Đạo diễn Đặng Nhật Minh: Phim nghệ thuật mất tăm là điều dễ hiểu…

11/03/2014 15:01 GMT+7 | Phim


(lienminhbng.org) - Cánh diều 2013 đã chính thức khởi động. Tuy nhiên năm nay, “Cannes Việt Nam” sẽ tinh giản, gọn nhẹ, thậm chí không cả truyền hình trực tiếp.

“Nên đưa giải trở về với chức năng ban đầu - giải thưởng của một hội nghề nghiệp. Điện ảnh Việt Nam chỉ có một giải thưởng duy nhất mang tính quốc gia, đó là giải Bông sen vàng” - NSND, đạo diễn Đặng Nhật Minh nêu ý kiến.

* Thưa ông, cứ mỗi mùa Cánh diều đến, trong số hàng chục bài viết về giải này, dẫu nhuốm màu bi quan về giải thưởng, thì vẫn có những tít bài có chứa từ “hy vọng”, “kỳ vọng”. Còn ông thì sao?

- Nhìn vào danh sách các phim dự giải Cánh diều năm nay có thể thấy rằng phim tư nhân đang làm nên diện mạo của điện ảnh Việt Nam hôm nay.

* Có nghĩa các hãng phim tư nhân đang đóng vai trò quan trọng đối với điện ảnh Việt Nam?

- Các hãng phim tư nhân đã giúp tăng số lượng cho điện ảnh Việt Nam. Nhưng chất lượng thì không thể nói như vậy. Họ có công tạo ra một nền điện ảnh giải trí, một thị trường kinh doanh điện ảnh sôi động.

* Ông đánh giá như vậy liệu có khắt khe quá không? Nếu xét trên khía cạnh nền điện ảnh giải trí, ngày càng có nhiều phim tư nhân có nghề, chất lượng tốt hơn trước rất nhiều. Họ đang góp phần nâng cao chất lượng cho điện ảnh Việt Nam đấy chứ. Các hãng phim tư nhân cũng rất chịu khó cập nhật các công nghệ mới, nếu không nói là họ đi đầu về công nghệ, và điều quan trọng họ đã giữ chân được khán giả cho điện ảnh Việt Nam. Và tôi nghĩ rằng, chính khối điện ảnh nhà nước đang phải học hỏi tư nhân rất nhiều.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

- Phải công nhận các phim giải trí của tư nhân ngày càng giống các phim giải trí của Hollywood, Hàn Quốc, Hong Kong... Được như vậy là do họ chịu khó cập nhật các công nghệ mới, đặc biệt về âm thanh. Nhưng bắt chước dù có giỏi mấy cũng không thể coi đó là góp phần năng cao chất lượng của điện ảnh Việt Nam được. Nói chính xác hơn là chúng chỉ góp phần nâng cao chất lượng phim giải trí Việt Nam. Đúng là dòng phim giải trí ngày càng phong phú đa dạng, hết cảnh “nóng”, bạo lực, đến hài, kinh dị, ma… Chúng có công giữ chân được khán giả trẻ, con nhà giàu ở các đô thị trong các rạp chiếu phim, thay vì để chúng chơi game hay đua xe trên đường phố. Cái này thì khối điện ảnh nhà nước cần phải học hỏi tư nhân nhiều. Bấy lâu nay điện ảnh nhà nước không quan tâm đến đối tượng khán giả con nhà giàu ở các đô thị, tìm hiểu xem đối tượng này thích gì. Chính đối tượng khán giả này mới là người nuôi sống điện ảnh vì họ có tiền. Điện ảnh tư nhân nhận thức rất rõ điều đó.

* Mới đây nhà sản xuất phim Quả tim máu công bố thu về 55 tỷ sau 10 ngày công chiếu. Một con số rất ấn tượng. Đã nhiều năm rồi chưa có một bộ phim nhà nước nào lập được kỷ lục như vậy.

- Con số này mới chỉ do nhà sản xuất cung cấp, không có ai kiểm chứng cả. Nói chung Nhà nước khuyến khích mọi công dân làm giàu chính đáng. Các nhà sản xuất phim có thể làm tất cả những gì mà Luật điện ảnh không cấm, để thu được lợi nhuận, làm nghĩa vụ thuế đầy đủ, là điều đáng hoan nghênh.

* Ông có nghĩ giải Cánh diều, hoặc Liên hoan phim (LHP) Việt Nam nên sinh thêm hạng mục trao giải cho phim đoạt doanh thu cao nhất? Giải này tôi nghĩ phản ánh chính xác nhất thị hiếu của khán giả, thay vì phải mất công tổ chức tuần phim, lấy phiếu của một lượng khán giả nhất định để làm nên cái giải Phim được khán giả bình chọn.

- Cái giải này thì tôi nghe lần đầu. Từ Đông sang Tây tôi chưa thấy có LHP nào trao giải như vậy cả. Nếu muốn trao cũng được thôi nhưng cứ gì phải đợi tới LHP. Cứ việc hỏi các phòng vé xem phim nào doanh thu cao thì tặng giải Vàng, phim có doanh thu thấp hơn thì tặng giải Bạc... Chẳng cần lập Ban giám khảo làm gì cho tốn kém và giải này nên để Tổng cục Thuế trao.

* Có rất nhiều đạo diễn gạo cội nói họ không thể xem được phim tư nhân. Còn ông thì sao?

- Tôi thì phim nào hay thì xem từ đầu đầu đến cuối, phim nào vô duyên nhạt nhẽo thì xem một lúc rồi thôi, không phân biệt phim tư nhân hay nhà nước.


Quả tim máu đang giữ kỷ lục phòng vé

* Cánh diều là giải thưởng của một hội nghề nghiệp (Hội Điện ảnh Việt Nam), nhưng dường như nó đã được kỳ vọng quá lớn. Không ít bài báo đã hy vọng nó sẽ trở thành giải Cannes của Việt Nam. Nhưng đến năm nay Ban tổ chức đã phải lưu ý đây chỉ là giải của hội nghề nghiệp, không nên kỳ vọng quá, và nếu có chê cũng phải nhìn vào thực tế. Phải chăng báo chí đã có thời lạc quan quá? Hay thời kỳ đầu những người tổ chức đã thực sự muốn khuếch trương giải này, chỉ có điều điện ảnh ngày càng xuống cấp nên giải khó có thể “nóng” lên được?

- Năm 1993 Nhà nước lập ra giải thưởng này nhằm mục đích để các hội văn học nghệ thuật động viên các tác phẩm tốt của các hội viên của mình (có kèm theo một khoản tiền nhỏ do Nhà nước cấp). Giải mang tên của các hội (giải thưởng Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Sân khấu…). Riêng Hội Điện ảnh từ năm 2003 đổi tên thành giải Cánh diều. Lễ trao giải được tổ chức rầm rộ, có biểu diễn múa hát, các diễn viên nam nữ khoác tay nhau đi trên thảm đỏ hệt như ở LHP Cannes hay lễ trao giải Oscar… được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc làm nhiều người lầm tưởng rằng đây cũng là một giải mang tính quốc gia như giải Bông sen vàng. Hai cuộc chấm giải Bông sen vàng và Cánh diều cứ hai năm một lần cách nhau có vài tháng nên rất nhiều phim dự xong giải này vài tháng sau lại dự tiếp giải khác, mà quanh đi quẩn lại chỉ có 10 đến 15 phim truyện nhựa tranh giải với nhau. Người ta giải thích rằng giải Cánh diều là giải của hội nghề nghiệp, nên quan tâm đến tính nghề nghiệp. Vậy giải Bông sen vàng không quan tâm đến tính nghề nghiệp? Đó chỉ là một cách nói ngụy biện. Nhiều người không hiểu tại sao điện ảnh Việt Nam sản xuất mỗi năm có ít phim mà có lắm giải thưởng thế, hết Bông sen vàng đến Cánh diều rồi LHP Quốc tế Hà Nội tổ chức 2 năm một lần.

* Đã có ý kiến nên chăng bỏ giải Cánh diều?

- Theo tôi nên đưa giải này trở về với chức năng ban đầu của nó như đã được Nhà nước quy định: Giải thưởng của một hội nghề nghiệp mang tên giải thưởng Hội Điện ảnh giống như giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật khác. Trong điện ảnh Việt Nam chỉ có một giải thưởng duy nhất mang tính quốc gia đó là giải Bông sen vàng.

* Trong danh sách phim dự Cánh diều năm nay, không có phim nghệ thuật. Phim nghệ thuật đã biến mất tăm khỏi nền điện ảnh nội địa. Là một người từng làm nhiều phim nghệ thuật, cá nhân ông cảm thấy thế nào trước tình cảnh này?

- Phim nghệ thuật đã biến mất tăm khỏi nền điện ảnh nội địa như nhà báo nói là điều dễ hiểu, bởi vì không có phim nghệ thuật nào có thể thu 55 tỷ sau 10 ngày chiếu. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên về bức tranh này cả.

* Ông có nhìn thấy thế hệ đạo diễn mới những nhân tố triển vọng? Ông thấy thích đạo diễn trẻ nào, vì sao?

- Tôi thích tất cả các đạo diễn trẻ. Tương lai điện ảnh nước nhà nằm trong tay họ. Họ đều rất có triển vọng.

* Xem Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030, ông có thấy mọi sự sáng sủa hơn không?

- Chiến lược phát triển ngành nào mà chẳng sáng sủa. Tôi chẳng có kiến nghị gì, chỉ góp một vài ý kiến nhỏ vào bản dự thảo theo yêu cầu của Cục Điện ảnh.

13 phim truyện tranh giải Cánh diều 2013 gồm: Những người viết huyền thoại, Tèo em, Săn đàn ông, Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ guốc vông, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm, Tía ơi.

Lễ trao giải Cánh diều 2013 sẽ diễn ra vào 20h ngày 15/3/2014 tại Cung hữu nghị Việt - Xô, ghi hình và phát lại vào ngày 16/3 trên VTV.

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm