Hoa hậu Thế giới 2015: Giải mã cơ hội 'Top 5+1' của Lan Khuê

28/11/2015 06:51 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Mọi năm, cuộc thi Hoa hậu Thế giới (HHTG) luôn có phần bình chọn của khán giả để chọn ra các thí sinh được yêu thích nhất vào vòng trong. Tuy nhiên ít ai biết rằng thể lệ mỗi năm lại mỗi khác. Năm nay, liệu cơ hội ấy có thuộc về đại diện Việt Nam: Hoa khôi Áo dài Lan Khuê?

Ngay sau khi đăng bài “Chưa xác định tin Lan Khuê vào Top 5+1 Hoa hậu Thế giới nếu thắng giải Bình chọn”, lienminhbng.org đã nhận được nhiều ý kiến của độc giả về việc ủng hộ Lan Khuê ở giải Khán giả bình chọn.

Từ sự thay đổi liên tục...

Khi Việt Nam lần đầu tiên tham gia đấu trường sắc đẹp lớn nhất hành tinh này vào năm 2002 với đại diện là Phạm Thị Mai Phương thì năm đó, BTC đã lấy kết quả bình chọn của khán giả qua internet, tin nhắn SMS để chọn ra Top 20 thí sinh vào vòng bán kết. Từ 20 thí sinh do khán giả chọn đó, ban giám khảo sẽ chấm điểm và trao những danh hiệu cao nhất, và lần đó Việt Nam xếp hạng thứ 15 chung cuộc.

Năm 2004, cũng có trình tự bình chọn khá giống năm 2002 nhưng khác ở chỗ, điểm của giám khảo chỉ chiếm 10%; còn lại 90% là do tổng kết điểm bình chọn của khán giả ở tất cả các quốc gia khác nhau. Năm đó, hoa hậu Peru đăng quang; còn đại diện Nguyễn Thị Huyền của Việt Nam xếp đồng hạng 10 với hoa hậu chủ nhà Trung Quốc. Năm đó cuộc thi chỉ chọn Top 15 bán kết.


Hoa khôi Trần Ngọc Lan Khuê được kỳ vọng tại Hoa hậu Thế giới

Vào hai năm 2005, 2006, ban tổ chức HHTG lại chia thí sinh ra làm 6 khu vực và mỗi khu vực chọn ra 2 thí sinh để vào vòng bán kết; cùng 3-4 thí sinh chiến thắng ở những phần thi phụ (Người đẹp nhân ái, Người đẹp Bãi biển, Hoa hậu Thể thao, Hoa hậu Tài năng). Và trong mỗi khu vực thì ban giám khảo sẽ chọn thí sinh có tổng số điểm cao nhất; cùng thí sinh có số lượt bình chọn hỗn hợp cao nhất.

Như trường hợp của Mai Phương Thúy năm 2006 với số phiếu bình chọn cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương; còn hoa hậu Australia và Ấn Độ đồng điểm cao nhất của giám khảo chấm nên cùng được vào Top 17 bán kết năm đó.

Năm 2007 thì không có phần bình chọn mà điểm hoàn toàn do ban giám khảo chấm.

Đến 2008, ban tổ chức lại quyết định khôi phục lại việc bình chọn cho thí sinh nhưng lần này chỉ duy nhất có một thí sinh có phiếu bình chọn cao nhất sẽ được đặc cách vào Top 15 bán kết. Năm này, Á hậu Dương Trương Thiên Lý đã giành chiến thắng nhưng ban tổ chức không hề gọi tên đại diện Việt Nam trong suốt 2 giờ của buổi lễ đăng quang được truyền đi khắp thế giới. Mà chỉ công bố sau buổi tiệc đăng quang, và thông cáo báo chí chính thức trên website cuộc thi và không kèm lời giải thích. Coi như Việt Nam bị mất một số điểm đáng kể trên bảng xếp hạng sắc đẹp toàn cầu nếu được vào vòng bán kết.

Các năm tiếp theo từ 2009 đến 2012 thì không có phần bình chọn cho khán giả, mà chỉ là tổng hợp điểm trong suốt quá trình tham dự của các thí sinh vào vòng bán kết. Số lượng mỗi năm cũng mỗi thay đổi như Top 16 (2009) hoặc Top 25 (2010) hoặc Top 30 (2011, 2012).

Trong số các cuộc thi thì HHTG hoàn toàn không hề có một format cụ thể, mà thay đổi liên tục, đôi khi gây khó cho các nước trong việc lựa chọn thí sinh, như cắt bớt phần thi này, thêm phần thi khác, rồi đến giờ chót thì lại thay đổi nữa.


Thông báo mới nhất của BTC Hoa hậu Thế giới về giải Khán giả bình chọn

... đến sự trở lại của “quyền lực khán giả”

Năm 2013 thì phần bình chọn của khán giả đã trở lại và lần này chỉ duy nhất thí sinh có số lượng bình chọn cao nhất sẽ được gọi trở lại sân khấu cùng 5 thí sinh cao điểm nhất (Top 5+1) để tham gia phần thi ứng xử, tương đương với việc được cộng điểm ngang bằng với Á hậu 3 hoặc Á hậu 4.

Tại HHTG 2013, không ai ngờ là thí sinh của Gibraltar (lãnh thổ tự trị tí hon của Anh Quốc chỉ vỏn vẹn 7km2 với 32 nghìn dân) lại có thể thắng bình chọn được, vì cô ấy không mấy nổi bật, nằm đâu đó ở nhóm cuối cuộc thi. Nhiều người cho rằng bà Julia Morley muốn "dằn mặt" quốc gia kình địch Tây Ban Nha khi "cố tình" xếp cho 2 thí sinh này đứng cạnh nhau khi giữa các bên đang có tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trong cùng thời gian đó.

Tại HHTG 2014 cũng tương tự như năm 2013, nhưng lần này thí sinh được bình chọn nhiều nhất chỉ được gia nhập Top 10 bán kết, chứ không được thêm suất đặc biệt vào Top 5 thi trả lời ứng xử như năm trước đó. Người được vào Top 10+1 năm 2014 là ứng cử viên sáng giá nhất của châu Á - Nonthawan Thongleng, Hoa hậu Thái Lan.

VIDEO: Hoa khôi Lan Khuê 'tự bạch' bằng tiếng Anh trên 'kênh' Miss World

VIDEO: Hoa khôi Lan Khuê 'tự bạch' bằng tiếng Anh trên 'kênh' Miss World

Tôi mong ước có một cuộc sống hoàn hảo hơn sẽ trở thành hiện thực đối với những trẻ thiệt thòi ở đất nước tôi và trên toàn thế giới.

Và cơ hội của Lan Khuê

Theo thông báo từ website chính thức của cuộc thi HHTG năm nay thì phần bình chọn cho thí sinh yêu thích nhất phải thông qua phần ứng dụng di động, được tải về từ đường link sau: http://www.missworld.com/competition/The-Miss-World-App/.

Trong phần thể lệ, giới thiệu về cách thức bình chọn, ban tổ chức ghi rõ: "Người chiến thắng sẽ được một suất vào vòng chung kết HHTG 2015. Khi đã có những thí sinh vào vòng chung kết trên sân khấu (Top 5 hoặc Top 7, tùy năm - PV), bình chọn đóng lại, và thí sinh chiến thắng giải bình chọn của khán giả được công bố. Và nếu như người chiến thắng giải đó không lọt vào vòng cuối cùng, cô ta sẽ được trở lại để tranh tài, và được vào vòng chung kết để đối mặt với ban giám khảo trong phần thi ứng xử".

Và bất kỳ thí sinh nào được đứng chung hàng với nhóm vào chung kết để thực hiện phần thi ứng xử thì coi như đã ngang hàng với các Á hậu. Vì vậy đây là một cơ hội rất lớn để cho Hoa khôi Trần Ngọc Lan Khuê trở thành đại diện Việt Nam đầu tiên có mặt trong phần thi ứng xử của một kỳ HHTG.

Còn việc sẽ có Top 5+1 hay Top 7+1 đều không thể nói trước được, bởi vì mỗi năm mỗi khác, và chỉ có thượng đế mới biết ban tổ chức HHTG sắp làm gì mà thôi!

Ngay đến lịch trình của cuộc thi cũng tạo ra một áp lực rất lớn cho thí sinh, bởi lúc nào họ cũng phải trong tư thế sẵn sàng. Đã rất nhiều lần sáng hôm sau làm gì thì tối hôm trước mới nhận thông báo. Thậm chí có hoạt động đã lên lịch rồi,đến giờ chót lại "đổi kèo" làm nhiều thí sinh hụt hẫng.

Vì thế mà, HHTG được xem là cuộc thi không thể đoán được điều gì sẽ xảy ra.

Trong số các cuộc thi sắc đẹp, Hoa hậu Thế giới hoàn toàn không có một format cụ thể, mà thay đổi liên tục, đôi khi gây khó cho các nước trong việc lựa chọn thí sinh.

Donald Nguyễn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm