Đạo diễn - NSND Khải Hưng: Không ai dại trong cuộc đời này

08/04/2009 08:38 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Vừa rời ghế Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim Truyền hình Việt Nam, đạo diễn - NSND Khải Hưng thành lập Hãng phim Khải Hưng. Cả đời làm phim, 15 năm đứng đầu trung tâm sản xuất phim truyền hình lớn nhất nước, vị đạo diễn này vẫn than rằng, nghề làm phim muôn vàn khó khăn…

Không biết làm gì ngoài làm phim

* Thưa, anh đã từng chèo lái cả trung tâm sản xuất phim truyền hình mà mỗi năm sản xuất vài trăm tập phim, thì việc điều hành một hãng phim có phải là việc quá khó?
 
- Khi làm công ty nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp thì cái khó chúng ta dồn cho nhà nước, cái thiệt hại nhà nước chịu, nhưng đã là công ty tư nhân, thiệt hại mình chịu. Đấy là cái đơn giản nhất để khiến nó khó. Trong tất cả các nghề, tôi cho rằng, nghề rủi ro nhất là nghề làm phim, nghề dễ phá sản nhất cũng là nghề làm phim. Bất cứ diễn viên nào khi đang tham gia mà ốm đau, tai nạn, hoặc vướng vào một scandal nào đó hay “trái nắng giở giời” mà không muốn đóng nữa thì nhà sản xuất phá sản. Một ngày, theo tôi tính, một đoàn làm phim tiêu tốn 30 triệu đồng. Nếu một cô diễn viên nào đó, đóng hai tập thôi không đóng nữa thì doanh nghiệp làm phim đó thất thiệt vài trăm triệu đồng ngay... Mà phải nói, diễn viên của chúng ta chả chuyên nghiệp gì cả. Hợp đồng rất chặt chẽ, ký kết đàng hoàng, nhưng rồi cũng chẳng ai tuân thủ, mà cũng chẳng ai phán xét việc này. Sản xuất phim ở ta chỉ có “cửa ra” là truyền hình, một ngày nào đó, truyền hình không mua loại phim này mà thích loại phim kia thì cũng có nghĩa là công ty tư nhân làm phim đó phá sản. Tôi nghĩ, có đến hàng chục nguyên nhân để hãng phim phá sản...

 
* Biết vậy sao sao anh không phủi tay nghỉ hưu, mà lại tiếp tục chọn con đường khó này?
 
- Chẳng nhẽ tôi lại đi buôn gạch hay buôn đất à? Tôi không thể đi buôn. Vì tôi sinh ra và lớn lên chỉ có một nghề làm phim thì vẫn phải theo nó. Hơn nữa, tôi yêu mến nó, nên dù khó khăn, tôi vẫn làm. Và tôi cũng đầy tự tin rằng tôi cũng ít rủi ro hơn người khác. Vì tôi có kinh nghiệm cả cuộc đời làm nó. Tôi nghĩ rằng, trong các hãng phim, tôi sẽ là người ít rủi ro nhất. Ít rủi ro nhất thì vì sao tôi không làm? Đó là cái lý sự của tôi đấy!
 
Có cầm đằng lưỡi thì tôi vẫn sẽ thắng
 
* Người ta nói rằng, giờ là thời của đạo diễn phim truyền hình. Nhiều đạo diễn trẻ được trọng vọng. “Ôn nghèo kể khổ” một chút, so với thời của anh, các anh có gặp nhiều khó khăn không?
 
- Thời của tôi có khó khăn, nhưng cũng có thuận lợi. Thời đó, tôi gần như một mình một bãi, rất ít cạnh tranh. Tôi muốn tung hoành cái gì là việc của tôi. Tôi cũng là người khám phá ra, tôi đi đầu. Gần như là đường ta rộng thênh thang ta bước. Hiện giờ, người người làm phim, nhà nhà làm phim. Cạnh tranh rất khốc liệt. Nhưng cạnh tranh là cái tốt. Sẽ có những nhà sản xuất phá sản và sẽ có những công ty trở thành tập đoàn lớn. Có thể nói, chưa bao giờ, những đạo diễn trẻ, diễn viên, quay phim có nhiều cơ hội như thời điểm 2008 - 2009 này.
 
* Cái thời đường anh rộng thênh thang anh bước, có lời đồn, anh giàu vì làm phim?
 
- Thời tôi làm phim, chẳng ai nghĩ tới tiền!
 
* Vậy bây giờ anh có tham vọng về tương lai của Hãng phim Khải Hưng không?
 
- Việc mở công ty mang tên tôi là một sự tình cờ. Trước khi có quyết định nghỉ hưu, tôi tính sẽ làm giám đốc điều hành cho một công ty truyền thông lớn. Người ta hứa trả cho tôi một mức lương hậu hĩnh: 50 triệu đồng/tháng. Có lẽ, đây là mức lương mà cả đời đi làm nhà nước của tôi chưa bao giờ dám mơ tới. Rồi bỗng nhiên, tôi hỏi kế toán của công ty ấy, tại sao tôi lại được hưởng lương cao như vậy? Họ nói rằng, nếu anh được trả 50 triệu đồng/tháng thì có nghĩa là anh phải làm ra 150 triệu đồng/ tháng. Tôi lại hỏi, giả thử tôi không làm được thì sao. Họ bảo, thì trong vòng 3 tháng, lương của tôi sẽ chỉ còn 1/5. Ba tháng nữa, nếu vẫn không làm được thì lương sẽ tiếp tục xuống 1/5... Và cuối cùng, có thể sẽ phải nghỉ việc... Thế mới thấy rằng, thị trường rất sòng phẳng và rõ ràng, và mình không thể bấu víu lấy ai nữa. Mình phải tự sống! Tình cờ, có người bạn bán một bộ máy quay phim và tình cờ tôi mua được. Thế là tôi lên kế hoạch thành lập một hãng phim. Nhiều người bảo tôi a dua. Ừ thì a dua cũng được. Nhiều người, hoàn toàn không có gì và chưa làm gì, còn mở hãng phim từ 4 - 5 năm nay, thì tại sao tôi lại không mở một hãng phim nhỉ, khi đã có kinh nghiệm sản xuất nhất định?
 
Giờ tôi đã tính tới đầu vào, đầu ra của hãng phim. Hiện tôi đã có một đoàn làm phim lên đường, một phòng dựng và một phòng lồng tiếng đang hoạt động. Có thể, đó là một sự may mắn. Đầu ra của phim ở ta vẫn chỉ có truyền hình. Chỉ có điều tôi không làm theo cái cách mà nhiều công ty tư nhân đang làm. Đó là họ trực tiếp đổi phim lấy quảng cáo. Với trường hợp của tôi, có một công ty chịu trách nhiệm giao dịch với đài truyền hình, họ thỏa thuận phương thức thanh toán với đài. Còn tôi, tôi là một nhà sản xuất chuyên nghiệp, tôi sẽ sản xuất phim cho họ. Tôi không trực tiếp đổi phim lấy quảng cáo vì tôi không đủ khả năng kêu gọi những nước mắm với tương ớt, xà phòng, dầu gội đầu... Tôi chỉ có khả năng và kinh nghiệm làm phim thôi. Nếu thu lãi thì tôi thu lãi từ làm phim, chứ không phải từ những quảng cáo tương ớt, nước mắm... Tôi được rất nhiều lời mời của các công ty, mà họ có nhiều tiền, nhiều quan hệ, có nhiều nước mắm và tương ớt để đổi nhưng không biết làm phim. Vì thế, sức tôi chỉ 30 cân thì tôi gánh lấy 30 cân ấy thôi. Trước kia, làm việc từ 6h30 sáng đến 6h30 tối thì bây giờ, thậm chí có ngày làm việc từ 6h30 sáng đến 11h đêm. Chắc rằng, thời gian căng thẳng như vậy còn kéo dài nữa. Vì tôi muốn rằng, đồng tiền của tôi không thất thoát, muốn rằng có một chút lãi chứ không muốn sập tiệm. Thế nên, tôi phải lao vào công việc chứ không thể giao phó cho ai khác được.
 
* Anh dự kiến sẽ lời lãi thế nào từ việc làm phim tự mình?
 
- Nghề của tôi không phải nghề tính toán. Đôi khi mình cứ nghĩ, mình làm phim là có lãi, nhưng hóa ra không phải vậy. Kế toán của tôi cho rằng, phương pháp đầu tư của tôi chỉ hòa đã là may rồi, chứ khó có lãi! Nhưng tôi mong rằng, hòa và có niềm vui trong đó thì tốt lắm rồi. Thực ra, tôi rất nghiệp dư về kinh tế. Tôi đã làm giám đốc 15 năm nhưng là giám đốc của một cơ sở bao cấp. Từ khi thành lập công ty này, tôi lúc nào cũng phải nhăm nhăm rằng mua cái này có hóa đơn đỏ không, VAT là bao nhiêu, mã số thuế của công ty thế nào, có hợp lệ không v.v. và v.v... Bao thứ hổ lốn trong đầu. Rồi còn phải nghĩ xem luật thuế thu nhập thế nào, nhà nước đã quy định, không thể lơ mơ được. Muôn vàn khó khăn lặt vặt. Lại còn những thủ tục hành chính. Trước mình là người của Đài Truyền hình, đi đâu cũng được, oai vệ đấy, mọi người có vẻ nể. Giờ là tư nhân, ra đến phường là bị hạch. Ông là ai, tôi phải kiểm tra đã rồi mới cấp giấy chứ, có phải dấu của phường là dấu củ khoai đâu. Phòng thuế đến xem giấy tờ, biết là ông Khải Hưng rồi, nhưng ông Khải Hưng thì cũng đứng ra một bên để tôi kiểm tra đã. Hết sức mệt mỏi. Nhưng mệt mà vui, vì thực ra, đời tôi, cũng chưa bao giờ được hưởng cái mệt như thế, thử mệt như thế xem sao.
 
* Thay vì đổi phim lấy quảng cáo như các hãng phim tư nhân đang làm, hãng phim Khải Hưng chỉ làm một nhà sản xuất độc lập - đó là khôn ngoan hay chuyên nghiệp, thưa anh?
 
- Vấn đề là không ai dại trong cuộc đời này. Những người đầu tư cho tôi làm phim cũng đầu tư dè xẻn lắm. Thí dụ bộ phim này làm mất 1,5 tỷ đồng, họ chỉ đầu tư 10 - 20% số tiền đó, rồi chờ tới khi phim phát sóng mới trả nốt. Rõ ràng, tôi phải bỏ tiền túi ra. Cái rủi ro mà tôi phải chịu là nếu phim không được phát sóng thì coi như trắng tay. Trong hợp đồng cam kết phim phải phát sóng. Nói khôn ngoan thì không phải, đúng ra là tôi tự tin. Tôi chả thể nào khôn ngoan hơn những bộ óc làm kinh tế dạn dĩ được. Đọc hợp đồng là tôi ký ngay, nhưng sau có người chỉ ra cho tôi một vài điểm thì hóa ra đối tác nắm đằng chuôi, mà mình cầm đằng lưỡi. Nhưng tôi tin, có cầm đằng lưỡi thì tôi vẫn sẽ thắng... nên tôi vẫn cứ làm. Đó là niềm tin của tôi.
 
* Nhưng ngược lại, có phải anh cũng muốn tránh làm việc trực tiếp với cơ quan cũ nơi anh vừa nghỉ hưu?
 
- Đương nhiên. Khi đã ra đi, tôi không muốn quay lại với tư cách phải xin xỏ một ai cả. Tôi đang là người xét duyệt kịch bản ở Đài, khi thành lập công ty, tôi làm đơn xin ra khỏi hội đồng này. Sẽ không công bằng nếu tôi ngồi trong đó mà tôi lại có kịch bản gửi vào, tức là vừa đá bóng vừa thổi còi, hoặc gây ảnh hưởng đến kịch bản của mình. Tôi không thích điều đó. Đấy là cách mà nếu mọi người nói tôi lẩn tránh, cũng đúng. Ngày xưa tôi làm ở Đài, nếu tôi dùng ảnh hưởng của tôi với một số người thì có thể được, hoặc không được và có thể làm tình cảnh xấu đi... Nên, tốt nhất, việc ai người nấy làm. Tôi thích công việc làm phim thì tôi đóng vai nhà sản xuất. Tôi nghĩ một cách giản dị và sòng phẳng như thế.
 
Tôi là người hưởng thụ rất nhiều
 
*  Ít khi anh chia sẻ với báo chí về cuộc sống riêng. Anh có ngại khi tôi hỏi về cuộc sống riêng của anh?
 
- Tôi thấy ai cũng có đời sống riêng. Đã gọi là riêng thì nên để cho nó một khoảng riêng. Nếu phơi bày ra thì lại thành cuộc sống chung mất. Tôi rất rành mạch trong việc ấy.

* Nếu cái riêng tôi muốn hỏi là về con trai của anh - đạo diễn trẻ Khải Anh? Theo anh, Khải Anh có ảnh hưởng gì từ anh?
 
- Nó chả ảnh hưởng gì từ tôi cả. Tôi là lớp người khác. Tôi tự nhận tôi là người có cá tính, tôi sòng phẳng. Nhưng tôi không thể sòng phẳng như bọn trẻ, như con tôi được. Con tôi có nói, tại sao tôi lại nhận hợp đồng thấp thế? Tôi hỏi, thế nào là cao? Nó bảo, phải gấp 10 lần như thế nó mới làm. Tôi thì nghĩ khác, đủ sức thì tôi làm. Đó là hai cách nghĩ khác nhau, không thể chia sẻ. Còn về mặt nghề nghiệp, nghề này không ai dạy được ai cả. Với sinh viên trong trường, tôi không nói tôi dạy họ học, mà chỉ nói tôi cùng họ học. Khải Anh, nếu có ảnh hưởng về nghề nghiệp, thì chỉ là cách làm việc hết mình. Còn tư duy về cách làm phim nó chả có gì giống tôi, kể cả tư duy về tiền bạc, về tình yêu... Nó có quan điểm riêng, tôi tôn trọng quan điểm đó. Tôi đi đường của tôi, con tôi đi đường riêng của nó để sống chung trong hòa bình. Và tốt nhất là đứng trước những chuyện nhạy cảm thì đừng bàn. Ví như đánh giá ông này làm phim hay, hoặc ông này làm phim dở thì đừng bàn. Cũng có thể, con tôi thừa hưởng ở tôi tính cần cù. Nó cũng rất chịu khó, tôi về 11h khuya thì nó cũng 1h sáng.
 
* Một người đàn ông khi đương nhiệm thì làm việc từ 6h30 sáng đến 6h30 tối, giờ nghỉ hưu thì cũng từ 6h30 sáng đến 11h đêm, lại còn rất cá tính. Thời gian nào anh dành cho gia đình?
 
- Tôi chỉ nghĩ rằng, mọi người đã chấp nhận tôi thì phải chấp nhận cả cái xấu và cái tốt của tôi, chấp nhận một người tính có thể nóng nảy, và cả cái thứ có thể gọi là cá tính nữa. Tôi cũng không hề lơ là nhiệm vụ làm cha, làm chồng. Nếu không chấp nhận thì chắc phải có giải pháp nào đó. Tôi luôn là tôi chứ không chịu là ai khác.
 
* Tôi thấy từ trước tới nay, anh vẫn hút một loại thuốc lá có lẽ đã thịnh hành vào cái thời khốn khó cách đây 15 - 20 năm?
 
- Đúng, tôi hút thuốc này có lẽ 15 năm rồi. Loại thuốc lá này giờ chả ai hút, kể cả ông xe thồ. Nó rẻ lắm, một bao 3.000 đồng, có khi bằng một điếu. Nhưng có sao đâu, vì tôi thích thế.
 
* Thói quen sinh hoạt của anh cũng khá giản dị?
 
- Có người nói tôi 15 năm cơm hộp, giờ tôi vẫn ăn cơm hộp, có sao đâu? Nếu đặt tôi trong một nhà hàng sang trọng mà có một người phục vụ đứng đằng sau choàng khăn ăn... tôi rất dị ứng. Tôi thích ngồi đầu hè, ăn cà bung, rau muống luộc, hay thịt luộc chấm mắm tép, cà pháo. Đấy là món khoái khẩu, chứ tôi không thích dao, dĩa, uống thứ nọ kia. Tôi thấy đó chỉ là những thứ lãng phí. Có người bảo tôi không biết hưởng thụ. Họ nhầm. Tôi là người hưởng thụ rất nhiều. Hàng ngày tôi nhận được nhiều kịch bản mà người ta thuê tôi biên tập, tức là tôi được đi qua đời sống của rất nhiều người. Đấy là một hứng thú. Cái hưởng thụ này không phải ai có tiền cũng làm được. Đó là cách hưởng thụ cao quý. Đặc biệt, tôi rất trung thành với những thứ tôi đã dùng, chẳng hạn tôi luôn ăn phở tại một cửa hàng, tôi luôn thức dậy vào một giờ... Mọi việc có thể là do thói quen, sở thích của mình. Nhưng mình tôn trọng sở thích của mình, đó cũng chính là hưởng thụ rồi.
 
Thu Hằng (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm