Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam: Các người đẹp có khiến khán giả 'đau tim'?

13/11/2014 09:01 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Nhà thơ Dương Kỳ Anh - người được mệnh danh là “cha đẻ” cuộc thi Hoa hậu Việt Nam – từng nhận định, người đẹp Việt thua trên các sàn đấu sắc đẹp quốc tế là bởi giao tiếp không tự nhiên, hay bị giáo dục kiểu thuộc bài.

Ở mỗi cuộc thi sắc đẹp, công chúng luôn chờ đợi các người đẹp thể hiện hiểu biết xã hội và trí thông minh trong phần thi ứng xử. Nhưng với các nhà tổ chức, đây cũng là phần thi gây “đau tim” nhất. Trước vòng chung kết Hoa hậu Việt Nam 2014 diễn ra ở Phú Quốc từ 23/11-6/12 tới, ông Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền phong, Trưởng BTC cuộc thi - trò chuyện với Thể thao&Văn hóa về câu hỏi ứng xử cho các thí sinh người đẹp:

* Thưa ông, Hoa hậu Việt Nam 2014 đang tổ chức thi đặt câu hỏi ứng xử. Ông có thể cho biết công chúng có xu hướng đặt câu thế nào?

- Xu hướng đặt câu hỏi của công chúng khá đa dạng nhưng phần lớn tập trung hướng vào mấy lĩnh vực: Suy nghĩ về những nét đẹp của văn hóa và con người Việt Nam, về phẩm chất, vai trò của người con gái, người phụ nữ, so sánh giữa truyền thống và hiện tại; suy nghĩ về các cuộc thi sắc đẹp và ứng xử của họ trước những câu hỏi mang tính tiêu cực về hoạt động này; dự định tiếp theo của thí sinh nếu thành công trong cuộc thi....


 Ông Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền phong

* Theo thông lệ thì BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thường đặt câu hỏi cho các thí sinh như thế nào? BTC có khuyến khích các thí sinh trả lời những câu hỏi mang dấu ấn cá nhân và sáng tạo?

- Khi xây dựng các câu hỏi, BTC thường cố gắng để các câu hỏi không kiểm tra hay đánh đố về mặt kiến thức mà đặt ra những tình huống để thí sinh có thể vận dụng khả năng trí tuệ, sự nhanh nhạy và khả năng ứng xử để trả lời. Chủ đề đa dạng thường là có ý nghĩa xã hội khá sâu sắc. Câu hỏi cũng được xây dựng ngắn gọn để thí sinh có thể nhanh chóng hiểu rõ trong điều kiện ngặt nghèo của phần thi, thường thì độ dài của câu hỏi không quá 100 chữ.

Sự sáng tạo của các thí sinh vượt thoát các suy nghĩ khuôn mẫu để có được sự độc đáo luôn là mong muốn của bất kỳ BTC nào.


Đương kim Hoa hậu Việt Nam Đặng Thu Thảo

* Bản thân ông đánh giá thế nào là một thí sinh - người đẹp có khả năng ứng xử xuất sắc?

- Đó là thí sinh làm chủ được bản thân trong điều kiện cực kỳ ngặt nghèo khi đứng trước một khán đài lớn, trong ánh đèn sân khấu chói gắt và nóng bỏng, trước hàng trăm ống kính máy ảnh và hàng chục ống kính truyền hình truyền hình ảnh và biết rằng lời nói của mình đến hàng chục triệu khán giả không chỉ trong mà cả ngoài nước. Trong điều kiện đó, nhiều khi ngay cả một người có bản lĩnh cũng rất dễ hoảng sợ, mất bình tĩnh và không xác lập được mạch suy nghĩ. Một người đẹp có khả năng ứng xử xuất sắc là trong điều kiện đó vẫn có được một câu trả lời ổn về nội dung, rõ ràng và ngắn gọn về hình thức.

* Là người gắn bó với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam qua nhiều thời kỳ, ông ấn tượng nhất với phần ứng xử của người đẹp nào?

- Thực sự thì cũng rất khó nhớ các người đẹp trả lời cụ thể thế nào. Đó là những khoảnh khắc căng thẳng với BTC. Nhưng tôi vẫn nhớ trong các cuộc thi mà báo Tiền Phong từng tổ chức thì câu trả lời của Hoa hậu Ngô Phương Lan tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2007 về việc vì sao hoạt động của hoa hậu lại luôn gắn với mục đích từ thiện đã được khen ngợi nhiều. Năm 2012, Hoa hậu Đặng Thu Thảo cũng gây được ấn tượng trong phần thi ứng xử.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

“Vì sao các hoa hậu của chúng ta vẫn chưa đạt được nhiều thành tích khi đi thi thế giới? Theo tôi, là có một số lý do. Đó là khi ra thế giới, người Việt Nam hay bị rào cản, khép kín. Chúng ta hay bị giáo dục thuộc bài, giao tiếp không tự nhiên và thoải mái, thiếu sự chân thật” (Phát biểu của nhà thơ Dương Kỳ Anh – Nguyên TBT báo Tiền phong).

***

Cuộc thi đặt câu hỏi ứng xử cho Hoa hậu Việt Nam kéo dài tới 23/11. Các câu hỏi được sử dụng trong phần thi ứng xử được trao tặng giải thưởng trị giá 5 triệu đồng/giải.

Câu trả lời ấn tượng của các hoa hậu

* Vì sao hoạt động Hoa hậu luôn gắn liền với mục đích từ thiện?

- Hoa hậu Ngô Phương Lan: Cái thiện là cái đẹp. Chân - Thiện - Mỹ là phẩm chất cao cả nhất của người con gái Việt Nam. Đó cũng là đỉnh cao của sự khát vọng mà mỗi con người cần phải vươn tới. Theo em, khi cái đẹp gắn với sự hảo tâm, trái tim nhân hậu và sự chân thành, cái đẹp ấy sẽ được tôn lên nhiều lần. Do vậy, vẻ đẹp của Hoa hậu cũng sẽ được tôn lên khi gắn liền với các hoạt động từ thiện.

* Dù cuộc sống thế nào hàng tỉ người trên thế giới vẫn say mê dõi theo các cuộc thi hoa hậu, vì sao?

- Hoa hậu Đặng Thu Thảo: Từ xưa đến nay người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống và họ cũng được gọi là phái đẹp. Mọi người trên thế giới của chúng ta ai cũng say mê cái đẹp vì thế cuộc thi hoa hậu diễn ra nhằm tôn vinh nét đẹp hoàn thiện của người phụ nữ và vì thế nó có một sức hút mạnh mẽ khiến cho tất cả mọi người quan tâm đến.

Khi họ xem cuộc thi không những xem những bông hoa xinh đẹp ngát hương mà còn biết đến nhiều nét văn hóa của nhiều vùng miền khác nhau. Đồng thời họ cũng xem được cách cư xử, ứng xử của các bông hoa xinh đẹp đó. Cho nên khi cuộc thi sắc đẹp tổ chức thì tất cả mọi người đều chú ý và đặc biệt quan tâm.

Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm