20/09/2015 13:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Mùa giải 2015 đã khởi đầu với khá nhiều bất ổn, khi nhà tổ chức không thông báo một cách cụ thể, rằng tại sao và như thế nào, trưởng giải V-League là 1 người Nhật Bản lại bị sa thải. Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp và các văn bản pháp quy khác sửa đổi rất nhiều lần, nhưng chưa bao giờ bắt kịp được với thực tế.
Rất nhiều chuyện đã xảy ra và bản thân ông Nguyễn Minh Ngọc, tân trưởng BTC, đã bị chiếu bí. Giờ có lẽ bản báo cáo tổng kết giải màu hồng với điệp khúc thành công tốt đẹp, đang nằm trong hộc bàn của nhà tổ chức.
1. Các trận đấu giữa SLNA với HAGL, XSKT Cần Thơ và Đồng Nai có dấu hiệu không "sạch". Thể thao & Văn hoá đã từng thống kê rằng với việc chỉ tìm được 5/18 điểm tối đa (thấp nhất), với nhóm “chống xuống hạng”, thì đội bóng xứ Nghệ mới đáng bị xuống hạng, chứ không phải bất cứ cái tên nào khác.
Đó là những trận cầu nhạy cảm và người hâm mộ SLNA, trong vài lần hiếm hoi, đã quay lưng với đội bóng. Từ sân Pleiku, đến sân Cần Thơ, họ công khai phản đối đội bóng con cưng. Và mới đây, khi lãnh đạo SLNA không lên tiếng bảo vệ hay đứng ra nhận trách nhiệm (tài chính) vụ Quế Ngọc Hải, càng khiến các CĐV thất vọng.
CĐV SLNA đã thắc mắc, tại sao và như thế nào, với không dưới 250 tỷ đồng/6 mùa, SLNA nhận được từ nhà tài trợ chính Ngân hàng Bắc Á, lại không có khoản nào chi cho CĐV vốn quá chung tình và quan trọng. Đặc biệt, không lo cho cầu thủ, khi họ chịu án phạt bồi thường?! Năm ngoái là Trần Đình Đồng bị cấm thi đấu 9 tháng, giờ tới lượt Ngọc Hải.
Những bản kỷ luật đưa ra vẫn chưa cho thấy bản lĩnh của bộ phận hành pháp. Vẫn nhìn trước, ngó sau, nhìn đối tượng để xử, khiến cho sự công bằng chưa cao, cuối cùng kỷ cương của sân cỏ nội vẫn lỏng lẻo. Chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận định, ở nhiệm kỳ VII, vai trò của lãnh đạo VFF mờ nhạt chưa từng thấy. Các lời hứa sẽ kéo về khoản tài trợ lên tới 18 triệu USD, cũng tan vào mây khói.
Một khi nghĩa vụ không đi cùng quyền lợi, dễ nảy sinh những phản ứng phụ. BTC V-League 2015 đã bất lực khi yêu cầu các đội bóng đã đủ điểm trụ hạng (hoặc không còn mục tiêu phấn đấu) chơi hết mình trong các trận cầu nhạy cảm. Tiêu cực từ đó mà ra, chứ đâu cần thêm bằng chứng. Nhưng, như đã nói, V-League 2015 buộc phải về đích an toàn.
2. B.Bình Dương vô địch bởi họ xứng đáng. Còn Đồng Nai nếu xuống hạng sau trận đấu cuối chiều nay cũng hợp lý. Một đội bóng yếu, gần như không đóng góp được nhiều về chuyên môn cho giải đấu, lại không kéo được khán giả đến sân (như hiệu ứng mà HAGL làm được), thì xuôi về giải hạng Nhất là hợp lý.
Song điều mà người hâm mộ quan tâm ở đây là nhà tổ chức đã làm gì để cải thiện. Không gì cả, ngoài việc làm tròn các báo cáo và chống chế những phản biện của truyền thông, cũng như người hâm mộ. Bóng đá nếu không vì người hâm mộ, đấy là thứ bóng đá không có gốc. Không có gốc, tức là sẽ lại xây nhà từ nóc và làm sao phát triển?
VPF đã và đang nhận quyền tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, nhưng có thể nói, đây là mùa giải mà VFF ít đưa ra được những định hướng nhất. Chỉ là các quan điểm cá nhân của Chủ tịch Lê Hùng Dũng và PCT Đoàn Nguyên Đức, thay vì cần tiếng nói chính thức của VFF cho cái chung. Người ta cũng không biết đích xác vai trò của PCT VFF Trần Quốc Tuấn, phụ trách chuyên môn, ở đâu.
Đây sẽ là chức vô địch kém vui nhất của B.Bình Dương, đồng thời Đồng Nai cũng bức xúc nhất khi dường như không phải HAGL mà chính đội bóng miền Đông Nam Bộ này mới bị “đánh hội đồng”. Khi nội lực các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia quyết định năng lực chinh phục của các ĐTQG, quả là rất khó đòi hỏi vai trò thuyền trưởng.
Giới chuyên môn đang lo ngại về viễn cảnh, ĐT Việt Nam sẽ thất bại tại vòng loại World Cup 2018 (đồng thời là vòng loại Asian Cup 2019), U23 Việt Nam thất bát ở VCK U23 châu Á vào tháng 1/2016 tới đây, sẽ có biến động lớn cấp thượng tầng bóng đá Việt Nam. Thời gian sẽ cho câu trả lời mà nếu thế, cũng có thể là tốt cho bóng đá nước nhà.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất