Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng và 'Những bông hoa nhỏ' trên giấy dó

23/10/2014 07:32 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Vào lúc 18h hôm qua (22/10) tại Sofitel Saigon Plaza (17 Lê Duẩn, TP.HCM) đã diễn ra triển lãm cá nhân Những bông hoa nhỏ của Nguyễn Thế Hùng. Bằng kỹ thuật tổng hợp điêu luyện và mỹ cảm thị giác đặc biệt, họa sĩ sinh năm 1981 này đã đem lại một sức sống mới mẻ cho giấy dó.

Nếu ta quen hình dung bề mặt nâu nâu của giấy dó truyền thống là sự mộc mạc, thì việc xử lý nền bằng những bông hoa nhỏ của Nguyễn Thế Hùng là một cách làm khác, nhằm thay đổi “hiện trạng” ấy. Chính việc thay đổi này cho giấy dó thêm chiều kích để diễn đạt nhiều câu chuyện mang tính thời trang và đương đại hơn.


Họa sĩ Nguyễn Thế Hùng

Còn về các câu chuyện trong tranh, Thế Hùng cho biết anh lấy cảm hứng từ những bài giảng của đạo sư Osho (1931-1990) về việc rũ bỏ ưu phiền và tự tại hơn trong đời sống. Thế nhưng, nếu so với các bộ tranh có cảm hứng thiền trước đây của anh, loạt tranh này hướng nội nhiều hơn, nơi khoảng không là những ký ức được sắp xếp gần như ngẫu nhiên, chồng mờ lên nhau, nhưng khá tươi mới, lạc quan. Nó khơi gợi cho người xem nghĩ về các truyện tranh mang yếu tố siêu tưởng, kì bí, nhưng cũng gần gũi, nhí nhảnh, nhẹ nhàng.

Nguyễn Thế Hùng gọi “những bông hoa nhỏ” là những “hạt giống gieo xuống đất, chờ đợi và kiếm tìm vùng đất ẩm để nảy mầm”. Những bông hoa nhỏ cũng là tên một chương trình truyền hình dành cho trẻ em, rất nổi tiếng trong thập niên 1980 - thời Nguyễn Thế Hùng lớn lên - nên đây là một liên tưởng xa. Chính liên tưởng này đã bảo đảm cho các tác phẩm có không gian mới nhìn tưởng hỗn độn, nhưng thực chất là trật tự, nơi hình ảnh đương thời được liên nối đến ký ức.


Tác phẩm Những bông hoa nhỏ 17, bột màu - màu nước - vàng lá trên giấy dó, bồi canvas, 55 x 120 cm, 2012

Trước đây, Nguyễn Thế Hùng thường theo đuổi đề tài thiên nhiên, dân tộc thiểu số và truyền thống văn hoá đa dạng của Việt Nam, thiên về vẻ quyến rũ bề ngoài. Qua loạt tranh Những bông hoa nhỏ, cảm hứng đó vẫn còn tiếp diễn, nhưng kín đáo và khơi gợi đến đời sống tâm linh nhiều hơn. “Tam thập nhi lập”, dường như cột mốc tuổi 30 đã đưa họa sĩ này đến với những băn khoăn về còn mất, có không, thật giả… - vốn là những câu hỏi của một người đã bắt đầu chín muồi về nhận thức thực tại. Điều này cũng dự báo sự trưởng thành hơn nữa trong con đường sáng tạo.

Trở lại việc sử dụng giấy dó, chính loạt tranh pha trộn giữa siêu thực, lập thể và truyện tranh này cho chúng ta thấy rằng vật liệu cũ hay mới là do người sử dụng, chứ không phải do giá trị tự thân của nó. Chính việc sử dụng hiệu quả này đã giúp Nguyễn Thế Hùng có tiếng nói chân thật hơn, nếu xét ở khía cạnh liên nối với truyền thống và sự đa dạng văn hóa.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm