Đêm tôn vinh 'Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu': Không chỉ là tự hào!

23/12/2016 20:24 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Buổi lễ chào mừng đầu tiên trước sự kiện Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại Thực Hành Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Của Người Việt  đã được diễn ra tối 22/12 tại Rạp Công nhân, 42 Tràng Tiền, Hà Nội. Chương trình được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam và Công ty Nhà hát Việt.

Lễ đón mừng có sự tham gia của ông Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao, đặc phái viên của Thủ Tướng Chính phủ về các vấn đề UNESCO, Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam, Đạo diễn Việt Tú – Giám đốc sáng tạo của Viet Theatre và vở diễn Tứ Phủ.

Tại buổi lễ, ông Phạm Sanh Châu cho biết, Di sản Văn hoá Phi vật thể đại diện của nhân loại Thực Hành Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ Của Người Việt  được UNESCO công nhận sẽ không chỉ là niềm vinh dự tự hào của đất nước, con người Việt Nam mà còn là của cả thế giới vì sự đóng góp làm đa dạng bản sắc văn hóa của UNESCO cũng như thế giới.


Ông Phạm Sanh Châu - Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao

"Điều vinh dự tự hào lớn lao là khát vọng tâm linh của người Việt Nam đã được ghi nhận và được biết đến trên toàn thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên, UNESCO vinh danh Người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh của Thánh Mẫu. Nhưng cũng qua đợt vinh danh này, chúng ta không ngạo mạn mà cần phải biết giữ gìn, bảo tồn đúng quy định. Đặc biệt là không được thương mại hóa đức tin, làm trái với tín ngưỡng thờ mẫu" - ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.

Trong khi đó, “pho từ điển sống” về Đạo Mẫu, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, GS.Ngô Đức Thịnh cũng bày tỏ niềm hạnh phúc trước sự kiện trọng đại của văn hóa Việt Nam.


GS. Ngô Đức Thịnh

"Không giống như Ca trù, Tín ngưỡng Thờ mẫu ngay từ khi rục rịch làm hồ sơ đệ trình UNESCO, chưa cần tới cơ quan chức năng phát động thì nó đã bùng phát, nhân rộng tới toàn thể nhân dân. Điều đó cho thấy sức sống của nó và nhu cầu tâm linh của con người là có thật" - ông bày tỏ.

Bên cạnh lễ vinh danh các nghệ nhân dân gian, chương trình còn trình diễn Cô Bé Thượng Ngàn - trích từ vở diễn Tứ Phủ của tập thể nhạc công, nghệ sĩ của Nhà Hát Chèo Việt Nam - những người đã góp một phần không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy những vẻ đẹp, sự trong sáng thuần khiết nhất của Thực hành nghi lễ Thờ Mẫu Tam Phủ của Người Việt trên sân khấu nghệ thuật.

Cùng với phần trình diễn này là các tiết mục trình diễn hầu đồng đặc sắc của các nghệ nhân dân gian như nghệ nhân dân gian Đặng Ngọc Anh, Nguyễn Kim Loan, Đỗ Thị Vui, Nguyễn Đại Dương, Trần Thị Chung, Nguyễn Văn Mười, Dương Thị Phương Đông.

Một số hình ảnh tại buổi lễ:


Phần trình diễn Cô Bé Thượng Ngàn


Khán giả hưởng hứng cùng thanh đồng


Đạo diễn Việt Tú - giám đốc chương trình Tứ Phủ cho biết Đạo Mẫu là một tín ngưỡng vô cùng quan trọng và đặc biệt với văn hoá và lịch sử Việt Nam. Đạo Mẫu thực sự là một tổng thể lộng lẫy tinh tế không bất kỳ đâu có được xứng đáng đại diện cho văn hoá dân tộc trong mọi hoạt động quảng bá sắp tới cho văn hoá Việt Nam trên toàn thế giới.


Tôn vinh các nghệ nhân dân gian

Yến Thảo


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm