17/05/2017 15:47 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Là người bước vào nghiệp văn chương khá muộn, nhưng Dương Hướng là cái tên nổi lên trong làng văn học nghệ thuật Quảng Ninh khá nhanh sau ngày cầm bút. Nhà văn Dương Văn Hướng (tức Dương Hướng) thừa nhận rằng: Số ông được hưởng lộc văn chương.
Nhà văn Dương Hướng sinh năm 1948, ở Thái Thụy, Thái Bình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ông đã từng tình nguyện làm công nhân quốc phòng với nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa lương thực ra chiến trường, rồi trở thành bộ đội chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1975 vào tiếp quản giải phóng Đà Nẵng. Năm 1976, ông ra quân chuyển ngành về công tác tại Cục Hải quan Quảng Ninh và đã nghỉ hưu năm 2008. Hiện ông cùng gia đình sống ở thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Ông tâm sự, năm 1985 ông mới bắt đầu viết văn. Ông đến với nghề viết văn từ cảm hứng xuất phát từ trái tim nên ông không ép mình phải trở thành người viết văn chuyên nghiệp, ngày nào cũng gò lưng ngồi viết.
Tuy nhiên ông thừa nhận: “Tôi sáng tác vô tội vạ, chẳng có giờ giấc nào. Tôi thấy sướng là viết bất kể ngày hay đêm. Lúc hứng chả ai lôi được tôi đi đâu cả”. Ông bảo, hồi viết tiểu thuyết “Bến không chồng” ở cái giường trong góc nhà, trẻ con vui đùa xung quanh cũng không ảnh hưởng đến việc viết của ông.
Tác phẩm Bến không chồng đã xuất bản năm 1990 và được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam một năm sau đó và Dương Hướng nổi danh trong làng văn học. Sau này, tiểu thuyết “Bến không chồng” được dịch ra tiếng Pháp, tiếng Ý và được chuyển thể thành phim nhựa dự Liên hoan phim quốc tế Thái Bình Dương và Liên hoan phim Đức.
Là người từng đi qua cuộc chiến, nên các tác phẩm của ông chủ yếu xoay quanh đề tài làng quê, chiến tranh, người lính. Ông tâm sự: Trở về sau chiến tranh, ông giật mình nhận ra trong những nụ cười hân hoan chiến thắng của bạn bè, người thân, họ tộc, cùng bà con làng xóm, tất thảy đều ẩn chứa điều gì đó mà chỉ những người đi xa về mới dễ nhận ra. Đó chính là nỗi cô đơn, sự chịu đựng khắc khổ bởi hậu quả của cuộc chiến tranh đã qua. Rồi không biết bao câu chuyện ông được chứng kiến, thế là các nhân vật cứ dần hiện lên sống động trong tâm trí ông…
Chất văn của ông là văn tả hiện thực khách quan. Ông nói: "Là nhà văn chân chính thì không được phép né tránh hiện thực. Là anh cầm bút, mình chỉ tâm niệm là viết sao cho trung thực. Trung thực nhưng phải nhân ái, bao dung, có tình".
Sau hơn 30 năm cầm bút, gia tài văn chương của ông dù chưa phải đồ sộ, nhưng những tác phẩm của ông để lại đều ghi được nhiều dấu ấn trong làng văn chương. Đó là Bến không chồng, truyện ngắn Đêm trăng với giải thưởng Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Người đàn bà trên bãi tắm với Giải A văn nghệ Hạ Long, Dưới chín tầng trời với giải Nhất, Giải thưởng văn học Hạ Long năm 2012…
Cây bút trẻ Đinh Phương cho biết, cũng như bao nhà văn trẻ khác ở Quảng Ninh, anh luôn được nhà văn Dương Hướng giúp đỡ, động viên và trao đổi như một người đồng nghiệp, không có khoảng cách người trên, người dưới. Đinh Phương khá cảm động khi được đích thân nhà văn Dương Hướng đưa về quê hương Thái Bình chứng kiến tận nơi, gặp từng nhân vật ngoài đời thật của tiểu thuyết Bến không chồng. Qua đó, anh cảm nhận được về tài năng của bậc thầy văn xuôi trong việc xây dựng hình tượng văn học một cách trung thực và khách quan nhất.
Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh Phạm Ngọc Thành đánh giá: Nhà văn Dương Hướng là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới; là nhà văn có uy tín và là cây bút văn xuôi số 1 ở Quảng Ninh. Ngoài việc tham gia công tác ở Hội Văn học Nghệ thuật, ông tích cực tham gia các hoạt động giúp đỡ các cây viết trẻ Quảng Ninh và vẫn miệt mài làm công tác biên tập ở Báo Hạ Long.
Ngày 19/5 tới, nhà văn Dương Hướng sẽ vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Với ông, đây là niềm vinh dự, tự hào lớn của người cầm bút Quảng Ninh nói chung và cá nhân ông nói riêng.
TTXVN/Văn Đức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất