05/12/2018 07:41 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Vào lúc 9h ngày 9/12 tại Đường sách TP.HCM sẽ diễn ra buổi giao lưu với nhà báo Trần Nhật Vy về tập 3 của bộ sách Văn chương Sài Gòn 1881-1924. Năm 2019 sẽ in 2 tập tiếp theo, chỉ riêng bộ sách này của Trần Nhật Vy đã cho thấy văn chương Sài Gòn xứng đáng đi đầu trong vài cột mốc lịch sử.
Cấu trúc của bộ sách gồm 5 tập này như sau: Tập 1 và 2 là văn xuôi (chủ yếu các sáng tác của nội địa), tập 3 là mật thám truyện (toàn truyện dịch), tập 4 là du ký (sáng tác), tập 5 là thơ và văn vần (chủ yếu các sáng tác nội địa). Trần Nhật Vy cho biết tuy mất vài chục năm để chuẩn bị cho bộ sách này, nhưng anh viết với tinh thần nhẩn nha, xong đến đâu in đến đó.
Năm 1881 có ý nghĩa gì?
Chữ quốc ngữ hình thành với nhiều giả thuyết về nguồn gốc, nhưng được phổ biến rộng rãi và phổ quát đầu tiên thì ở Sài Gòn, thông qua tờ Gia Định báo, phát hành số đầu tiên ngày 15/4/1865. Nhưng theo văn bản báo chí mà Trần Nhật Vy biết đến nay (tháng 11/2018), thì văn chương chưa xuất hiện trên báo vào trước năm 1881.
“Tới ngày 1/12/1881, trên Gia Định báo bỗng xuất hiện ba bài viết văn xuôi ngắn, chiếm nửa trang báo khổ A3, không ghi tên tác giả, gồm Cách thế cứu người chết ngột, Tên chăn bò, Thằng ăn trộm với con heo. Hai bài sau là truyện. Sau đó, khi được đọc cuốn Phansa diễn ra quấc ngữ của ông Trương Minh Ký in năm 1884 và tái bản năm 1886, tôi phát hiện trong đó có đăng hai truyện này, mới biết nó của ông Trương Minh Ký. Với tôi, dù là chuyển thể từ thơ, nhưng đây là những truyện đầu tiên, viết bằng văn xuôi, in trên báo quốc ngữ Sài Gòn. Vì vậy tôi chọn thời điểm 1881 làm cái mốc bắt đầu cho văn chương Sài Gòn” - Trần Nhật Vy chỉ ra lý do.
Trận Nhật Vy nói thêm: “Ban đầu tôi cũng không chú ý cột mốc này cho lắm, vì lúc đó chỉ có ý định làm bộ lịch sử báo chí quốc ngữ tại Sài Gòn, nên chỉ đọc lướt qua những mục không liên quan trực tiếp. Năm 1994, khi tác giả Nguyễn Văn Trung tái công bố truyện Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, tôi mới giật mình, vì ông Quản là học trò Trương Minh Ký, chẳng lẽ ông Ký không viết văn? Khi tìm được hai truyện Tên chăn bò và Thằng ăn trộm với con heo, dù mỗi truyện chỉ hơn 100 chữ thôi, nhưng tôi đã biết mình suy luận đúng. Sau năm 1881, văn chương phát triển ngày một rầm rộ trên báo chí Sài Gòn, đến đầu thế kỷ 20 là đã có nhiều thành tựu đáng kể”.
Cũng xin lưu ý thêm vài cột mốc, vào năm 1881 thì chữ quốc ngữ còn chưa được phổ biến, bị xem là chữ của ngoại bang, ít người muốn học và dám học. Năm 1882, chính quyền Pháp mới ra văn bản quy định dùng chữ quốc ngữ trong toàn bộ hệ thống hành chính tại Nam kỳ. Năm Kỷ Mùi (1919), khoa cử Nho học mới kết thúc tại Bắc kỳ; đến năm 1945, hơn 95% dân số còn mù chữ. Chính vậy mà, việc Trương Minh Ký viết và công bố những truyện rất ngắn vào năm 1881 là hành động rất tiền phong, cần ghi nhận. Bởi cái gì thời kỳ đầu mà không nhỏ, không ít, không khó khăn, không nhiều lỗi?
Tính phát hiện của bộ sách?
“Suốt một thời gian dài, thậm chí cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến, sách vở cho rằng Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam, công bố năm 1925. Tôi lấy cột mốc 1924 để kết thúc bộ sách về văn chương Sài Gòn là vì nơi đây đã phát hành rộng rãi các tiểu thuyết như Truyện thầy Lazaro Phiền (1887), Hoàng Tố Anh hàm oan (1910) của Trần Chánh Chiếu, Phan Yên ngoại sử (1910) của Trương Duy Toản, Kim thời dị sử (1917) của Biến Ngũ Nhy, Ai làm được (1922) của Hồ Biểu Chánh… Và còn nhiều tiểu thuyết khác nữa” - Trần Nhật Vy cho biết.
Một ví dụ sinh động. Năm 1902, tờ báo Nông cổ mín đàm đã tổ chức cuộc thi viết văn với tên gọi Quảng văn thi cuộc - đây có lẽ là cuộc thi viết văn chữ quốc ngữ đầu tiên tại Việt Nam. Sau 3 tháng, đã có 49 tác giả khắp Nam kỳ lục tỉnh gởi tác phẩm tham dự. Nhiều tác giả dự thi sau này trở thành những tên tuổi lớn của làng văn làng báo như Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Dư Hoài, Nguyễn Viên Kiều, Đặng Lễ Nghi… có người được đặt tên đường như Tống Hữu Định, Trần Phong Sắc…
Không dừng lại ở đây, bộ sách của Trần Nhật Vy còn nhiều phát hiện khác, trong đó nêu ra được những nét đặc trưng, tính tiền phong của văn chương Sài Gòn trước 1924. Điểm đặc biệt nữa, sách không tham lý luận, mà đi vào các văn bản cụ thể, giúp người đọc trực tiếp nắm được các văn bản văn chương cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất