Di tích Hải Vân Quan: 20 năm cho sự đồng thuận

27/04/2017 10:43 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 24/4 vừa qua, ngành văn hóa của hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế đã có một cuộc gặp gỡ đặc biệt nhất trong lịch sử tại Hải Vân Quan để cùng lên phương án bảo tồn di tích này.

Mười ngày trước đó, Hải Vân Quan vừa được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di tích Lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, sau hàng chục năm hoang phế.

Cuộc gặp gỡ "lịch sử"

Ít người biết, năm 1997, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận di tích cho Hải Vân Quan nhưng chưa được xem xét.

Để rồi, sau rất nhiều nỗ lực, hồ sơ này đã chuẩn bị lại vào cuối năm 2016, với sự góp sức của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Sự chung sức ấy là một câu chuyện đặc biệt - khi họ tuy là láng giềng nhưng lại có quá nhiều sự khác biệt, từ phong thổ đến giọng nói, tập quán.

Và, cái ranh giới thuộc cả hai địa phương ấy, Hải Vân Quan, cũng từng là một vấn đề "tế nhị" trong mối quan hệ của hai bên. "Hải Vân Quan là điểm chung và quả thật đôi khi tạo ra sự xích mích, thiếu thống nhất cao trong lịch sử của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng" – ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng, thẳng thắn cho biết. "Nhưng, cũng vì điểm chung, cả hai bên lại có thể cùng ngồi lại với nhau và cùng nỗ lực hướng tới cái đích là danh hiệu cấp Quốc gia".


Hải Vân Quan hiện tại đã xuống cấp khá nặng.

Theo lời ông Hùng, hai địa phương Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng cũng đã có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, tuy nhiên di tích Hải Vân Quan là địa điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với cả hai bên. Do vậy, khi nhận danh hiệu, cán bộ  ngành văn hóa hai  địa phương đều vô cùng phấn khởi.

"Lãnh đạo Bộ VH,TT&DL cũng như Cục Di sản văn hoá cũng đều cho rằng sự phối hợp này là một cách làm rất tốt và tạo ra tiền đề để những địa phương đang sở hữu chung di sản trên cả nước học tập theo" – ông nói thêm. "Bây giờ, sau khi nhận danh hiệu, chúng tôi lại có cuộc gặp đặc biệt để bàn cách cùng quản lý và phát huy giá trị của di tích".

Hải Vân Quan sẽ ra sao?

Do quá trình bỏ hoang đã diễn ra hàng chục năm, Hải Vân Quan hiện đang rơi vào cảnh hoang phế và có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Tình trạng du khách leo trèo lên di tích chụp hình, ăn uống và xả rác diễn ra thường xuyên, khiến một số lô cốt gãy đổ và sạt lở.

 

Hải Vân Quan được công nhận Di tích cấp quốc gia

Hải Vân Quan được công nhận Di tích cấp quốc gia

Chiều 17/4, ông Huỳnh Hùng, GĐ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết, Sở đang chuẩn bị cho cuộc họp cùng với Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên - Huế để bàn về cách thức bảo tồn và quản lý Di tích Hải Vân Quan

Đặc biệt, một số công trình xây dựng mới được triển khai trong phạm vi di tích đã khiến Hải Vân Quan phần nào biến dạng. Lối đi bộ lên di tích này cũng bị xói mòn, không có thành bảo vệ, cỏ dại chen lấp đường đi.

Trong cuộc trao đổi ngày 24/4, trên cơ sở khảo sát cùng một số đơn vị có chức năng liên quan, ngành văn hóa của Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đã thống nhất: trước mắt đề xuất cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học; dựng biển giới thiệu về di tích và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích.

Theo ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế, cơ quan này sẽ khẩn trương xin ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu để di dời, loại bỏ các bộ phận hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố gốc của Hải Vân Quan như: chòi gác trên cổng di tích, các lô cốt cũ, một số nền móng công trình xây dựng dân sinh còn để lại. Trước mắt, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế sẽ chi khoảng 500 triệu đồng để thực hiện trùng tu một số hạng mục khẩn cấp nhằm bảo vệ di tích Hải Vân Quan.

 

Nằm trên đỉnh đèo Hải Vân, ở độ cao gần 500 mét so với mực nước biển, Hải Vân Quan là kiến trúc quân sự có tính chất như một cửa ải quan trọng trấn giữ đường thiên lý Bắc Nam. Tương truyền kiến trúc này có từ thời Lê và được trùng tu lớn vào năm 1826, thời vua Minh Mạng nhà Nguyễn.

Ngoài ra, ngành quản lý hai địa phương cũng sẽ sớm triển khai công tác nghiên cứu thăm dò và khai quật khảo cổ tất cả các hạng mục công trình, xác định nền móng, kiến trúc, mẫu thức trang trí… để tạo cơ sở khoa học và đảm bảo tính chân xác trong việc tu bổ, tôn tạo các yếu tố gốc.

Ở góc độ khai thác du lịch, theo ông Huỳnh Văn Hùng, hai địa phương sẽ sớm tiến hành xây dựng bộ quy chế quản lý, thiết kế hệ thống thuyết minh, tổ chức các điểm dừng chân cho du khách qua đèo Hải Vân có cơ hội nghỉ ngơi và chụp hình lưu niệm. Trong tương lai, khi trở thành điểm du lịch có sức hút, ngành quản sẽ tính đến chuyện bán vé tham quan. Tuy nhiên, tiền bán vé sẽ được sử dụng cho công tác quản lý, bảo vệ và trùng tu di tích.

"Việc khai thác phục vụ du lịch là tốt, nhưng chúng ta cần tuyệt đối tôn trọng luật di sản"- ông Hùng nói. "Đây là một di tích văn hóa lâu đời, nên những giá trị lịch sử, kiến trúc của Hải Vân Quan cần được bảo tồn theo hướng tối ưu nhất, thay vì chỉ chạy theo kinh doanh".

Thực tế, theo ước tính, hiện Hải Vân Quan thu hút khoảng 20-30 vạn du khách đến tham quan hàng năm, trong đó du khách nước ngoài chiếm 30-35%.

Hoàng Yến
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm