Đường dài bắt đầu từ phim ngắn (Bài 1)

28/07/2016 10:00 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Thật bất ngờ - MV ca nhạc có nội dung như một phim ngắn của Trúc Nhân là một trong những MV được yêu thích nhất năm 2015, hiện có hơn 24,3 triệu lượt truy cập trên mạng. Trên kênh Youtube, phim ngắn giờ đã trở thành một thứ giải trí hàng ngày của giới trẻ, dù phần lớn trong số đó chưa chắc đã xứng được gọi là phim ngắn.

Đó là thế giới hoàn toàn khác với thế giới phim ngắn những người làm điện ảnh, coi phim ngắn là sản phẩm nghệ thuật, là danh thiếp vào đời. Cộng đồng làm phim ngắn của Việt Nam đang ngày càng mở rộng, nhưng có thực sự mạnh hơn?

Năm 2014, Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF chính thức ngừng hoạt động để lại một nỗi nuối tiếc lớn. YxineFF sau 4 năm hoạt động đã trở thành một sân chơi quan trọng với những người trẻ yêu điện ảnh. Từ YxineFF, phim ngắn ở Việt Nam mới có một sân chơi thực thụ, kích thích nhiều người trẻ bắt tay làm phim. Sân chơi này đã có lúc vươn ra khu vực.

Sự ngừng hoạt động của YxineFF khiến một dạo phong trào làm phim ngắn có phần buồn tẻ, dù sau này xuất hiện thêm nhiều sân chơi, và nhiều cuộc thi bắt đầu mạnh hơn.


Phim "Mùi hương nước mắm"

Phim ngắn, danh thiếp khởi nghiệp

Một người khởi nghiệp đạo diễn, thông thường bắt đầu từ phim ngắn. Bởi nó phù hợp với sức lực, cũng như tài chính của nhà làm phim. Phim ngắn dẫu đòi hỏi ít công sức hơn phim dài, nhưng để làm được một bộ phim ngắn cho ra hồn không dễ. Nếu bộ phim đó thực sự có hồn, và lại được các LHP quốc tế chú ý, thì cơ hội sẽ tới với nhà làm phim.

Dự án phim đầu tay của Nguyễn Hoàng Điệp: Đập cánh giữa không trung lúc còn ở trên giấy đã từng gõ cửa LHP Quốc tế Hà Nội, LHP Cannes, LHP Berlin, sau này nhận được tiền hỗ trợ từ một loạt quỹ điện ảnh nước ngoài là nhờ trong hồ sơ có phim ngắn Hai, tư, sáu. Trước Hoàng Điệp là Phan Đăng Di, người đã mở đường đến một loạt các LHP quốc tế nhờ phim ngắn Khi ta 20.

Với các đạo diễn dòng phim thương mại như Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Quang Dũng, họ cũng đã mở đầu bằng phim ngắn và dùng nó để thuyết phục các nhà sản xuất tin tưởng giao tiền cho họ làm phim.

Hiện nay Việt Nam không thiếu trung tâm đào tạo điện ảnh, như: Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Đại học Hoa Sen, Trường điện ảnh quốc tế Sài Gòn, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD),Trung tâm Doclab của Viện Goethe (Đức), Trung tâm Varan (Pháp)... Đây là những lò đào tạo với những phong cách khác nhau, hàng năm đã “xuất xưởng” nhiều nhà làm phim trẻ, và cũng là những nơi khuyến khích làm phim ngắn.

Có nhiều sân chơi phim ngắn sẵn sàng chờ đón những người trẻ như: LHP Ong vàng, Lễ trao giải Búp sen vàng, Liên hoan phim Mini Docfest, Làm phim 48h, 321 Action; giải Cánh diều...

Nhưng lạ một điều, dù điều kiện làm phim ngày càng tốt hơn, nhưng phim ngắn hay không tăng lên. Số lượng phim thực sự gây chú ý, để ra được đến LHP quốc tế thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm 2015, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh (TPD) chiếu lại Cuốc xe đêm, một bộ phim sản xuất từ năm 2000 của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Bộ phim đã giành giải Ba của hạng mục Cinéfoundation, một hạng mục tranh giải chính thức tại Liên hoan phim Cannes 2000. Nhiều người ngỡ ngàng nhận ra, sau 16 năm vẫn chưa có nhà làm phim trẻ nào vượt qua được Cuốc xe đêm.

Vào thời điểm làm phim nhựa đầy kì công đó, Bùi Thạc Chuyên đã có thể kể một câu chuyện lạ lùng, giàu ngôn ngữ điện ảnh như thế. Đến giờ, bước vào thời đại máy kĩ thuật số thuận tiện hơn rất nhiều, đáng tiếc chưa có nhiều bạn trẻ vượt qua được Bùi Thạc Chuyên.


Phim "Một thành phố khác"

Phim ngắn hay, ở đâu?

Trong năm 2016, có những phim ngắn đã được tổ chức ra mắt rình rang như phim dài. Có phim mới chỉ đăng ký đi dự các LHP quốc tế thôi mà "đánh trống khua chiêng" không khác gì đoạt giải đến nơi. Nhưng thực chất số phim ngắn thực sự gây chú ý trong vài năm trở lại đây rất hiếm, và những người được các LHP quốc tế chú ý họ… kiệm lời hơn.

Đầu năm nay, khi LHP Berlin bắt đầu, người ta mới biết Một thành phố khác của Phạm Ngọc Lân được LHP này chọn vào hạng mục Phim ngắn. Dù không được giải nhưng đây vẫn là một thành tích đáng ghi nhận, vì để được một LHP uy tín như Berlin chọn dự thi chính thức thực sự là một vinh dự.

Tới tháng 6 vừa qua, Phạm Ngọc Lân đã mang phim này, cùng với Trịnh Đình Lê Minh đem phim Mùi hương nước mắm sang dự LHP ngắn quốc tế Palm Spring (Mỹ), một trong những LHP ngắn lớn trên thế giới.

Lân và Minh là hai trong số ít những nhà làm phim trẻ có phim ngắn tới các LHP quốc tế năm 2016. Mỗi năm Việt Nam cũng chỉ có một vài trường hợp, ai được LHP Cannes, LHP Berlin chọn đã là mừng, chứ đoạt giải là vô cùng hiếm hoi.

TPD là nơi có “sản lượng” và chất lượng phim ngắn đều đặn nhất, với hơn 100 phim mỗi năm. Mùa giải mùa Búp sen vàng 2015 của TPD thu hoạch được nhiều phim tốt, nhưng vẫn khá an toàn, thiếu đột phá.

Liên hoan WAFM FILM FEST 2016 dành cho phim truyện năm nay của TPD có chất lượng kém hơn, ít ý tưởng hay, và đa phần các nhà làm phim muốn làm những thứ cao siêu nhưng chưa đủ khả năng thể hiện. LHP Ong vàng 2016 cũng rơi vào tình cảnh tương tự, các bộ phim tỏ ra “nguy hiểm” nhưng thực chất không có mấy phim gây chú ý.

Mini Docfest vốn dành cho những người làm phim thể nghiệm, khuyến khích sáng tạo. Mỗi lần liên hoan khán giả có thể tìm thấy những phim rất thú vị, nhưng cũng phải xem những sản phẩm chưa thể gọi là phim. Mini Docfest chỉ ra thực tế, một khi nhà làm phim chưa thành thục với căn bản, thì khó làm phim thể nghiệm.

Năm 2014, trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Phó Giám đốc TPD đã từng nhận xét: "Phim ngắn hiện nay mới chỉ dừng ở mức phong trào, loạn cào cào. Các bạn trẻ học mót ở chỗ này một ít, chỗ kia một tí. Họ thiếu nền tảng, và quan trọng họ không nhận được sự hỗ trợ nào… Sự hỗ trợ phải đến từ Nhà nước.

Nhưng nhiều năm nay chuyện phát triển giáo dục, đào tạo của ta có được để ý đâu. Không có quỹ điện ảnh nào cả. Giá mà có những quỹ dành cho phim ngắn, mỗi lần cấp cho khoảng chục triệu thôi, cũng là động viên người làm phim trẻ lắm rồi".

Sau 2 năm, kể từ thời điểm chia sẻ của của đạo diễn Thạc Chuyên, hiện các trung tâm đào tạo đã bắt đầu ổn định, vẫn tiếp tục đào tạo và sản xuất đều, nhưng nhận định này vẫn đúng.

Dù vẫn phát triển về số lượng, nhưng phong trào phim ngắn tới thời điểm này không còn sôi sục như trước. Anh Hoàng Phương cán bộ trung tâm TPD nhận định: “phong trào làm phim ngắn đã bắt đầu bão hòa”.

Cùng với sự phát triển về phương tiện kĩ thuật, nền tảng internet, việc làm phim đã dễ dàng hơn trước nên phim ngắn đang phát triển trở thành một sản phẩm thương mại. Thời điểm này, ai cũng có thể làm phim, ai cũng có thể đưa sản phẩm lên mạng gắn mác phim ngắn.

Tuy nhiên, với nhà làm phim tài liệu Nguyễn Thị Thắm đây là điều vừa mừng vừa lo, vì một mặt cơ hội mở ra cho tất cả mọi người, nhưng mặt khác chị lo vì thấy phim dễ sản xuất hơn, các nhà làm phim sẽ không còn chịu khó tìm tòi.

Điểm tên phim ngắn vươn ra quốc tế

Điểm mặt trong vòng 3 năm trở lại đây, chỉ có vài phim đi LHP quốc tế: 16:30 của Trần Dũng Thanh Huy từng được chọn vào Góc phim ngắn của LHP Cannes 2013; Tôi ba mươi của Hoàng Trần Minh Đức tranh giải Góc phim ngắn tại LHP Cannes 2014; Có ai đó đang đi vào rừng của Trương Minh Quý tranh giải tại LHP Busan 2014; Đóng vào, mở ra của Đỗ Quốc Trung đoạt giải Phim hay nhất tại LHP ngắn quốc tế REC Berlin, Đức 2014; phim Mùi hương nước mắm của Trịnh Đình Lê Minh tham gia LHP Bucheon 2015 (Hàn Quốc)…


Phim "16:30" của Trần Dũng Thanh Huy tới Góc Phim Ngắn (Short Film Corner) của LHP Cannes 2013

Trong số này, có Trần Dũng Thanh Huy là người sớm thực hiện phim dài. Hiện anh đang làm phim dài Thằng Ròm, phát triển từ phim ngắn 16:30. Huy vẫn tiếp tục làm phim kiểu tiết kiệm, huy động sự giúp đỡ của những người bạn.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm