở Quảng Châu. Nếu vận động viên chúng ta tâm lý tốt, kể cả huấn luyện viên, thì dứt khoát con số HCV của Đoàn thể thao Việt Nam không dừng lại ở con số 1 đầy nghịch lý.
Các vận động viên phải chịu đựng sức ép lớn, nhưng trên thực tế, rất hiếm khi họ tâm sự nỗi lòng, những trở ngại từ cuộc sống với huấn luyện viên trưởng hay trưởng đoàn. Những chuyện đáng tiếc của bóng đá Việt Nam và thể thao Việt Nam trong quá khứ có thể ngăn chặn được nếu có bác sĩ tâm lý.
Đừng để SEA Games này thể thao Việt Nam lại phải hối tiếc bởi tình trạng chúng ta chưa chiến thắng được bản thân mình.
Ngọc Hòa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất