27/07/2016 06:40 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Một nửa số phụ nữ trẻ, tuổi từ 16-21, cho biết sẵn sàng cân nhắc các giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ.
Áp lực "phải đẹp" từ xã hội
90% số bệnh nhân tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ là phụ nữ. Và quá trình này bắt đầu từ rất sớm. Hội Nữ hướng đạo Vương quốc Anh tiết lộ, 47% các cô gái cho rằng họ cảm thấy áp lực phải trông hấp dẫn hơn. Một nửa số phụ nữ trẻ, tuổi từ 16-21, cũng cho biết sẵn sàng cân nhắc các giải pháp phẫu thuật thẩm mỹ.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phái đẹp lại ghét cơ thể và khuôn mặt của họ tới mức sẵn sàng chi cả đống tiền, chịu đựng những cơn đau cắt da cắt thịt, thậm chí chấp nhận những rủi ro phẫu thuật để làm đẹp? Một phần câu trả lời có lẽ đến từ cách xã hội ứng xử với vẻ đẹp ngoại hình hiện nay.
Áp lực mà các cô gái kia nhắc tới dễ thấy ở bất cứ đâu, khi xem những chương trình làm đẹp quá đà trên truyền hình hay đọc những lời chỉ trích nặng nề của cộng đồng mạng nhằm vào khiếm khuyết nhỏ xíu của ngôi sao nào đó. Nói cách khác, một bộ phận phụ nữ đang cảm thấy mình bị tấn công dồn dập bởi các phương tiện truyền thông, thứ luôn cố gắng tiêm vào đầu họ một định nghĩa hẹp hòi về cái đẹp.
Họ liên tục được mách bảo rằng hình mẫu phụ nữ lý tưởng là sự kết hợp (không tưởng) của một cơ thể mảnh mai với bộ ngực lớn, làn da không tì vết và đôi chân dài miên man. Rồi họ tiếp tục thấy những phụ nữ ở tầm cao, như cô dẫn chương trình hay các nàng bạn gái cầu thủ, luôn được tôn vinh vì độ trẻ trung và xinh đẹp, chứ chưa nhiều trường hợp, vì trí thông minh, sự tử tế hay óc hài hước.
Tất cả những điều đó dần tạo nên một áp lực vô hình rằng phụ nữ "phải đẹp".
Đàn ông có thể có tuổi và xấu xí nhưng phụ nữ thì không. Đây dường như là một thực tế mà ngay đến các sao nữ ở Hollywood cũng phải chấp nhận. Ở tuổi ngoài 30, họ dễ dàng để mất vai vào tay những bóng hồng trẻ tuổi hơn, trong khi các bạn diễn nam vẫn tới tấp nhận được các kịch bản dù đã ở tuổi 40-50.
Nếu bỗng thấy mình dường như "vô hình" khi có chút dấu hiệu tuổi tác, dễ hiểu khi một số trong chúng ta sẵn sàng có những hành động quyết liệt hơn, chỉ để làm cho bản thân lại được "nhìn thấy" một lần nữa.
Ngoài ra, các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, dù chưa biết chất lượng hay không, đều đang khá dễ dàng tiếp cận với các khách hàng tiềm năng.
Chính phủ Anh từng công bố kết quả của một đợt tham khảo ý kiến về quá trình điều tiết ngành công nghiệp này mà theo đó, các quy định đối với một quá trình y tế có thể gây biến dạng ngoại hình, thậm chí tử vong như phẫu thuật thẩm mỹ lại lỏng lẻo một cách đáng ngạc nhiên. Bất kỳ bác sĩ nào cũng có thể hoạt động như là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ mà không cần kinh nghiệm hay chuyên ngành đào tạo.
Các thẩm mỹ viện cũng thường đưa ra nhiều gói dịch vụ hấp dẫn như làm 1 tặng 1 để mời chào khách hàng, hay thậm chí còn gửi cả tin khuyến mại cho những thiếu nữ mới 17 tuổi để mời họ làm phẫu thuật vào lần sinh nhật sắp tới.
Một vấn đề khác được đặt ra là trong khi hiện nay, thuốc kê toa đã bị cấm quảng cáo, những lời tiếp thị, liên quan tới việc can thiệp phẫu thuật mà kết quả có thể ảnh hưởng tới cả thể chất và tâm lý bệnh nhân vẫn ngang nhiên xuất hiện trên tạp chí hay truyền hình. Đúng là có một số người vui mừng với chiếc mũi cao hay bộ ngực lớn hơn, nhưng cũng không ít người ngộ ra rằng vấn đề cá nhân của họ không được giải quyết chỉ nhờ một vẻ ngoài khác trước.
Đó là chưa kể tới những di chứng hậu phẫu thuật thẩm mỹ. Một số trường hợp có thể để lại những vết sẹo khó coi, mí mắt không thể khép lại hoặc các túi ngực cấy ghép bị vỡ. Một nghiên cứu còn chỉ ra rằng những phụ nữ cấy ghép ngực từ 3 - 4 lần có xu hướng tự tử cao hơn người bình thường tới 4 lần. Dù hai điều này liên hệ với nhau theo cách nào, đây cũng là một thực tế mà bất cứ cô gái nào muốn trùng tu nhan sắc cũng nên cân nhắc.
Phong trào "Đảo ngược phẫu thuật thẩm mỹ"
Như một hệ quả tất yếu, các dịch vụ không đem lại sự hài lòng thường khiến khách hàng hối hận khi đầu tư. Năm 2014, chương trình truyền hình thực tế mang tên Back To My Face (Trở lại với gương mặt gốc) ra đời tại Hàn Quốc, một trong những kinh đô của phẫu thuật thẩm mỹ trên thế giới.
Điều này phản ánh một khía cạnh khác của phương pháp làm đẹp này, rằng bên cạnh những cô gái đổi đời nhờ thay diện mạo, vẫn có một bộ phận người dùng dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ mong muốn trở lại với vẻ ngoài tự nhiên của mình.
Được biết chương trình chỉ dành riêng cho những người từng phẫu thuật thẩm mỹ ít nhất 10 lần này nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận, với tỷ lệ người xem khá cao mỗi lần lên sóng - trang tin Kotabu cho hay.
Ngay trong giới ngôi sao nổi tiếng, cũng có những người mong muốn mình chưa từng can thiệp để thay đổi vẻ ngoài. Bên cạnh những cái tên như diễn viên Cameron Diaz, Gwyneth Paltrow, ca sĩ Jessica Simpson, còn có nữ danh ca Cher, người từng cho biết: "Tôi đã nâng ngực" - bà chia sẻ với tạp chí People - "Nhưng đó thực sự là cơn ác mộng. Thất bại về mọi mặt. Thậm chí trông chúng còn tệ hơn trước khi nâng" - trang Au News đưa tin.
Trên thế giới đang xuất hiện ngày càng nhiều phong trào kêu gọi mọi người cân nhắc kĩ trước khi phẫu thuật thẩm mỹ cũng như yêu cầu các chính phủ ban lệnh cấm quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ tràn lan. Ngay cả người trong cuộc như Hiệp hội các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ của Anh cũng đã lên tiếng. Chủ tịch Fazel Fatah của Hội nói: "Không có loại phẫu thuật nào nên được quảng cáo như một tấm thẻ khuyến mại dịp Giáng sinh hay một dịch vụ mua 1 tặng 1. Con lắc văng đi quá xa và giờ là lúc để thay đổi”.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng mua một bộ trang phục nhiều gấp đôi nếu người mẫu quảng cáo cùng độ tuổi và dáng người như họ, vì cho rằng mình có thể hình dung ra bản thân tốt hơn trong những bộ trang phục đó, đồng thời thấy đẹp và tự tin hơn khi các cô người mẫu phản ánh những người như họ.
Vì vậy, sẽ có một vòng tròn mang lại lợi ích cho các bên. Nếu người mẫu với dáng người và lứa tuổi đa dạng xuất hiện trên quảng cáo và tạp chí, phụ nữ sẽ cảm thấy bản thân tốt hơn và các nhà kinh doanh sẽ kiếm nhiều tiền hơn. Tương tự, nếu những người dẫn chương trình truyền hình nữ được lựa chọn vì tài năng và uy tín (cũng giống như đàn ông), không chỉ vì tuổi tác và ngoại hình, phụ nữ cũng cảm thấy ổn hơn và lượng người xem sẽ tăng.
Nếu các đài truyền hình dừng chiếu các chương trình mang tính bình thường hóa và đề cao phẫu thuật thẩm mỹ, có lẽ sẽ có ít người bị ám ảnh bởi cách làm đẹp mạo hiểm này hơn.
Cuối cùng, phụ nữ có thể ngưng nhìn bản thân thông qua một bộ lọc lấy vẻ ngoài làm chuẩn. Họ có thể bắt đầu suy nghĩ "Tôi là một người vui vẻ”, hơn là "mũi của tôi quá lớn". Thay vì bị ám ảnh với vẻ bên ngoài, họ có thể bắt đầu suy nghĩ về những phẩm chất bên trong bản thân mình.
Vân Anh(Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất