Tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine 'made in Vietnam'

18/06/2021 22:33 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, ngày 18/6, Việt Nam ghi nhận thêm 264 ca mắc mới, trong đó 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 259 ca trong nước. Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều ca mắc nhất với 149 ca, tiếp đến là Bắc Giang với 76 ca, Bắc Ninh 16 ca, Bình Dương 12 ca, Hà Tĩnh 3 ca, Hòa Bình 2 ca, Lào Cai 1 ca. Trong số 259 ca trong nước có 232 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Cập nhật dịch Covid-19 tối 18/6: Ghi nhận thêm ca dương tính thứ 11, Hòa Bình khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2

Cập nhật dịch Covid-19 tối 18/6: Ghi nhận thêm ca dương tính thứ 11, Hòa Bình khẩn trương truy vết các trường hợp F1, F2

Tối 18/6, kết quả xét nghiệm từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương ghi nhận thêm 12 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (Bộ Y tế chưa công bố mã số bệnh nhân). Các ca bệnh này đã được cách ly trước đó nhưng liên quan đến các trường hợp F2 ở cộng đồng.

Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 18/6, Việt Nam có tổng cộng 10.742 ca ghi nhận trong nước và 1.672 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 9.172 ca, trong đó có 1.938 người đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày, 80 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh, 1 ca tử vong ( bệnh nhân 8217, nữ 71 tuổi, có địa chỉ tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang).

Cả nước có 24 tỉnh, thành phố gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng, Thái Bình đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe Bộ Y tế báo cáo về việc rà soát lại chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

Liên quan đến thông tin tiêm chủng, trong ngày 17/6 đã có thêm 200.263 người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại 50 tỉnh, thành phố và các cơ sở y tế của Bộ Công an. Tính đến 16 giờ ngày 17/6, đã có gần 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 được thực hiện. Trong đó, 89.833 người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Sáng 18/6, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe Bộ Y tế báo cáo về việc rà soát lại chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trên toàn quốc. Cùng với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Quốc phòng, các địa phương có trách nhiệm tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “có vaccine nhưng tiêm chậm”.

Sau khi Bộ Y tế đã báo cáo về tiến độ thử nghiệm các loại vaccine trong nước, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine "made in Vietnam". Nếu việc thử nghiệm đạt kết quả tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động. Bộ Y tế đang thúc đẩy việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) tiến hành nhận chuyển giao công nghệ vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 sẽ nhập khẩu nguyên liệu của Nga để đóng ống, dự kiến trong tháng 7 sẽ đưa vào sản xuất.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, trình Chính phủ chủ trương: Một mặt, tiếp cận tất cả nguồn cung vaccine trên thế giới để từ nay đến cuối năm 2021 phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng; mặt khác có cơ chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư sản xuất vaccine trong nước, không chỉ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 mà còn hướng tới phát triển công nghiệp vaccine phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Chiều 18/6, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chủ trì buổi họp nhằm xây dựng hướng dẫn tổ chức hoạt động lọc máu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong dịch COVID-19.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê cho biết, trong đại dịch COVID-19, người bệnh lọc máu là một trong những đối tượng có nguy cơ mắc và chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nếu mắc COVID-19 có nguy cơ diễn biến nặng trên bệnh lý nền, tình trạng suy giảm miễn dịch. Bộ Y tế đã ban hành nhiều tài liệu để chăm sóc và điều trị bệnh nhân thận như Quy trình lọc máu theo Quyết định số 2482/2018; Quyết định số 1470/QĐ-BYT ngày 6/3/2021 về hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mạn giai đoạn cuối trong dịch COVID-19.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm