25/12/2015 13:03 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2015 đã kết thúc, với chiến thắng bất ngờ thuộc về Pia Wurtzbach, Hoa hậu Philippines (26 tuổi, cao 1,73m). Cô đăng quang trong sự ngỡ ngàng, thắc mắc của khán giả khắp nơi trên thế giới. Và đại diện Việt Nam - Phạm Hương dù được đánh giá rất cao nhưng vẫn không thể có tên trong Top 15 như kỳ vọng của nhiều người.
Cô gái 24 tuổi Phạm Hương đã vượt qua bao nhiêu thất bại, vượt lên dư luận để ngạo nghễ đứng trước toàn thế giới và hô to hai tiếng “Việt Nam”! Chiến thắng cuối cùng không phải là tất cả, quan trọng hơn là chính là sự trải nghiệm của Phạm Hương về chặng đường đã qua có thể giúp cho nhiều bạn trẻ biết thế nào là cách sống hết mình, cháy bỏng cùng ước mơ.
Một điều dễ dàng nhận thấy ở các thí sinh Việt Nam những năm gần đây là đã cải thiện được rất đáng kể về ngoại hình, nhan sắc, kỹ năng sân khấu và vốn tiếng Anh cũng đã được nâng cao. Tuy nhiên một điều vẫn còn hạn chế ở các người đẹp Việt nằm ở tính cách vẫn còn khá thụ động, đằm thắm kiểu Á Đông đã khiến phần nào mất điểm trong mắt Ban giám khảo, Ban tổ chức.
Philippines liên tiếp thành công ở những cuộc thi quốc tế do nền văn hóa chịu ảnh hưởng Âu-Mỹ sâu đậm, tính cách người dân cởi mở, sôi nổi và dễ dàng tách biệt so với các nước châu Á khác. Lưu ý thêm, đa số các hoa hậu của họ gửi đi đều có nguồn gốc lai Á-Âu hoặc có gương mặt thuần Âu-Mỹ, trong khi phân lớn dân bản địa nước này có nét đặc trưng giống các dân tộc ở Tây Nguyên nước ta. Với sự lựa chọn thông minh đó cộng với sự thông dụng của tiếng Anh, và hơn hết là quá trình đào tạo dài nhiều năm trời đã giúp nước này liên tiếp gặt hái được thành công ở những cuộc thi sắc đẹp.
Và chúng ta dễ dàng thấy được năm nay, Ban tổ chức đã cho thế giới thấy một bộ mặt mới, nhân văn hơn và ý nghĩa hơn của Hoa hậu Hoàn vũ. Đa số những thí sinh được chọn vào Top 15 đều là những cô gái biết dấn thân vào những hoạt động từ thiện, nhân đạo và có mục đích, làm thay đổi bản thân, thay đổi những định kiến xã hội.
Và một điều gây bất ngờ là Ban tổ chức đã bắt buộc các thí sinh vào Top 5 phải nói dám nói lên chính kiến của mình, đối mặt thẳng vào những vấn đề gai góc về chính trị, tôn giáo, xã hội, tình hình thời sự, ngoại giao quốc tế... Những điều mà các người đẹp Việt Nam luôn e dè khi phải đề cập đến. Tư duy của người Việt chưa chuẩn bị cho sự thay đổi đó và chúng ta sẽ mãi thất bại nếu như không chịu bắt nhịp thế giới.
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là tầm ảnh hưởng, tên tuổi của dải băng Việt Nam quá mờ nhạt ở một cuộc thi có tính thương mại, kinh doanh cao như Hoa hậu Hoàn vũ. Vì đối với những nhãn hàng tài trợ cho cuộc thi thì thị trường tiêu dùng nước ta không quá hấp dẫn và thí sinh của ta vừa yếu vừa thiếu nhiều mặt, để các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á khác như Thái Lan và Indonesia vượt mặt ngày càng xa. Và Việt Nam cũng có một lịch sử tham dự Hoa hậu Hoàn vũ không mấy đều đặn, kể từ khi chính thức ghi danh vào năm 2004 thì nước ta đã bỏ thi 4 lần (2006, 2007, 2010 và 2014).
Cũng như trong hơn 10 năm qua, chỉ mới có 2 cuộc thi hoa hậu hoàn vũ cấp quốc gia tuyển lựa đại diện chính thức, còn lại là chọn không qua thi cử, điều này chắc chắn khiến Ban tổ chức không hài lòng. Dường như chúng ta tham gia sân chơi sắc đẹp hoàn vũ chưa thực sự nghiêm túc, trong khi các quốc gia khác xung quanh Việt Nam luôn cử thí sinh đều đặn hơn hàng chục năm nay, cũng như đầu tư một cách bài bản, có chiến lược hẳn hoi. Vì thế cũng không có gì lạ khi sắc đẹp Việt Nam chưa được xướng tên tại đây.
Donald Nguyễn
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất