Đơn độc truyền bá linh vật Việt

22/08/2014 07:47 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong lúc sư tử đá ngoại đang lan tràn di tích Việt, dư luận bắt đầu loay hoay tìm những hình tượng di sản thuần Việt để thay thế. Song có một điều ít người chú ý, từ năm 2012, một nhóm chuyên gia mỹ thuật ứng dụng đã âm thầm thiết kế và truyền bá những hình tượng di sản thời Lý vào cộng đồng.

Đã 2 năm trôi qua, những thành tựu đầu tiên đã chớm nở song họ vẫn là những người độc hành.

Họ độc hành sáng tạo, truyền bá khi không được sự hưởng ứng cần thiết. Họ cũng đơn độc và bất lực nhìn xu thế chung của đám đông sính ngoại lựa chọn những hiện vật, biểu tượng mang tính ngoại lai để cung tiến, bài trí trong ngôi nhà của mình.

Tìm lại ánh vàng son

Họ là những thành viên thuộc nhóm Circle Group, nhóm mỹ thuật đồ họa được giới chuyên gia mỹ thuật, lịch sử đánh giá cao với dự án “Thông điệp ngàn năm”.

Dự án “Thông điệp ngàn năm” ra mắt ngày 02/12/2012 tại Hoàng Thành Thăng Long. Khi ấy, dự án gồm các sản phẩm điêu khắc rồng - phượng được chế tác với nhiều màu sắc như: trắng ngà, giả ngọc, mạ đồng, mạ ngọc, giả gốm... Dự án gồm 5 sản phẩm là lá đề chạm khắc hình rồng, đôi đầu rồng – đầu phượng, đôi đầu mái rồng - phượng.

“Những sản phẩm này được làm nguyên mẫu từ những hiện vật khảo cổ thời Lý khai quật tại Hoàng Thành”- nhà sử học Lê Văn Lan nói - “ Cái khó của nhóm thực hiện sáng tạo, chế tác sản phẩm biểu tượng thời Lý là họ phải tính toán rất kỹ về kích thước, thẩm mỹ. Các công đoạn tạo tác cũng phải rất tỉ mỉ, đặc biệt để từ những hiện vật mẫu có kích thước lớn vốn đã nằm sâu 3 mét trong lòng đất cả ngàn năm, nay thành những vật phẩm có thể cầm tay và hợp thị hiếu đương đại là điều không dễ dàng”.


Đầu rồng thời Lý làm bằng đồng, vật phẩm dạng quà tặng, trang trí nội thất của dự án “Thông điệp ngàn năm”

Theo ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Circle Group, những sản phẩm này là kết quả của những buổi tọa đàm tranh luận của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian về những hình tượng rồng, phượng trong sử Việt và đời sống người Việt. Kế đó là các buổi hội thảo của các học giả nhằm nhận diện hình tượng rồng thời Lý trong chính sử và các phát hiện khảo cổ.

“Do có sự đầu tư về chuyên môn, chuẩn bị kỹ về công đoạn chế tác, chúng tôi tự tin về chất lượng của vật phẩm cũng như sức sống của chúng trong đời sống cộng đồng”- ông Tùng nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Tùng, PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội chia sẻ: Dự án “Thông điệp ngàn năm” phục dựng những vốn quý ngàn đời mà chúng ta mới khai quật được cách đây chưa lâu. Trong quá trình tiếp biến, phát triển, đi lên của dân tộc suốt ngàn năm, đã có thời điểm chúng ta lơi là mà quên đi vốn di sản vốn rất huy hoàng mà gần gụi của tiền nhân.  Nên tôi rất ủng hộ dự án này, dự án tìm lại những vàng son tưởng chừng đã khuất lấp”.

Tự tin với vật phẩm văn hóa Việt

“Chúng tôi không ngại vấn đề chuyên môn, trở ngại lớn nhất của chúng tôi là sự tự ti của công chúng với vật phẩm Việt”- ông Tùng nói - “Công chúng Việt dường như lạ lẫm với những hình tượng mỹ thuật Việt cổ. Trong khi đó, những hình tượng ngoại lai lại rất đỗi quen thuộc. Thời điểm hiện tại, chúng tôi cũng chỉ phân khúc sản phẩm tới một nhóm đối tượng nhất định để thẩm thấu dần dần, chứ chưa thể truyền bá ồ ạt”.


Lá đề biểu tượng thời Lý được phục chế thành vật trang sức

Khó khăn của mà dự án “Thông điệp ngàn năm” gặp phải cũng là một trong những nguyên nhân của thảm trạng “sư tử ngoại” hiện nay. Theo đánh giá của giới chuyên môn, một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến sư tử ngoại tràn vào di tích Việt là do các nguồn xã hội hóa. Bởi kinh phí nhà nước không thể đủ để trùng tu các hạng mục nên quá trình trùng tu, tôn tạo buộc phải dùng các nguồn vốn xã hội hóa. Trong khi đó, thẩm mỹ của một bộ phận công chúng lại thích sư tử đá, đèn lồng đỏ… Điều này tất yếu dẫn đến tình trạng những hiện vật ngoại lai nghiễm nhiên trở thành một phần của di tích. Còn những di sản cha ông bị coi rẻ, dù những người tâm huyết vẫn nỗ lực phục dựng không ngừng nghỉ.

“Điều chúng tôi mong mỏi nhất lúc này là sự ủng hộ của các cơ quan chức năng. Khi được sự ủng hộ chúng tôi sẵn sàng sản xuất với giá bán hiện vật rẻ hơn cả đồ Trung Quốc (nếu họ muốn làm giả). Trong khi đó, ở phân khúc thượng lưu, tôi dám khẳng định những vật phẩm biểu tượng rồng Việt có chất lượng và giá trị tinh thần không thua kém bất cứ vật phẩm biểu tượng của quốc gia nào”- ông Trần Thanh Tùng nói.

Sau công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL được Bộ VH,TT&DL gửi tới các cấp ban ngành nhằm “khuyến cáo” về sư tử ngoại lai, vào hôm 19/8, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã gửi công văn số 352 /MTNATL về việc giới thiệu các mẫu tượng linh vật của Việt Nam. Những hành động quyết liệt của các cơ quan chức năng đã nhen lên hi vọng cho những người yêu di sản.

Cùng với việc “chống” sự “xâm lăng” của những vật phẩm văn hóa ngoại lai, thấp kém về thẩm mỹ, thì cần phải “xây”những biểu tượng văn hóa thuần Việt, kết tinh sự sáng tạo ngàn đời của cha ông.

“Tôi đánh giá cao dự án “Thông điệp ngàn năm” vì đã thúc đẩy sự lan tỏa của di sản văn hóa Việt. Mỗi người, khi cầm trên tay những sản phẩm đó, sẽ hiểu thêm về những giá trị văn hóa tiêu biểu cho nền độc lập của cha ông ngàn đời” (Phát biểu của TS Nguyễn Việt, Giám đốc trung tâm nghiên cứu tiền sử học Đông Nam Á)

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm