25/02/2022 10:45 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - 18 cầu thủ Đông Á Thanh Hóa dương tính với Covid-19 khiến cho trận đấu giữa đội bóng xứ Thanh và CLB Hà Nội trên sân Hàng Đẫy hôm nay (25/2), không thể diễn ra theo kế hoạch. Trong khi đó, sân Thiên Trường chỉ được phép đón 50% lượng khán giả vào sân, ở trận khai mạc mùa giải 2022 với CLB HAGL...
Những thông tin không mấy vui vẻ trước thềm mùa bóng mới, tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở nhiều địa phương, VFF, BTC giải đấu (VPF), các CLB sẽ phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo trong phòng chống dịch, tùy vào tình hình thực tế của địa phương.
Nam Định không phải là tâm dịch của miền Bắc, và trong suốt đợt dịch lần thứ 4, địa phương này cũng chỉ có số ca mắc rất hạn chế. Tuy nhiên, bóng đá là đám đông, là bầu không khí cổ động và nếu CĐV phải giữ khoảng cách, cũng như tuân thủ các quy tắc 5K theo khuyến cáo, thì sẽ không thể tạo được đội hình cổ động.
3 năm trước, chính xác là V-League 2019 và vẫn là trận đấu giữa Nam Định và HAGL ở Thiên Trường, ước tính đã có khoảng hơn 25 ngàn khán giả Nam Định lèn kín các khán đài vốn dĩ chỉ có sức chứa khoảng 20 ngàn người. Và tình huống xấu đã xảy ra khi một CĐV nhí bị co giật, phải đưa đi cấp cứu bằng xe cứu thương phục vụ trận đấu đặt dưới đường piste. Trước đó, trẻ em và người già được khuyến cáo không nên vào sân.
Trước tình hình hình dịch bệnh như hiện tại, ngay cả khi Thiên Trưởng chỉ đón khoảng hơn 10 ngàn người (bằng với 50% sức chứa), thì cũng không có gì đảm bảo BTC sân sẽ đảm bảo đúng với con số ấy và đảm bảo giữ khoảng cách giữa khán giả. Người Nam Định say mê bóng đá đến đâu, chắc không phải nói thêm và từ 3-4 năm qua, thực sự họ đã biến Thiên Trường trở thành kinh đô mới của bóng đá Việt Nam.
Trở lại với mùa giải 2022 được dự báo là còn nhiều giông bão hơn, so với mùa bóng năm ngoái, vốn đã bị hủy toàn bộ kết quả dù chưa dứt giai đoạn lượt đi. Ông Trưởng BTC giải, kiêm TGĐ VPF - Nguyễn Minh Ngọc, chia sẻ với Thể thao & Văn hóa rằng, nhà tổ chức đã và sẽ chuẩn bị đầy đủ các phương án để đảm bảo duy trì nhịp đập cho hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, sẽ không có chuyện hoãn dài hạn hay hủy bỏ kết quả.
Cụ thể, theo lời ông Nguyễn Minh Ngọc, tình huống xấu nhất V-League sẽ trở lại thể thức thi đấu cũ (như mùa giải 2020-2021), đồng thời thi đấu theo cụm trong chế độ "bong bóng Covid-19". Song dường như, người trong cuộc đã quá chủ quan khi giữ thể thức thi đấu lượt đi/về, sân nhà và sân đối phương, đủ 26 vòng đấu, với việc di chuyển liên tục và rất phức tạp. Nó hoàn toàn không có lợi cả về mặt phòng chống dịch lẫn tài chính của các đội bóng. Nếu đã đoán được khó khăn, tại sao không phòng và chống ngay từ đầu, mà lại để nước đến chân mới nhảy, xử lý tình huống theo kiểu… vừa chạy vừa xếp hàng.
Trong một số bài báo và các chương trình của Thể thao & Văn hóa, người viết cũng đã hiến kế các phương án tối ưu, trong bối cảnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp. Trong đó, thi đấu theo cụm và tách tốp sau lượt đi, để chọ ra nhóm khoảng 6/13 CLB có thành tích tốt tranh chức vô địch, số còn lại sẽ giành vé trụ hạng. Tất cả các trận đấu dù diễn ra ở miền Bắc, miền Trung hay miền Nam, đều phải tuân thủ quy tắc bong bóng. Vì đằng nào thì giải đấu chả diễn ra trên sân bóng không có, hoặc giới hạn khán giả?
Dịch Covid-19 đã và đang có chiều hướng leo thang, với số ca nhiễm mới tăng ở Hà Nội và nhiều địa phương khác. Đây là điều mà TP.HCM và phần lớn các tỉnh phía Nam đều đã trải qua trong cao điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 năm 2021 rồi. Barrier hay rào chắn kẽm gai chắc chắn không giải quyết được gì cả, phòng chống dịch Covid-19 cũng tựa như bóng đá, thành bại chính là được quyết từ khâu chuẩn bị rồi.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất