Buôn bán cổ vật bất hợp pháp: 'Quả báo' nhỡn tiền

21/10/2016 16:07 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Các thỏa ước quốc tế về việc chống trao đổi mua bán bất hợp pháp cổ vật đã mang lại những kết quả đáng kinh ngạc. Hàng nghìn cổ vật lưu lạc đã được trở về cố quốc, và rất nhiều những kẻ tham gia vào các đường dây này đã bị pháp luật sờ gáy. Họ phải nhận "quả báo" nhỡn tiền.

Lô hàng của ông chủ Phòng trưng bày ở New York

Mỹ vừa trao trả hơn 200 cổ vật, trị giá hơn 100 triệu USD, từng bị đánh cắp tại những di chỉ tôn giáo ở Ấn Độ và bị "chảy máu". Có mặt trong buổi lễ trao trả, diễn ra hồi tháng 6, có Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Loretta Lynch và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Trong số các cổ vật đó có bức tượng thần Manikkavacakar, một nhà thần bí đạo Hindu kiêm nhà thơ từ thời Chola (năm 850 - 1250), bị đánh cắp từ ngôi đền Sivan ở Chennai. Bức tượng này ước tính đạt giá 1,5 triệu USD. Bên cạnh đó còn có bức tượng đồng thần Hindu Ganesha, khoảng 1.000 năm tuổi.

Hầu hết những di sản này đã bị thu giữ trong Operation Hidden Idol, cuộc điều tra bắt đầu từ năm 2007 sau khi các đặc vụ Homeland Security nhận được thông tin về một lô hàng gồm 7 thùng được gửi tới Mỹ và dán nhãn là “bộ bàn ghế đá cẩm thạch ngồi vườn”.

Tiến hành kiểm tra lô hàng này, các nhân viên an ninh phát hiện ra trong đó có rất nhiều cổ vật. Lô hàng này được Subhash Kapoor, ông chủ Phòng trưng bày Nghệ thuật của Quá khứ (Art of the Past) ở New York nhập khẩu.


Các cổ vật Ấn Độ được Mỹ trao trả trị giá hơn 100 triệu USD

Cuộc điều tra còn phát hiện ra Kapoor còn tạo xuất xứ giả để ngụy trang lịch sử của các cổ vật bất hợp pháp. Hồi năm 2012, Kapoor đã bị bắt giữ và hiện đang chờ bị xét xử ở Ấn Độ.

Kể từ năm 2007, Mỹ đã trao trả hơn 8.000 cổ vật bị đánh cắp về 30 nước trong đó có nhiều bức tranh từ Pháp, Đức, Ba Lan và Áo; nhiều bản thảo có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 từng bị đánh cắp từ Italy và Peru cùng nhiều di sản văn hóa của Trung Quốc, Campuchia và  Iraq.

Sự thật về "nhà buôn cổ vật xuất chúng"

Hàng trăm di sản khảo cổ bị đánh cắp mà giới chức nói chúng thuộc sự quản lý của nhà buôn London Robin Symes và đã được chuyển tới các thị trường ở Mỹ, Nhật và Anh, đã được trao trả về Italy.

Các di sản này có niên đại từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên tới thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, trong đó có các quách từ thời La Mã, đồ đồng, tác phẩm điêu khắc động vật bằng đá và hàng trăm mảnh đất nung bị đánh cắp từ một ngôi đền có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên ở Cerveteri.

Chúng bị đánh cắp từ cách đây hàng chục năm và được tìm thấy cách đây 2 năm trong một nhà kho tại Geneva Freeport sau khi các nhà điều tra đã theo dõi nhà buôn London Robin Symes và đưa chúng về Roma hồi đầu năm. Freeports có nhiều nhà kho lớn trữ đồ miễn thuế, do vậy các nhà buôn và nhà sưu tầm giàu có thường chọn làm nơi cất giữ các tác phẩm nghệ thuật.

Tướng Mariano Mossa, chỉ huy đội chống đánh cắp nghệ thuật của quân đội Italy, cho biết phát hiện này là một ví dụ cho thấy “sức mạnh tổng hợp của Italy và Thụy Sĩ nhằm ngăn chặn sự phạm tội trong lĩnh vực này”.

Di tích 'tử thủ' trước... đạo chích: Người ngay 'chạy đua' với kẻ gian

Di tích 'tử thủ' trước... đạo chích: Người ngay 'chạy đua' với kẻ gian

Vụ trộm tượng Quan âm tại chùa Mễ Sở (Hưng Yên) vừa qua chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc điển hình về nạn đánh cắp cổ vật tại các di tích trên toàn quốc.

Symes từng là một trong những nhà buôn cổ vật xuất chúng nhất thế giới nhưng đã dính vào một loạt cuộc điều tra về nghệ thuật bị đánh cắp, hầu hết có nguồn gốc từ Hy Lạp và Italy.

Nhiều năm trở lại đây, hàng chục cổ vật do Symes buôn bán đã nằm trong các bộ sưu tập cá nhân và trong cả những bảo tàng lớn như Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York và Bảo tàng J. Paul Getty Museum ở Los Angeles. Song các cổ vật đó đã được trao trả về Italy sau khi giới chức phát hiện ra nguồn gốc bất hợp pháp của chúng.

"Châu về Hợp Phố"

Cũng trong tháng 6, Pháp đã trao trả về Ai Cập 44 cổ vật bị đánh cắp.

Số cổ vật này bị giới chức Pháp thu giữ tại Sân bay Quốc tế Charles de Gaulle hồi tháng 3 và tháng 11/2010. Sau đó, Ban Cổ vật thu hồi của Bộ Cổ vật xác định những hiện vật đó “thuộc di sản văn hóa Ai Cập” và tuyên bố chúng bị buôn bán lậu ra khỏi Ai Cập.

Trong năm qua, giới chức Pháp đã giúp Ai Cập thu hồi được 240 cổ vật bị buôn bán lậu ra khỏi đất nước. Kể từ đầu năm 2015, các nhà ngoại giao và Bộ Cổ vật Ai Cập đã thu hồi được 546 di sản bị buôn bán lậu, ban đầu là từ các nước phương Tây như Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ.

Bảo vệ cổ vật: làm đi, đừng đợi!

Bảo vệ cổ vật: làm đi, đừng đợi!

Các chuyên gia hiến kế bảo vệ cổ vật dưới các góc độ khác nhau, từ cơ chế bảo vệ đặc biệt, đến các giải pháp về công nghệ thông tin.

Cuối năm 2015, Mỹ đã trao trả Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington D.C. 22 di sản văn hóa và một hóa thạch loài chim ăn thịt ước tính xấp xỉ 160 triệu năm tuổi và được coi là giá trị nhất.

Trong số các di sản văn hóa có những chiếc đĩa bằng ngọc bích, khay đồng và tượng gốm nhỏ có niên đại khoảng năm 1600 trước Công nguyên.

Bài 2 Bảo vệ cổ vật: làm đi, đừng đợi! xem TẠI ĐÂY

Bài 1 Người ngay 'chạy đua' với kẻ gian xem TẠI ĐÂY

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm