20/03/2013 09:44 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Tại Hội chợ sách thường niên của Pháp diễn ra từ ngày 22-25/3 ở Paris, tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” của NXB Riveneuve, với ba gương mặt là Thuận, Nguyễn Việt Hà và Đỗ Khiêm, sẽ lần đầu được giới thiệu tới độc giả Pháp. TT&VH trò chuyện với TS văn chương Đoàn Cầm Thi (Học viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông Paris), đồng thời cũng là nhà phê bình, dịch giả, chuyên gia văn học Pháp - Việt về tủ sách này.
Ngày 18/3 vừa qua, tại Pháp, Trung tâm Sách quốc gia, nơi được xem là “đền đài của văn chương”, đã tổ chức một “sự kiện đặc biệt” mang tên “Việt Nam: Một thế hệ văn chương mới”. Cũng trong chiều 19/3, Học viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh phương Tây tổ chức cuộc “Gặp gỡ ba nhà văn Việt Nam đến từ Hà Nội, Cali và Paris”. Tối ngày 19/3, ba nhà văn gặp gỡ độc giả tại nhà sách Le Phénix.
TS Văn chương Đoàn Cầm Thi
* Được biết tủ sách “Văn học Việt Nam đương đại” của NXB Riveneuve (Paris) bắt nguồn từ ý tưởng của chị. Khi đề xuất ý tưởng này với NXB, chị gặp khó khăn gì không?
- Khó khăn thì kể không hết, nhưng có lẽ hai vấn đề nan giải nhất nằm ở phần chuyên môn (làm sao tạo được một nhóm nghiên cứu và dịch giả có tay nghề cao?) và thương mại (làm sao để bán được sách?).
Về chuyên môn, nghe tưởng thì đơn giản, nhưng thực tế không dễ tí nào. Nước Pháp, với một cộng đồng Việt có lẽ lớn nhất châu Âu, vẫn tù mù về văn học Việt. Nguyên cơ lớn nhất vẫn là do dân Việt thường làm việc “tay trái”, nhất là trong các ngành văn hóa nghệ thuật. Có người, cả đời làm về kinh tế, tự dưng quay ra bàn luận văn chương, chữ tác thành chữ tộ, các khái niệm cơ bản sai tứ tung. Ở một nước mà học thuật là một tiêu chí tối trọng như nước Pháp, các “công trình nghiên cứu” loại này đương nhiên là sẽ không bao giờ được giới chuyên môn ngó ngàng tới.
Về dịch thuật cũng vậy, nếu chúng ta có khá nhiều người thạo hai ngôn ngữ Pháp - Việt, các dịch giả vẫn lác đác như lá mùa Thu. Đơn giản, việc dịch một tác phẩm văn học, khả năng thành thạo ngôn ngữ hàng ngày vẫn chưa đủ, nó đòi hỏi một trình độ thẩm thấu văn chương cao. Thử hỏi: nếu hằng ngày hằng giờ bạn không tiếp xúc với văn chương Pháp, bạn biết lựa chọn và chuyển tải cái gì cho độc giả Pháp thưởng thức?
Tất cả những vấn đề này dẫn đến khó khăn về thương mại: Ở phương Tây nói chung và ở Pháp nói riêng, văn học Việt còn chưa “thành hình”, nói chi đến “cạnh tranh” nổi các nền văn học nước ngoài khác. Vì thế, ít NXB nào lại “điên rồ” thành lập một tủ sách cho riêng văn học Việt Nam. “In thì dễ, nhưng in xong thì bán cho ai, hở giời?”, đó là câu tôi thường xuyên nhận được khi tiếp xúc với giới xuất bản.
* Trong một bài báo khác, chị có trả lời rằng khi giới thiệu những gương mặt Việt Nam đương đại, chị hoàn toàn ý thức được cuộc phiêu lưu của mình. Vậy đây là một cuộc chơi may rủi chăng?
- Đương nhiên là phải có niềm tin vào một tác phẩm thì tôi mới bỏ công ra dịch, nhiều khi vài năm chỉ được một quyển. Nhưng một khi dịch và in rồi, số phận của cuốn sách không phụ thuộc vào tôi nữa. Như mọi cuốn sách khác, nó sẽ nhập vào guồng máy thông tin và tài chính, thậm chí có thể bị nghiền nát như chơi. Bạn thử tưởng tượng, một năm Pháp in ít nhất hai ngàn đầu sách, chỉ riêng phần tiểu thuyết. Nếu trong ba tháng, sách của bạn không bán được một số lượng nào đó, NXB chỉ còn có cách cho vào máy nghiền, nghiền thật, vì chỗ đâu mà chứa?
* Vậy mối quan hệ chị em giữa chị và nhà văn Thuận có phải là một trong những yếu tố Thuận được giới thiệu?
- Thú thật, đây là câu hỏi người ta thường đặt ra cho tôi. Thay vì trả lời, tôi hỏi lại họ: “Thế bạn đã đọc Thuận chưa? Một tài năng như vậy có cần đến tôi để được công nhận không?”. Theo tôi, giá trị của một nhà văn nằm trong chính tác phẩm của họ, những thứ còn lại nên để... Chúa phán xét.
* Trong số ba tác giả lần này, Thuận và Nguyễn Việt Hà là hai gương mặt quen thuộc nhưng Đỗ Khiêm ngoài tập Kí sự đi Tây thì nhìn chung còn hơi lạ...
- Có thể Đỗ Khiêm còn là một khuôn mặt “lạ” với báo chí Việt Nam. Nhưng với giới sáng tác trong nước cũng như hải ngoại, Đỗ Khiêm được coi là một trong những nhà văn tiên phong nhất. Anh tài hoa và cách tân, trong Pháp văn cũng như Việt văn, trong văn xuôi cũng như trong thơ, trong ký sự cũng như trong tiểu thuyết, trong tạp văn cũng như trong truyện ngắn. Đỗ Khiêm cũng là người có nhiều tác phẩm dịch và viết trực tiếp bằng tiếng Pháp.
* Chị có thể tiết lộ những gương mặt tiếp theo nào sẽ được “chọn mặt gửi vàng” không?
- Chúng tôi đang dịch Blogger của Phong Điệp, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, Paris 11 tháng 8 của Thuận, Song Song của Vũ Đình Giang, Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam. Nhiều tác phẩm khác cũng đang trong tầm ngắm của chúng tôi.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất