Hậu Hoa hậu Hoàn vũ 2015: Được và mất đằng sau các cuộc thi hoa hậu

23/12/2015 07:39 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vụ trao nhầm vương miện tại Hoa hậu Hoàn vũ năm nay để lại những dư âm éo le: người hụt danh hiệu bị bẽ mặt nhưng nhận được sự thương hại của công chúng, người đoạt danh hiệu bị công chúng lẫn các thí sinh quay ra xỉ vả, chê bai.

Đây chỉ là một trong những câu chuyện được, mất của các cuộc thi sắc đẹp. Từ thế kỷ 19, các cuộc thi này đã được tổ chức nhiều nơi trên thế giới. Tới nay, với nhận thức ngày càng cao của xã hội, đã có nhiều mặt trái được chỉ ra. Bên cạnh đó, chúng vẫn thu hút thí sinh và nhà tài trợ khắp thế giới vì những điểm mạnh sẵn có.

Các cuộc thi giúp phát triển cá nhân, hay tuyên truyền những giá trị sai lệch về con người? Đó vẫn là chủ đề tranh cãi nhiều năm nay.

Được: rèn luyện phẩm chất cần cho sự nghiệp sau này

Gọi là “các cuộc thi sắc đẹp”, nhưng thực chất thi hoa hậu đòi hỏi nhiều yếu tố đa dạng ở các thí sinh. Thứ nhất, họ được thử thách các kỹ năng quan trọng, gồm nói và trình diễn trước đám đông.

Thực hiện tốt các kỹ năng này, con người sẽ xây dựng được lòng tự tin và sự thoải mái bộc lộ bản thân mình hơn. Phẩm chất này rất quý đối với mọi nghề nghiệp, đặc biệt các nghề có tính chuyên môn cao mà các thí sinh hoa hậu thường mơ ước như ca sĩ, diễn viên, truyền thông, các nghề nghiệp cần tiếp xúc với công chúng và đám đông.


Các thí sinh chờ lên sân khấu trình diễn áo tắm tại một cuộc thi hoa hậu lớn

Nhưng không phải thí sinh nào cũng học hỏi tốt các kỹ năng này, bằng chứng là nhiều người vẫn trình diễn chưa tự tin, trả lời ứng xử vấp váp và bị đánh giá thấp trong cuộc thi.

Thứ hai, đó là rèn luyện tính kỷ luật và tập luyện thể chất. Đòi hỏi về tập luyện và những kỷ luật trong quá trình dự thi rất nghiêm khắc nên có ích cho thí sinh cả sau khi họ rời cuộc thi. Họ học thêm nhiều kiến thức cần thiết về sự thay đổi của dáng vóc và cơ thể con người, học được cả tính nhẫn nại để đạt được những mục tiêu ngặt nghèo về thể chất.

Thứ ba, chiến thắng mang lại rất nhiều lợi ích “sờ thấy được”. Người đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ có một năm sống miễn phí trong một căn hộ cao cấp, dùng miễn phí các sản phẩm làm đẹp và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, mặc miễn phí quần áo của các thương hiệu lớn, dự những bữa tiệc của giới thượng lưu (tiếp xúc với giới sao Hollywood, mở rộng mối quan hệ và cơ hội nghề nghiệp) và học miễn phí một khóa diễn xuất ở New York, Mỹ.

Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Pia Alonzo Wurtzbach: Một tấm gương đẹp về sự nhẫn nại

Hoa hậu Hoàn vũ 2015 Pia Alonzo Wurtzbach: Một tấm gương đẹp về sự nhẫn nại

Chiếc vương miện hoa hậu đến với Pia Alonzo Wurtzbach không hề dễ dàng. Trong vòng 2 phút, cô tin rằng mình đã thua tại đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) 2015.


Nếu không có giá trị tiền mặt cao, các danh hiệu vẫn mang lại những cơ hội lớn về giáo dục và nghề nghiệp. Trong một năm, họ được đi rất nhiều nơi trên thế giới, một cơ hội tuyệt vời để có thêm trải nghiệm sống.

Cuối cùng, thi sắc đẹp giúp các cô gái xác định và nuôi dưỡng những mục tiêu, hoài bão. Có thể họ có mục tiêu từ trước, nhưng ganh đua và rèn luyện cực khổ cho một thành tích cụ thể sẽ tạo nên cú hích lớn. Một thí sinh thông minh sẽ coi đó là cơ hội học hỏi để hoàn thiện bản thân thay vì chỉ dự thi hời hợt.

Mất: tự mãn, tuyệt vọng và nhận thức sai lầm

Người ta nói nhiều về “giá trị ảo” của thi sắc đẹp. Điều đó nên được diễn đạt cụ thể hơn, đó là thí sinh dễ trở nên nông cạn và tự mãn. Họ có xu hướng coi trọng vẻ bề ngoài còn hơn trước đó và trở nên kiêu ngạo. Họ được tắm trong sự quan tâm chú ý của công chúng – thứ rời đi rất nhanh sau cuộc thi. Rất khó cho họ để phân biệt thật ảo và thực sự tập trung vào phát triển bản thân mình.

Ngược lại, với những thí sinh thuộc nhóm yếu, họ có nguy cơ tuyệt vọng và mất tự tin. Nhất là với những ai thực sự muốn giành giải hoặc với những ai vốn đã thiếu tự tin. Không có sự ủng hộ của công chúng cũng là một cảm giác kinh khủng. Nhiều nước mắt đã rơi sau hậu trường để đổi lại những nụ cười tươi rói trên sân khấu.

Các cuộc thi sắc đẹp dành cho trẻ em hoặc lứa tuổi trẻ cũng đang được tổ chức và bị chỉ trích hàng năm vì ảnh hưởng tồi tệ đối với nhận thức xã hội. Trẻ em cũng phải đối mặt với những áp lực ganh đua và thất bại như người lớn. Vì không đủ trưởng thành và kinh nghiệm sống, các em rất dễ bị tổn thương. Hơn nữa, để trẻ em sa vào coi trọng ngoại hình và cạnh tranh quyết liệt từ khi còn quá nhỏ cũng không phải là cách giáo dục tốt.

Cuối cùng là ảnh hưởng đến sức khỏe và tài chính. Để có được vóc dáng thon thả hoàn hảo đạt chuẩn, nhiều thí sinh sử dụng phương pháp nhịn ăn và dễ mắc chứng biếng ăn - một chứng bệnh đáng sợ. Việc đầu tư để dự thi cũng đòi hỏi nhiều tiền bạc, chỉ riêng trang phục đã chiếm một khoản tiền lớn. Rất nhiều áp lực một khi đã bước chân vào “đấu trường”.

Các cuộc thi sắc đẹp không hoàn toàn tốt cũng không hoàn toàn xấu. Những gì xảy ra trên sân khấu và truyền thông chỉ là bề nổi của thế giới hoa hậu. Được, mất và các bài học, những thí sinh là người biết rõ nhất.

Nha Đam (theo Occupy Theory)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm