19/10/2018 05:52 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Năm 2008, không biết dựa trên cơ sở nào, nguyên Chủ tịch VFF - ông Nguyễn Trọng Hỷ, khẳng định V-League là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Vào thời điểm đó, S-League (giải VĐQG Singapore) đang phát triển như vũ bão, còn Thai League từng có đại diện vào bán kết AFC Champions League… Còn năm nay, theo công bố mới nhất của AFC, V-League lọt vào tốp 10 giải VĐQG đang phát triển tốt nhất châu lục, cùng Bhutan hay Guam...
Ngày đó, ông Hỷ không phải không có lý, bởi khi thị trường chuyển nhượng cầu thủ Việt Nam được mở ra, V-League thực sự thu hút được rất nhiều nguồn lực - nguồn tiền, cỡ ngôi sao Denilson hay King Leandro cũng tìm đến dải đất hình chữ S kiếm việc. V-League hấp lực bởi tiền chứ không hẳn chất lượng.
Từ số 1 Đông Nam Á…
Sự lớn mạnh của V-League, giai đoạn 2007-2011, và có thể từng giúp giải đấu trở nên hấp dẫn nhất khu vực, liên quan đến nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Đầu tiên phải kể đến dòng tiền đổ vào V-League, khi nhiều đội bóng chi không dưới 100 tỷ đồng/mùa giải, với 1/3 ngân quỹ chi trả cho lương, thưởng và tiền lót tay với các ngoại binh. Cầu thủ nội bắt đầu được định giá lên đến chục tỷ đồng cho chữ ký thời hạn 3 năm…
Yếu tố thứ 2, trước khi V-League gây được sự chú ý, thì người Thái đã chấp nhận sự suy tàn của Thai League. Năm 2007, họ quyết định đập đi và làm lại từ đầu, với sự ra đời của Thai Premier League (theo format của giải Ngoại hạng Anh). Trước đó nữa, tiêu cực đã đánh sập giải VĐQG Malaysia, còn Indonesia thì li khai thành 2 giải đấu song song nhau… V-League nghiễm nhiên hưởng lợi rất lớn.
Cái tên đáng chú ý đầu tiên tìm đến V-League, đấy là ngôi sao - cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á vào thời điểm đó, Kiatisak Senamuang. Năm 2001, "Zico" Thái gia nhập phố núi Pleiku, dù chỉ để chơi giải hạng Nhất, để bắt đầu chu kỳ cực thịnh cùng HAGL, với dải ngân hà từng được ví là "Dream Team", từ nội đến ngoại binh. Tại V-League giai đoạn hồng hoang, những Cảng Sài Gòn, SLNA và Nam Định vẫn giữ được vị thế.
Tiền (lương) là cơ sở đầu tiên trong việc thu hút nhân tài nhân lực cho V-League, từ đó chất lượng được cải thiện. Cũng trong giai đoạn huy hoàng, một đội bóng bị xem là sân sau của bầu Đức như Bình Định, đã từng vào đến tứ kết AFC Cup. Mặc dù vậy, các đại diện Việt Nam vẫn thất thế ở sân chơi châu lục và đó là lý do, AFC không đánh giá cao chất lượng giải đấu như… ông Hỷ. Thậm chí đến tận bây giờ, vắt qua tuổi 18, V-League mới chỉ có 5 CLB đạt chuẩn.
Từ giải đấu số 1 khu vực, với nguồn ngoại binh ào ạt tề tựu về, toàn hàng chất lượng và thậm chí từng là biểu tượng như Philani, Kesley Alves, Leandro, Gaston Merlo. Almeida, anh em nhà Antonio và Carlos Rodriguez, Samson…, giờ V-League như một ốc đảo, với việc xiết lại các suất đăng ký ngoại binh (từ 5 xuống 2). Sự đồng hóa giàu nghèo này, khiến các đại diện Việt Nam khi bơi ra đấu trường châu lục, vốn đã thua thiệt giờ càng thiệt hơn.
Đến Top 10 châu Á
Nếu để ý kỹ, tốp 10 châu Á các giải VĐQG đang phát triển, với Liga 1 Indonesia, Philippines Football League, Singapore Premier League, Ấn Độ, Bhutan, Guam, Jordan, Kyrgyzstan và Tajikistan…, thì V-League không phải giải đấu được đánh giá cao về chất lượng, so với bề dày 18 năm tuổi, đã và đang ngốn rất nhiều nguồn lực của xã hội.
Tỷ lệ giàu/nghèo hay phân chia giai tầng ở V-League là rất lớn, và theo nhiều ý kiến, giải đấu cao nhất Việt Nam nên chỉ thu lại từ 8-10 CLB thực sự có tiềm lực, thay vì 14 như hiện tại. Song song với đó, nâng số CLB ở giải hạng Nhất và hạng Nhì quốc gia lên, tạo hình kim tự tháp.
Chúng ta cũng thôi ăn đong hay ăn theo hiệu ứng, vì điều đó là không bền. Thành tích tốt của đội tuyển U23 hay Olympic Việt Nam thời gian qua, là gói kích cầu tốt cho việc thu hút nguồn lực, thậm chí đánh thức tiềm lực phát triển nền bóng đá, nhưng giải VĐQG làm một phạm trù tương đối tách biệt. Ở đó, các CLB chính là những người chủ của cuộc chơi, quyết định sự thành bại của sân chơi, chứ không phải những hô hào, khẩu hiệu, càng không phải nhà tổ chức.
Để V-League phát triển bền vững và có chiều sâu, nhà tổ chức phải thành thật và nhìn trực diện vào vấn đề. Có ít nhất 2 yếu tố thuộc về VFF và VPF, cần phải quyết triệt để, quyết ngay, đấy là tính minh bạch trong điều hành (trong đó công tác phân công trọng tài) và một hệ thống lịch thi đấu được kiện toàn, không thể tùy tiện thay đổi, như điều lệ hay địa điểm thi đấu Cúp quốc gia 2018 vừa qua. Phần còn lại, như đã khẳng định, thuộc về CLB và nhà tổ chức không thể can thiệp.
Việc nới rộng trở lại các suất đăng ký ngoại binh, để tăng chất cho giải đấu, cũng là giúp các CLB Việt Nam có thể tự tin bơi ra đấu trường châu lục, cũng cần được xem xét lại. Bóng đá chuyên nghiệp khốc liệt đến đâu, chắc không cần phải bàn thêm, đèn nhà ai nấy sáng chứ không thể cào bằng được.
CCKM
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất