75 năm công chiếu 'Cuốn theo chiều gió': Thành công không ngờ của bộ phim 'điên rồ'

18/12/2014 07:01 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Cuốn theo chiều gió (Gone with the Wind) được công chiếu chính thức cách đây 75 năm, song tới nay nó vẫn là tác phẩm điện ảnh thành công nhất và hay hơn bất cứ bộ phim nào được phát hành từ năm 1939.

Xét về mặt doanh thu thương mại, Cuốn theo chiều gió đã thu về số tiền tương đương 3,3 tỷ USD theo cách tính ngày nay, khiến đây là phim thành công nhất lịch sử điện ảnh.

Bộ phim hay nhất

Còn xét về mặt chất lượng nghệ thuật, đây là phim hay nhất trong mắt người Mỹ. Kết quả cuộc bình chọn do tổ chức Harris Poll tiến hành hồi năm 2008 và cuộc thăm dò của ABC News hồi năm 2011 cho thấy đa số người Mỹ coi đây là phim hay nhất kể từ năm 1939.

Cuốn theo chiều gió được đặt bối cảnh tại Georgia và Atlanta, miền Nam nước Mỹ, trong suốt thời kỳ nội chiến và giai đoạn tái thiết. Tác phẩm xoay quanh Scarlett O'Hara, một cô gái miền Nam mạnh mẽ, phải tìm mọi cách để sống sót qua chiến tranh và vượt lên cuộc sống khổ sở thời hậu chiến.

Cuốn theo chiều gió là bức tranh chân dung đáng ngưỡng mộ về sự xảo trá, lừa dối, về các mưu mô và sự quyến rũ. Nó là món quà ngọt ngào với miền Nam Mỹ từng ủng hộ chế độ nô lệ và là viên thuốc đắng với những người miền Bắc chống nô lệ. Nó giống như một chiếc tàu lượn, đẩy khán giả từ các cảnh hài hước tới các cảnh bi kịch kinh hoàng. Nó là câu chuyện lãng mạn xoay quanh 2 nhân vật nam và nữ chính. Nó cũng dài kinh điển, tới gần 4 giờ đồng hồ, trước khi đột ngột khép lại đầy bất ngờ.


Cuốn theo chiều gió được xem là bộ phim thành công nhất lịch sử điện ảnh khi thu về doanh thu tương đương 3,3 tỷ USD và để lại tác động văn hóa khổng lồ

Một dự án phim “điên rồ”...

Tuy nhiên để trở thành tác phẩm điện ảnh được yêu thích nhất, Cuốn theo chiều gió đã trải qua một hành trình dài, với khó khăn ngày từ thuở ban đầu. Cuốn tiểu thuyết gốc của bộ phim, do nữ văn sĩ Margaret Mitchell chấp bút, là một tác phẩm ăn khách, song dài tới 1.037 trang.

Nhà sản xuất David O Selznick đã phải chi 50.000 USD để mua bản quyền làm phim. Tuy nhiên việc chuyển thể kịch bản đã gặp nhiều khó khăn, rắc rối đến mức các nhà biên kịch phải viết đi viết lại kịch bản trong nhiều năm. Tham gia trong đội ngũ biên kịch có cả nhà văn F Scott Fitzgerald (tác giả tiểu thuyết Gatsby vĩ đại - The Great Gatsby). Trong suốt quá trình sản xuất phim, Selznick vẫn xem xét kịch bản hàng ngày.

Sau khi xử lý xong phần kịch bản, khó khăn lại xuất hiện ở phần tuyển chọn diễn viên và quay phim. Selznick đã phải tiến hành thử vai 31 nữ diễn viên nổi tiếng nhất nước Mỹ, gồm Joan Crawford, Carole Lombard và Katharine Hepburn. Ông cũng đã lựa chọn hơn 1.400 gương mặt khác cho vai nữ chính Scarlett O’Hara, trước khi đặt niềm tin vào Vivien Leigh, một gương mặt còn khá vô danh khi đó.

Selznick đã thuê bạn ông là George Cukor làm đạo diễn phim. Nhưng chỉ 3 tuần sau khi phim bấm máy, ông phải nhờ Victor Fleming thay thế. Song do bị suy nhược thần kinh, Fleming cũng phải từ bỏ dự án chỉ sau có 2 tuần làm việc. Thay chân ông là Sam Wood.

Các rắc rối kiểu này, cùng việc kinh phí phim bị đội lên khoảng 4 triệu USD đã khiến báo giới thời điểm ấy coi Cuốn theo chiều gió là một dự án “điên rồ” của Selznick.

...Đã thành công rực rỡ

Một yếu tố gây rắc rối nữa trong quá trình làm phim là cách xây dựng các nhân vật da màu. Cuốn tiểu thuyết gốc của Michell từng gây nhiều tranh cãi khi được xuất bản lần đầu, do có giọng văn thể hiện sự miệt thị người da màu. Mặc dù Selznick nỗ lực giảm thiểu các chi tiết mang nặng tính phân biệt chủng tộc, ông vẫn không thể xóa hết chúng.

Thậm chí khi phát hành, các diễn viên da màu tham gia đóng phim cũng vấp phải sự kỳ thị do luật phân biệt chủng tộc Jim Crow vẫn còn hiệu lực. Sự kỳ thị đặc biệt mạnh ở miền Nam Mỹ. Chẳng hạn, khi phim được chiếu giới thiệu ở thành phố Atlanta, các diễn viên da màu không được phép xuất hiện trong sự kiện này.

Nhưng tất cả các trở ngại, các tranh cãi đều đã nhanh chóng trở thành chuyện nhỏ khi Cuốn theo chiều gió được tung ra thị trường. Phim lập tức trở thành một siêu phẩm ăn khách và còn đoạt tới 10 giải Oscar. Hattie McDaniel, người thủ vai vú em Mammy trong phim, đã trở hành nữ diễn viên người Mỹ gốc Phi đầu tiên đoạt giải Oscar Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Các hoạt động nhân 75 năm phát hành Cuốn theo chiều gió

- The Making of Gone with the Wind là tên triển cuộc lãm được tổ chức tại Trung tâm Harry Ransom thuộc trường Đại học Texas. Triển lãm trưng bày khoảng 300 hiện vật hiếm có được mượn từ bộ sưu tập cá nhân của nhà sản xuất David O. Selznick, gồm chiếc váy xanh từng được nữ diễn viên Vivien Leigh mặc khi hóa thân thành Scarlett O'Hara, cùng nhiều bộ váy khác do Walter Plunkett thiết kế. Triển lãm kéo dài đến ngày 4/1/2015.

- Phát hành có giới hạn đĩa Blu-ray phim Cuốn theo chiều gió đã qua xử lý kỹ thuật số.

- Gone with the Wind: 75 Years Later là tập hợp các bài viết về quá trình làm phim của tạp chí Life, cùng bài phỏng vấn Olivia de Havilland, ngôi sao còn sống duy nhất của Cuốn theo chiều gió.

- Phát hành Ruth's Journey, cuốn truyện được Donald McCaig chấp bút theo sự ủy quyền của Tổ chức quản lý di sản Margaret Mitchell. Đây được xem là phần trước của tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió, kể về cuộc đời của vú em Mammy.

- Xuất bản The Scarlett Letters: The Making of Gone With The Wind. Cuốn sách do John Wiley chấp bút, có sử dụng bộ sưu tập các bức thư của nhà văn Mitchell viết hồi năm 1939, để vẽ nên một bức tranh hoàn chỉnh hơn về quá trình sản xuất phim.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm