09/08/2017 07:00 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Sau ngày làm việc đầu tiên, chiều tối qua (8/8), Đại hội 12 Hội Nhà văn Hà Nội đã bầu ra BCH nhiệm kỳ 2015 - 2020 với 8 cái tên gồm: Nguyễn Thị Thu Huệ, Trần Hữu Việt, Nguyễn Sĩ Đại, Bùi Việt Mỹ, Trần Quang Quý, Y Ban, Nguyễn Việt Chiến, Trần Gia Thái.
Trong đó, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ là thành viên nhận được số phiếu bầu cao nhất trong danh sách 22 người được đề cử.
BCH nên có nhà văn xuất thân từ Thủ đô
Trong phiên thảo luận sáng 8/8, 33 cái tên trong danh sách bầu cử đã được BCH khóa cũ công bố. Những cái tên này được lựa chọn từ 4 nguồn: kết quả 2 Đại hội cơ sở văn và thơ, sự giới thiệu của Ban tổ chức và đề cử trực tiếp của Đại hội.
Danh sách bầu cử dự kiến khi được đưa ra ngay lập tức nhận được những ý kiến trái chiều từ các đại biểu. Theo đó, một số nhà văn đặt ra nghi vấn về tính minh bạch của việc lựa chọn ứng viên, đồng thời đưa ra ý kiến về các tiêu chí cần có đối với Ban chấp hành tương lai.
Các tiêu chí mà đại biểu đưa ra ngoài những đóng góp cho nền văn học, còn có mong muốn về việc “trẻ hóa” đội hình Ban chấp hành, đặc biệt là quan điểm Hội Nhà văn Hà Nội thì trong BCH nên có nhà văn xuất thân từ Thủ đô. Bên cạnh đó, Đại hội cũng đã thống nhất rằng những ứng cử viên vắng mặt sẽ bị loại luôn khỏi danh sách bầu cử.
Cuối cùng, danh sách bầu cử rút xuống chỉ còn 22 người, và Đại hội đã tiến hành bỏ phiếu để bầu ra 11 người vào BCH, dưới sự giám sát của Sở Nội vụ thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, do một số thành viên không đạt số phiếu quá bán nên Đại hội đã biểu quyết dừng lại ở con số 8 thành viên BCH có phiếu bầu cao nhất và quá bán trong danh sách 22 người.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đại hội phải tin vào thế hệ trẻ
Nhà thơ Vũ Quần Phương trong cuộc trao đổi nhanh với Thể thao & Văn hóa cho biết: “Trong danh sách 22 người có nhiều gương mặt tiêu biểu. Văn họ viết có nhiều đóng góp cho trào lưu văn học nghệ thuật nói chung. Một số cây bút tiêu biểu của thế hệ xuất hiện thời kỳ đổi mới, cũng đã từng làm phụ trách của những cơ quan, có những đóng góp không nhỏ cho đơn vị công tác.
Do đó cá nhân tôi rất hy vọng ở họ sẽ đóng góp tốt cho BCH. Bên cạnh đó, trào lưu, khuynh hướng viết của họ khác nhau nên tôi cũng có những kỳ vọng về sự phong phú trong phong cách sáng tác cho Hội.
Đại hội lần này theo tôi thấy quy mô lớn, tuy nhiên thật ra không đáng phải hoành tráng như thế. Điều đó làm cho hội bị hành chính hóa, mất đi cái đẹp trong quan hệ bạn bè văn chương, khiến những hội viên như tôi vừa mừng vừa lo.
Mừng vì sự phát triển của hội, nhưng lo về sự mất thân ái của anh em trong hội. 5 năm gặp nhau một lần đáng lẽ có thể bàn về văn chương, bình luận về chặng đường đi qua nhiều hơn, từ đó mới thấy được cái gì tốt, chưa tốt từ đó có cơ sở để bầu cử. Chứ cứ vào Đại hội một cái là lo ngay việc bầu cử, thành ra nhiều người còn không biết mặt nhau.
Khi được hỏi về vấn đề “trẻ hóa” thành viên của BCH Hội, nhà thơ Vũ Quần Phương đưa ra ý kiến: “Lớp trẻ bây giờ có nhiều cái để lo lắm. Phải lo cho cuộc sống, lo sự nghiệp, lo tương lai. Thành ra với những công việc xã hội thế này có lẽ khó để tâm. Nên bước đầu vẫn phải tạm hài lòng với lớp nhà văn đã ở tuổi nghỉ hưu, họ làm là tốt nhất".
Một điều nữa tôi thấy Đại hội vẫn chưa làm được, đó là chưa phát huy được sự tham gia của lớp trẻ. Bằng chứng là danh sách giới thiệu có đến 80% người trên 55 tuổi.
Hiện nay trong Hội 50 tuổi vẫn được coi là trẻ, như thế rất nguy hiểm. Quan trọng là ban lãnh đạo phải đặt lòng tin vào thế hệ trẻ. Và tôi nghĩ rằng có lẽ phải 2-3 kỳ Đại hội nữa thì mới thực sự trẻ hóa được”.
Nhà thơ Trần Quang Quý: BCH mới phải thay đổi thật sự
Gương mặt mới trong BCH, nhà thơ Trần Quang Quý nói: “Việc chuẩn bị Đại hội đã bị lùi so với định kỳ 2 năm thể hiện sự lúng túng, luộm thuộm trong việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội.
Bên cạnh đó cũng có một số việc làm không đúng lắm, như việc thành lập một ban tổ chức để giới thiệu thành viên bầu cử. 17 người trong ban tổ chức này đáng lẽ ra không có quyền giới thiệu người bầu cử, thậm chí trong ban tổ chức còn có người không phải hội viên.
Hay như việc tuyên dương cá nhân trong bản báo cáo cũng có vấn đề, để sót nhiều gương mặt tiêu biểu.
Tôi rất muốn thế hệ Ban chấp hành mới phải đổi mới thật sự, có uy tín sáng tác và có năng lực tổ chức quản lý.
Tôi sẽ đóng góp hết khả năng của mình, với kinh nghiệm nhiều năm quản lý cơ quan báo chí cũng như NXB”.
Sáng nay (9/8), các thành viên Ban chấp hành sẽ bầu ra Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khóa mới và bế mạc.
Thể thao & Văn hóa sẽ thông tin đến bạn đọc ngay khi có kết quả.
Vì sao Đại hội chậm 2 năm? Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Hà Nội cho biết: “Đại hội bị chậm 2 năm do những lùm xùm liên quan đến nhân sự, tổ chức, đình trệ trong việc trình và thông qua các văn bản chính cho đại hội gồm Điều lệ hội, Báo cáo tài chính và Bản kiểm điểm Ban chấp hành”. Vào trung tuần tháng 6 vừa qua, ông Phạm Xuân Nguyên đã xin từ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội khóa 11, còn nhà văn Ngô Văn Giá xin rút khỏi danh sách bầu cử khóa 12. |
Phạm Huy – Hà My (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất