Game show nội - trứng đang chọi đá

17/06/2013 09:45 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - Chỉ trong vài năm trở lại đây, các chương trình thi thố trên truyền hình theo format ngoại đã đánh bật gần hết những chương trình format nội. Vậy là thay vì vắt óc nghĩ ra thứ gì thu hút khán giả, các công ty sản xuất chương trình truyền hình chỉ cần bỏ tiền ra mua, dù có là “tiền tấn”.

Lý do thì chẳng cần bàn cãi, nhưng những câu chuyện đằng sau đó thì đáng để quan tâm.

Hàng bán tận nơi

The Voice mùa thứ hai đang là tâm điểm của mọi sự chú ý với khán giả thích xem truyền hình thực tế và mê ca hát, dù mùa thứ nhất nó vướng phải scandal. Sự “thay máu” với dàn huấn luyện viên khiến nó được thu hút ngay từ tập đầu tiên phát sóng. Khán giả hào hứng chờ xem những nghệ sĩ “đàn anh, đàn chị” của showbiz như Mỹ Linh, Hồng Nhung, Quốc Trung đấu khẩu, giành giật thí sinh trên truyền hình sẽ ra sao.

Và qua 3 tập đầu tiên của vòng Giấu mặt, câu chuyện của họ có người thích kẻ không, thí sinh tham gia có người hay kẻ dở… nhưng rating của chương trình này đã tăng gần gấp đôi so với cùng thời kỳ phát sóng này của mùa trước, lượng quảng cáo đổ vào mỗi đêm phát sóng cũng nhiều đến mức công ty sản xuất và đài truyền hình buộc phải gạt bớt để tránh gây khó chịu cho người xem…

The Voice trước khi vào tay Cát Tiên Sa đã được chào bán ở Việt Nam với ít nhất là 3 nhà sản xuất. Những format khác như The Winner Is... - Tôi là người chiến thắng, hay Những gương mặt thân quen… cũng được chào bán theo kiểu như vậy với đủ các loại giá, tùy thuộc vào mức độ thân quen của người bán và người mua - các công ty Việt, và tùy thuộc vào khả năng… “mặc cả” của người mua.


The Voice được rất nhiều nước mua bản quyền thực hiện

The Voice, The Winner Is...được sản xuất bởi Talpa, một trong những công ty sản xuất chương trình có tiếng tăm nhất hiện nay tại Hà Lan và được rất nhiều kênh truyền hình từ lớn đến bé ở khắp nơi trên thế giới nghiên cứu kỹ lưỡng. Chương trình nổi nhất của họ chính là The Voice, suốt 3 năm qua nó luôn mang lại kỷ lục rating cao nhất ở mỗi quốc gia mà nó có mặt. Chính The Voice đã đưa tên tuổi Talpa vào Top 5 nhà cung cấp chương trình thực tế lớn nhất thế giới.

Khi The Voice Of Holland (TVOH) lần đầu tiên phát sóng tại Hà Lan vào năm 2010, nó nhanh chóng tạo cú hit cho truyền hình nước này với trung bình khoảng 2,7 triệu khán giả theo dõi mỗi tập. TVOH hiện trở thành show truyền hình số 1 tại Hà Lan và hơn thế nữa, format của chương trình đang được nhân rộng với tốc độ chóng mặt khi đã có 27 quốc gia thực hiện phiên bản này trong năm 2011 - 2012. Mới đây Tây Ban Nha đã mua format chương trình này và nhanh chóng chiếm kỷ lục rating. Riêng tại Mỹ, sau khi TVOH bắt đầu phát sóng hơn hai tháng, Hãng NBC đã quyết định “nhập khẩu” chương trình này với cái tên The Voice. Bây giờ, công việc hàng ngày của John de Mol, người sở hữu Talpa, là ngồi xem các hợp đồng được gửi đến. Chính ông vài năm trước đã phải đích thân đem các mẫu truyền hình dự kiến sản xuất đi chào mời các đài truyền hình địa phương ở Hà Lan.

Giám đốc điều hành Talpa nói: “Thật sự khi nghĩ ra những chương trình kiểu này thì chúng tôi chỉ nghĩ sẽ phát ở Hà Lan, bởi ở Hà Lan số lượng kênh truyền hình rất nhiều mà chương trình thì không đủ đáp ứng nhu cầu của người xem. Nhưng rồi thực tế ấy cũng thấy ở bất kỳ đâu, bất cứ đài truyền hình nào cũng muốn có những chương trình thực tế để lấp đầy thời lượng phát sóng và quan trọng hơn, họ không có nhiều ý tưởng để sản xuất”.

Còn Christoph Lindner, giáo sư về truyền thông và văn hóa tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) sau khi nghiên cứu rất kỹ về các chương trình truyền hình thực tế tại Hà Lan thì nói rằng hầu hết chương trình nổi tiếng đều được sản xuất với kinh phí rất thấp nhưng bán ra với giá rất cao, nhưng người ta vẫn mua bởi lợi nhuận thu về từ quảng cáo và rating truyền hình. Đó chính là lý do vì sao bây giờ người ta thích mua hơn là tự sản xuất chương trình.

Chẳng ví dụ đâu xa, nhà sản xuất một chương trình quy mô vừa phải là Những gương mặt thân quen, ngay sau mùa phát sóng đầu tiên đã bội thu với số tiền vượt quá sự tính toán an toàn của họ. Chương trình này vừa được sản xuất mùa đầu tiên ở Tây Ban Nha sau khi xuất xưởng từ Hà Lan thì đã được đơn vị từng bán game Đấu trường 100 vào Việt Nam chào mời nhà sản xuất Sóng Vàng. Thận trọng, dè dặt và đảm bảo an toàn bằng mọi giá, Sóng Vàng đã mời danh hài cát-sê khủng Hoài Linh cùng với Mỹ Linh, nữ ca sĩ không scandal và từng nói không với nhiều chương trình truyền hình thực tế, vào ghế giám khảo. Họ đã biến giờ phát sóng vốn cũng là “vàng” nhưng lại được kinh doanh èo uột, lay lắt trước đây thành “vàng” thật, với số tiền quảng cáo đổ vào cao nhanh chóng mặt qua từng tập thi. Nghe nói, đêm chung kết, số tiền ấy đã là… 6 tỷ!


The Winner Is... mùa đầu tiên đang hấp dẫn khán giả Việt Nam

Lên ngôi ở khắp nơi

Trong thế giới truyền hình thực tế, tính từ năm 1983 đến nay (năm mà nước Mỹ bắt đầu sôi nổi với những games show, chương trình thực tế hấp dẫn), thị trường này không những bão hòa mà ngày càng nhảy vọt về số lượng chương trình và người xem.

30 năm trước, ở Mỹ, những chương trình truyền hình thực tế chỉ phát từ 8h tối đến nửa đêm, còn bây giờ thì 24/24. “Nhưng thực tế này cũng chẳng nói lên điều gì, bạn phải giành được quyền mở kênh của người xem trong buổi tối thì đó mới thật sự là thành công” - giáo sư Christoph Lindner cho biết.

Ở Việt Nam giờ phát sóng cho các show kiểu này cũng ngày càng tăng lên. Hiện giờ, mỗi tối cuối tuần lần lượt có 2 show hot trên các kênh đắt khách nhất là VTV3 và HTV7, khán giả sẽ phải ngồi trước ít nhất là 2 lựa chọn. Tối thứ Sáu cũng đang dần hình thành những giờ của show truyền hình. Các “ông kẹ” sản xuất chương trình bắt đầu lăm le chiếm thêm sóng những ngày cận cuối tuần. Một mâm cỗ ê hề đủ món, từ thi hát, thi nhảy đến thi nấu ăn, chỉ cần bấm remote một vòng là khán giả đã có thể thưởng thức đủ món, trải qua đủ cung bậc cảm xúc. Các ngôi sao lớn nhỏ đua nhau lên truyền hình, ngồi đủ từ ghế nóng đến ghế thí sinh. Cả người từng bỉ bai những cuộc thi như thế cũng đã không thể thoát khỏi “cám dỗ”.

Master- Vua đầu bếp cũng đang thu hút sự chú ý với hình thức thi tài nấu ăn có giám khảo bình luận

Tại sao Việt Nam phải ngoại lệ?

Những sự thật trên đã cho thấy, việc thắng thế của format ngoại là tất yếu. Đến giờ, điểm lại những chương trình có format nội đã thấy rất khó. Cũ kỹ lâu năm là Sao Mai - Điểm hẹn, ra đời từ 2004 và đã từng thu hút cao độ sự chú ý của khán giả ở thời show truyền hình thực tế mới manh nha xuất hiện. Đến giờ, dù đã cố gắng thay đổi cách thức nhưng cuộc thi này vẫn lép vế với đủ các format ngoại có chung đối tượng khán giả.

Từ năm ngoái, Sao Mai - Điểm hẹn đã phải chuyển sang kênh truyền hình rating thấp hơn, VTV6, thay vì ngự ở kênh VTV3. Rất khó cho những người làm ra nó trong việc giữ vị trí của cuộc thi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với những format khủng, mới và hấp dẫn. Một cuộc thi hát trên truyền hình dành cho thiếu nhi từng giữ vị trí độc tôn từ năm 2007 đến năm nay cũng đang lung lay vị trí vì The Voice Kid dù độ tuổi của thí sinh 2 cuộc này khác nhau, một bên là nhi đồng, một bên là thiếu niên.

Ở lĩnh vực thi thố cho người mẫu, nếu như sau 5-6 năm ra mắt, Siêu mẫu vẫn được những người sản xuất ra nó tự hào vì là cuộc thi duy nhất dành cho giới chân dài, đưa ra làng thời trang những gương mặt mới thì vài mùa trở lại đây, Siêu mẫu đã phải cạnh tranh với Vietnam’s Next Top Model. Không còn cách nào khác, Siêu mẫu cũng phải biến thành một chương trình truyền hình thực tế với những phần thi nhiều thử thách hơn dưới hình thức các tập phát sóng trong một khoảng thời gian trước khi đến chung kết xếp hạng.

Sự cạnh tranh với một format nước ngoài đình đám đến vậy rõ ràng đã đưa Siêu mẫu vào thế trứng chọi đá mà ai cũng nhìn thấy. Và đơn vị tham gia sản xuất chương trình này, cũng chính là người đi đầu trong phong trào đi mua format quốc tế - Cát Tiên Sa, đã phải tính đường thoát cho Siêu mẫu. Từ mùa tới, Siêu mẫu sẽ chỉ có cái vỏ là Siêu mẫu, còn ruột thì là… Elite Model Look, cuộc thi tuyển chọn người mẫu có tiếng trên thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1983, nơi người làng thời trang tìm thấy Cindy Crawford, Stephanie Seymour, Gisele Bundchen, Julia Saner hay Constance Jablonski…

Cuối tháng 6 này, YanTV sẽ phát sóng tập đầu tiên của chương trình Tôi dám hát, cũng là một cuộc thi dành cho nghệ sĩ theo kiểu “vui là chính”. Xuất hiện ở chương trình này, thí sinh - nghệ sĩ phải hát dù có xảy ra tình huống nào. Đang hát thì phải đi tắm, đang hát thì bị vứt gián vào người… nếu vẫn hát được bình thường không bị ảnh hưởng, gián đoạn thì sẽ thắng. Format do chính kênh truyền hình này sản xuất, nhưng là với sự tư vấn của các chuyên gia truyền hình đến từ Đài ABS-CBN (Philippines), nơi đang sản xuất các chương trình như Laugh Out Loud, Pinoy Big Brother, I Dare You…

Làm sao để giữ lửa?

Jason Carbone, một nhà sản xuất truyền hình thực tế kỳ cựu nói thẳng rằng có những chương trình tồn tại hơn một thập niên (kiểu The Bachelor, American Idol hay The Biggest Loser), nhưng đó là số ít, còn số đông vẫn phải luôn thay đổi để hấp dẫn khán giả. Mà điều này các ông lớn truyền hình không ham muốn tí nào, một khi họ nhúng tay vào sản xuấtlà muốn nó có một lộ trình dài. Nhưng như vậy thì rất tốn kém và quan trọng hơn là hệ thống truyền hình cáp đang bị bão hòa, sản xuất mà không ăn thì hụt chân. Tốt nhất là đi đặt hàng hoặc mua ở đâu đó.

Trước những format mới, các chương trình cũ nhanh chóng lép vế. Vietnam Idol là một ví dụ. Cuộc thi này từng đẩy Sao Mai - Điểm hẹn vào “lãnh cung” khi cùng phát sóng trong một thời điểm, nhưng mùa vừa rồi cũng gặp khó khi phải cạnh tranh rating với những chương trình thi hát nóng hổi được nhập ngoại.

Nếu như các nhà sản xuất chương trình của Mỹ đã không thể phủ nhận rằng: “Thời buổi bây giờ đừng nghĩ mặt xinh, mặc đẹp là ăn chương trình, bạn xấu cũng được, dị dạng cũng “ok” nhưng phải có cá tính nổi trội. Bạn càng lạ thì sẽ giúp chương trình càng ăn khách”, thì chúng ta cũng không thể ngoại lệ. Điều này dễ dàng thấy ở chính Vietnam Idol mùa vừa qua. Việc một thí sinh giọng hát được mô tả là “như mèo kêu” đã vào được đến Top 4 chỉ vì là người chuyển giới đã chứng mình điều này. Tài năng không phải là tất cả. Và luận điểm này còn sáng rõ hơn khi vị trí quán quân của cuộc thi thuộc về anh chàng mà cái gì cũng “ổn” cho việc thu hút sự chú ý (từ ngoại hình, xuất thân, hoàn cảnh…), chỉ trừ… giọng hát.

Ở Mỹ và Anh, người ta đã mở trường dạy cho những thí sinh chuẩn bị đi thi truyền hình thực tế, một điều ít ai nghĩ tới trong vòng 1 thập niên trở lại đây. Học viên đến đây để đi thi đủ loại cuộc, người đi thi Survivor, người tham dự Big Brother, người trổ tài Idol… Tất cả mọi kỹ năng, bí kíp, kinh nghiệm sẽ được truyền đạt đầy đủ từ những người có uy tín và cả những người từng đi thi mà bị rớt. Số lượng học viên theo học đông khủng khiếp. Vì tiền thưởng, vì cơ hội đổi đời sau mỗi lần tham dự…

Ở Việt Nam, trường học như vậy chưa có nhưng những “nhà chiến lược” thì đã xuất hiện. Họ có thể là nhạc sĩ, là nhà sản xuất, hoặc nhà báo chuyên viết về văn hóa nghệ thuật. Họ vạch đường chỉ lối cho “gà” của mình đến từng cuộc thi, tư vấn chọn bài hát, chọn phong cách thể hiện, chọn chiến lược cho từng vòng và kiêm luôn việc “làm truyền thông” trong suốt thời gian “gà” đi thi.

Chơi xấu để tranh rating

Mới đây, báo chí Anh quốc ra rả chuyện chơi xấu lẫn nhau giữa X-FactorThe Voice. Thiên hạ chưa biết kết quả ra sao nhưng lượng rating cho cả hai lại vẫn tăng đều đều.

Giáo sư ở vùng đất sản sinh format truyền hình Christoph Lindner: “Việc chơi xấu, nói xấu, gài bẫy trên báo cũng là chuyện thường thấy trong thế giới truyền hình thực tế, bởi ai cũng muốn tăng view cho chương trình của mình, nhưng đó là chuyện nhỏ, có một thực tế bây giờ là cứ càng bẩn bẩn, lại càng ăn khách”.

Ý kiến này cũng khá trùng hợp với bài phân tích của hãng AP khi nhà báo Cristina Silva nhận định rằng: “Cứ càng xấu thì lại càng tốt: Tính ti tiện là cách đơn giản nhất để trở nên nổi tiếng trên các chương trình truyền hình thực tế”. Tất nhiên, đó không phải cách đối xử kiểu đầu đường xó chợ nhưng người xem chứng kiến không thiếu những giọt nước mắt của các thí sinh tham dự khi gặp phải một ông giám khảo hắc ám, người suốt ngày chửi rủa, ném đồ đạc, thức ăn của họ vào sọt rác, chẳng hạn như trong chương trình Kitchen Nightmares (Ác mộng xó bếp). Và giờ thì tay đầu bếp giám khảo này, Gordon Ramsay, nổi tiếng khắp nơi, nhà hàng nào muốn mời ông đến biểu diễn sẽ phải tốn kha khá tiền và chương trình này cũng thuộc loại ăn khách bậc nhất ở Mỹ.


Nguyên Minh – Huyền Thơ
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm