10/05/2017 08:19 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Phim Đảo của dân ngụ cư vừa chiến thắng 3 giải quan trọng tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN (AIFFA 2017), trong đó có Phim xuất sắc nhất. Hơn 10 năm trước, Hồng Ánh được chọn vào vai nữ chính cho phim này, nhưng rồi dự án ấy phải dừng lại vì nhiều lý do khách quan, để bây giờ chị trở thành đạo diễn của chính nó.
Diễn viên - đạo diễn Hồng Ánh trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về tác phẩm đầu tay trong vai trò đạo diễn của mình.
* Trong quá trình làm Đảo của dân ngụ cư, những khó khăn của chị là gì?
- Vì kịch bản viết đã lâu, nên khi đi chọn cảnh, thực tế có chút thay đổi buộc tôi phải có sự điều chỉnh, phải tính toán làm sao cho phù hợp với kinh phí sản xuất. Mất một năm chuẩn bị kể từ khi đã có nguồn kinh phí, tôi mới dám triển khai. Khó khăn trên trường quay chủ yếu liên quan đến thời tiết khắc nghiệt vì thời điểm quay là tháng 6, mùa nắng nóng ở Hội An và áp lực tiến độ, vì đoàn phim có hơn 60 người, đi quay xa, lại ở ngay địa điểm du lịch nên mọi sinh hoạt đều đắt đỏ, thêm mỗi ngày quay là thêm chi phí và tâm lực phải bỏ ra.
* Một kịch bản đã quá hay, lại dựa trên truyện ngắn rất nổi tiếng, khi làm phim từ hai yếu tố này sẽ là con dao hai lưỡi…
- Tôi chấp nhận mạo hiểm, nhưng thận trọng. Bởi tôi biết rõ nếu phim không được khán giả đón nhận, họ sẽ quay ngược lại tìm về với tác phẩm gốc, hoặc kịch bản để tiếp tục đưa ra những đánh giá, so sánh. Tuy nhiên, mở rộng giới hạn của chính mình cũng là điều mà tôi nhắm tới. Ngoài ra, với Đảo của dân ngụ cư, tôi muốn tìm một câu chuyện khiến cho mình trăn trở, đánh động những cảm xúc của việc làm nghề. Được làm việc với một kịch bản hay thật là thú vị…
* Và các vai chính lại toàn diễn viên trẻ, chị có cảm thấy như vậy là phiêu lưu?
- Khi tôi muốn tìm những diễn viên trẻ, thật may mắn, Phạm Hồng Phước và Ngọc Thanh Tâm đã đáp ứng được những yêu cầu. Khi Phước đến thử vai, tôi không biết Phước là ca sĩ nổi tiếng, vì thế hệ của tôi không biết gì nhiều về nhạc của Phước. Phước được chọn vì có ngoại hình phù hợp với nhân vật, ở Phước toát lên sự chân thật, hồn nhiên, trong sáng trong tính cách. Tâm cũng vậy, cô ấy đáp ứng yêu cầu, tôi cần một người nữ có làn da trắng, tóc dài, vừa có nét già dặn vừa có nét trẻ thơ.
Nhưng trên hết, hai bạn cho tôi nhìn thấy tham vọng lẫn khát vọng chinh phục bản thân, vì thế các bạn đã cùng tôi vì phim mà nỗ lực rất nhiều. Những diễn viên mới luôn đòi hỏi mình phải làm việc nhiều hơn, nhưng tôi thích nhìn thấy sự thay đổi của một người trong quá trình quay phim.
Đạo diễn khi chọn diễn viên thường có một nhạy cảm nghề nghiệp, có thể người được chọn không quá xuất sắc nhưng đạo diễn phải nhìn được tố chất của họ để giúp họ tỏa sáng. Và Phạm Hồng Phước đã tỏa sáng với giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại AIFFA 2017 vừa qua. Ngay cả Tâm cũng đã giành một đề cử là Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại AIFFA 2017. Đó chẳng phải là sự thừa nhận từ bên ngoài về nghề và lực của họ hay sao?
* Đành rằng phim thì làm trực tiếp từ kịch bản, nhưng nếu nhìn rộng hơn, thì điều gì là không thể lột tả từ truyện ngắn của nhà văn Đỗ Phước Tiến?
- Đó là những áng văn tuyệt vời của anh Đỗ Phước Tiến, những hình ảnh đầy ẩn dụ, gói gọn lại trong từng câu chữ, gợi cảm giác nhiều hơn hình ảnh. Ngoài ra, tôi cũng muốn mình không làm công việc sao chép và minh họa bằng hình cho truyện ngắn ấy. Từ một tác phẩm văn học đến kịch bản điện ảnh đã là một bước chuyển, rồi từ kịch bản điện ảnh tới phiên bản điện ảnh lại là một tầng sáng tạo khác nữa.
Độc giả đến với truyện bằng những xúc cảm từ câu chữ, nơi trí tưởng tượng được tự do bay bổng. Khán giả khi đến với phim, sẽ là những cảm xúc với hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, với nhân vật và những thứ đã được “hình ảnh hóa” một cách cụ thể hơn. Khán giả có quyền nghi ngờ về việc hình ảnh hóa này, nhưng xin hãy chọn cho mình tâm thế đi xem một bộ phim như là một tác phẩm sáng tạo độc lập, là đi tìm cảm xúc, chứ đừng vì tâm thế so sánh. Bởi vì văn là văn, phim là phim, mỗi thể loại có ngôn ngữ và cách kể chuyện khác nhau.
* Chị có lo phim này sẽ kén chọn, thách thức khán giả trong nước không?
- Tôi cũng thường không đồng ý với quan điểm rằng phim nghệ thuật thì phải khó xem, vì vậy, tôi không lo Đảo của dân ngụ cư sẽ thách thức khán giả trong nước. Bởi mặt bằng và phông văn hóa của công chúng hiện nay đã thật sự khác. Hãy cứ đi xem, để mở rộng biên độ thưởng thức nghệ thuật của mình. Lo thì không làm, mà làm thì không lo.
Truyện ngắn Đảo của dân ngụ cư của Đỗ Phước Tiến công bố lần đầu tháng 10/1992 trên tạp chí Văn học và dư luận, sau đó in lại nhiều nơi, được dịch sang nhiều thứ tiếng. Kịch bản được Nguyễn Quang Lập chuyển thể từ hơn 20 năm trước. |
Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất