Hậu Brexit: Vụ 'ly dị' châm ngòi nổ khủng hoảng toàn cầu

25/06/2016 07:59 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Cuộc hôn nhân 43 năm đầy sóng gió giữa Anh và EU chấm dứt không chỉ tổn thương người trong cuộc mà còn khiến cả thế giới gánh chịu hậu quả lớn về kinh tế, chính trị - xã hội.

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố lúc 13 giờ ngày 24/6 (theo giờ VN), 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi EU (gọi là Brexit) trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại "ngôi nhà chung". Với tỷ lệ chênh lệch là 1.269.501 người, phần thắng đã thuộc về phe "Rời đi”.

Theo quy định của Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, một quốc gia muốn rời bỏ khối phải thông báo quyết định của mình với EU, sau đó hai bên sẽ có khoảng thời gian bàn luận về một thỏa thuận rút lui. Khi Anh viện dẫn Điều 50, nước này sẽ phải mất hai năm trở lên để thương thảo về một Hiệp ước mới thay thế các điều khoản làm thành viên EU.

Nhiều chuyên gia dự đoán Brexit sẽ tác động sâu rộng đến mọi mặt tại Anh cũng như thế giới trong khoảng thời gian nước này “chơi vơi” chưa định hình được mối quan hệ mới với EU.

Điều gì đang đón chờ nước Anh?

Dễ dàng thấy hệ quả Brexit mang lại cho Anh là một cuộc khủng hoảng chính trị. Ngay sau khi có kết quả cuộc trưng cầu ý dân, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố ý định từ chức. Trong tháng 10 tới, nước Anh sẽ có nhà lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ - người sẽ thay ông Cameron điều hành tiến trình Anh rút khỏi EU. Nếu như không được kiểm soát cẩn trọng, tiến trình này có thể phá hỏng mối quan hệ lâu năm giữa Anh và các quốc gia EU khác, tạo ra lỗ hổng lớn trong khối đoàn kết châu Âu.

Brexit cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, khiến xứ Wales hay Scotland, vốn là khu vực có tỷ lệ ủng hộ EU rất cao, sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.


Khuôn mặt thất thần của những người ủng hộ ở lại Anh trong khi theo dõi kết quả cuộc trưng cầu dân ý về Brexit

Không chỉ có vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo Brexit sẽ ảnh hưởng “lớn và tiêu cực” tới nền kinh tế “xứ sở sương mù”. Trong ngắn hạn, Anh sẽ lún sâu vào tình trạng suy thoái kinh tế, bao gồm việc đồng bảng Anh sụt giá kỷ lục và kéo theo sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Về mặt lâu dài, những tổn thất trong giai đoạn bất ổn và chi phí thương mại lớn sẽ “quét sạch” toàn bộ lợi nhuận mà Anh thu được khi không còn là thành viên EU.

Brexit có thể sẽ đe dọa vị thế “ngôi nhà tài chính châu Âu” của Anh khi các công ty tập đoàn lớn có trụ sở tại nước này muốn chuyển sang một nước EU khác để trực tiếp kết nối với thị trường rộng lớn. Chưa kể Anh còn có thể sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt từ EU, để làm gương răn đe cho các quốc gia nhen nhóm ý định rời khỏi khối.

Đòn giáng mạnh vào kinh tế toàn cầu

Thiệt hại về kinh tế, sụt giảm ngân sách cũng như ảnh hưởng uy tín trên trường quốc tế là những nguy cơ mà EU sẽ phải đối mặt sau Brexit. Các nước thành viên EU như Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức, Pháp - những bạn hàng chính lâu năm của nước Anh - sẽ bị thiệt hại rất lớn. Cán cân thương mại của Đức với Anh có thể giảm 6,8 tỷ euro/năm, trong khi thiệt hại đối với các doanh nghiệp Pháp vào khoảng 3 tỷ euro/năm.

Việc Anh tách khỏi mái nhà chung EU giống như một “cú hích” khiến liên minh đang phải gồng mình đối phó với một loạt vấn đề nhức nhối như khủng hoảng nợ công, di cư và mối đe dọa an ninh đứng trên bờ vực tan rã. Hàng loạt chính trị gia tại Pháp, Hà Lan, Thụy Điển lên tiếng cảnh báo Brexit có thể gây ra hiệu ứng domino, dấy lên động thái tương tự tại các nước thành viên khác đang có nguyện vọng rời khối.

Ngoài Anh và EU, nhiều nhà phân tích dự đoán quyết định “dứt áo ra đi” của Anh còn là cú giáng mạnh xuống nền kinh tế của nhiều cường quốc, trong đó tiêu biểu là Nga và Trung Quốc.

Vấn đề Brexit: Phản ứng của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga

Vấn đề Brexit: Phản ứng của các nhà lãnh đạo Mỹ, Nga

Sau khi đa số cử tri Anh bỏ phiếu quyết định nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố ông tôn trọng quyết định của người dân Anh.


Nga - đối tác của EU trong nhiều thập niên - được đánh giá là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, khi doanh thu xuất khẩu hàng hóa sang EU chiếm gần một nửa giá trị ngoại thương của nước này. Theo ông Andrey Sushentsov, Giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế Moskva, “do hai đối tác chính còn lại của Nga trong EU là Hà Lan và đảo Cyprus, việc Anh ra khỏi EU đồng nghĩa châm ngòi nổ ra cuộc chiến thương mại giữa hai bên và khiến số tiền đầu tư của Nga ở cả ba đối tác quan trọng này ‘tan thành mây khói’”.

Trong khi đó, với tham vọng xoay trục sang châu Âu, Trung Quốc trước đây vẫn lựa chọn Anh là “hành lang vận động”, hỗ trợ trong việc thúc đẩy EU công nhận nền kinh tế thị trường Trung Quốc, cho phép giảm thuế nhập khẩu đánh vào hàng của nước này xuất sang châu Âu. Không những thế, Anh cũng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Trung Quốc dễ tràn vào thị trường châu Âu khó tính. Nếu như Anh chấm dứt mối quan hệ với EU, thì sợi dây kết nối thương mại của Trung Quốc và liên minh này cũng dễ bị cắt đứt.

Đối với các quốc gia nhỏ hơn tại khu vực châu Á, tờ “Thời báo Tài chính” của Anh đưa ra nhận định: “Tuy giá trị xuất khẩu tới Anh chỉ chiếm 0,7% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả khu vực, song Brexit kéo theo mức cầu tại Anh giảm xuống, từ đó ít nhiều cũng tác động không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng một số nước như Campuchia, Việt Nam hay Hong Kong (Trung Quốc)”.

Theo báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm