Ca sĩ Đăng Dương: Quá ít ca khúc mới cho dòng nhạc đỏ

14/05/2013 07:40 GMT+7 | Âm nhạc

(lienminhbng.org) - Trong “bữa tiệc” Bài hát yêu thích tháng 5 với rất nhiều “món” mới, Tình em do nam ca sĩ Đăng Dương thể hiện như một món ăn có vị thanh mát, nhẹ nhàng, góp phần “giảm xóc” và biết đâu kéo thêm nhiều khán giả cho chương trình.

Cũng vì cái cớ này phóng viên chúng tôi đã tìm gặp Đăng Dương, đặt cho anh những câu hỏi “cắc cớ” vì sao vẫn chọn ca khúc cũ để đem đến một chương trình mới. Phải chăng, bản thân anh vẫn “cố hữu” yêu thích dòng nhạc mà anh đã chọn và không cần thay đổi?

Đăng Dương thể hiện ca khúc Tình em trong chương trình Bài hát yêu thích tháng 5

* Vì sao anh chọn trình diễn ca khúc Tình em tại Bài hát yêu thích?

- Tôi quyết định chọn ca khúc Tình em, một tác phẩm khó thể hiện và cũng đã đi vào lòng người yêu âm nhạc từ lâu. Những tác phẩm qua mấy chục năm đến giờ người nghe vẫn thích thì là bài hát yêu thích đúng không? Tôi nghĩ BTC đưa các tác phẩm đi cùng năm tháng vào chương trình là hợp lý vì nghe một chương trình toàn tác phẩm mới không phải ai cũng thích đâu.

* Sân khấu âm nhạc ở Hà Nội bây giờ sôi động hơn rất nhiều, từ nhà sản xuất đến các ca sĩ đều tổ chức show liên tục. Ca sĩ dòng nhạc cách mạng các anh có sốt ruột không?

- Đúng là ca sĩ dòng nhạc cách mạng không thể nhiều show như các ca sĩ dòng nhạc khác nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên xuất hiện ở trong các chương trình dành riêng cho mình.

Rất may là dòng nhạc cách mạng những năm gần đây vẫn được mọi người yêu mến và đó quả là niềm hạnh phúc cho nghệ sĩ theo đuổi mảng này. Và đã làm nghệ thuật phải có tâm, cháy hết mình với dòng nhạc của mình. Mình cứ làm tốt thì khán giả sẽ ở lại với mình (Đăng Dương).

* Không thể phủ nhận dòng nhạc cách mạng có những giá trị bất biến, nhưng ngoài việc duy trì ca khúc cũ có giá trị thì hẳn ca sĩ dòng nhạc này vẫn phải có nhu cầu tìm cái mới chứ?

- Với dòng nhạc này chúng tôi vẫn phải hát các tác phẩm chính thống thôi. Bản thân các ca khúc đã gắn với một thời điểm lịch sử, nếu làm mới thì có thể phối khí, có thể làm hay hơn nhưng phải hợp lý. Về cơ bản, tính chất âm nhạc phải giữ nguyên vẹn.

Chúng tôi cũng muốn có bài mới lắm chứ, nhưng ca khúc mới viết cho dòng nhạc của chúng tôi quá ít. Gần đây có một vài tác phẩm của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và một số nhạc sĩ khác, nhưng về cơ bản không nhiều.

* Nhưng khán giả cũ rồi sẽ vơi đi, khán giả trẻ ngày càng đông hơn mà âm nhạc thì thay đổi từng tháng…

- Điều đó không tránh được, đó là quy luật phát triển của xã hội. Nhưng là người hát nhạc đỏ, tôi thấy có trách nhiệm phải gìn giữ những tác phẩm giá trị, gắn với lịch sử dân tộc cũng như lịch sử âm nhạc. Bản thân tôi tâm niệm đã theo dòng nhạc này thì phải có trách nhiệm quảng bá các tác phẩm của đất nước.

* Với nghệ sĩ, có khi nào sự ổn định về nghề nghiệp lại là lực cản cho sự sáng tạo không anh?

- Nói thực bản thân mình không bao giờ có thể hài lòng với mọi thứ. Không phải cứ đạt được một đỉnh cao nào đó thì ngừng phấn đấu. Đã theo âm nhạc bác học thì phải phấn đấu, rèn luyện cả đời. Tôi vẫn phải đi dạy học, vẫn phải làm mọi thứ, vì chỉ như thế mới giữ được nghề của mình. Nghề này nếu không thường xuyên chăm chút sẽ mai một ngay.

* Anh có theo dõi những gương mặt mới gần đây như Phạm Thu Hà vừa đoạt giải Cống hiến, hay một vài gương mặt xuất hiện ở các chương trình thực như Kiên Giang (Giọng hát Việt), Trần Hữu Kiên (Vietnam’s Got Talent)? Họ đều chọn opera hoặc bán cổ điển.

- Phạm Thu Hà bước đầu làm được như thế cũng là thành công. Thế nhưng với âm nhạc cổ điển phải có thời gian mới chứng minh được anh có phải tài năng hay không.

Tôi có nghe Hữu Kiên hát Hồ trên núi, giọng hát này có chút đặc biệt nhưng vẫn là bản năng. Opera không hẳn như thế đâu, opera phải tròn trịa và có cách dựng bài khác.

Còn Kiên Giang cũng là người có giọng tốt đấy. Nhưng nói thật là với opera phải học lâu, gian truân lắm, như chúng tôi theo học nhiều năm có khi hát còn chưa đạt tiêu chuẩn.

* Hai năm trước Việt Hoàn đã làm một live show riêng cho đời ca hát của mình. Còn anh thì sao?

- Với tôi, anh Việt Hoàn luôn là người anh cả đã đi tiên phong, tôi nghĩ anh ấy rất giỏi. Còn bản thân tôi cũng ấp ủ một chương trình của riêng mình. Hiện tại tôi thấy mọi thứ khó khăn, không biết có làm được không nhưng vẫn cứ phải làm thôi.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện và chúc anh sẽ sớm thực hiện được ước mơ!

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm