Họa sĩ Phạm Huy Thông: Tranh của tôi mang nhiều tính phê phán

18/10/2012 10:15 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, triển lãm Tay sẽ khai mạc lúc 18h ngày 20/10 tại Craig Thomas Gallery (27i Trần Nhật Duật, Q.1), đây là cuộc trưng bày cá nhân đầu tiên của Phạm Huy Thông (1981, Hà Nội) tại TP.HCM. Triển lãm đi thẳng vào việc mô tả sức mạnh đồng tiền và các biến thái từ quyền uy - những chủ đề mà hội họa Việt thường né tránh. Tại sao có sự chọn lựa “ngược ngạo” này, hãy nghe Phạm Huy Thông tỏ bày trong cuộc trò chuyện dưới đây.

Phạm Huy Thông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2004. Anh có một số triển lãm trong và ngoài nước trong đó có 4 triển lãm cá nhân Mưa, Cập nhật, Đồng bào tại Hà Nội và Giấc mơ lạ tại Singapore. Năm 2008, Phạm Huy Thông được Bảo tàng Mỹ thuật Singapore chọn là một trong hơn 40 nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu sau đổi mới và được bày tranh trong triển lãm Post Đổi mới ở nuớc này. Anh cũng được mời đi dự trại sáng tác nghệ thuật ở Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Thái Lan...

Tranh của Phạm Huy Thông chứa đựng nhiều suy nghĩ của nghệ sĩ đến thời cuộc. Anh quan niệm các tác phẩm nghệ thuật phải hướng tới việc ghi chép lại sự phát triển của xã hội, lưu giữ được hơi thở của thời đại, tất nhiên là dưới con mắt của người nghệ sĩ.

Vẽ tay để tránh tai vạ

* Dùng tay thay thế đầu người, ẩn dụ chính của anh là gì?

- Khi tôi quyết định chọn mô-típ tay thay thế vào đầu người, vấn đề đầu tiên mà tôi cần giải quyết là nhân vật trong tranh đã không còn là một con người hay nhóm người có danh tính cụ thể. Tranh của tôi thường bình luận về các vấn đề xã hội. Lấy cảm hứng từ các sự kiện, những câu chuyện có thể là riêng lẻ để nhận định khái quát, phê bình các xu hướng, trào lưu của xã hội nói chung, không bàn tán về riêng một cá nhân nào. Bởi vậy nếu nhân vật trong tranh tôi là một nhân vật cụ thể, tính khái quát của tác phẩm sẽ yếu đi. Bên cạnh đó, một số đề tài trong tranh có nhiều sự trăn trở, gai góc, nên việc các nhân vật không có đặc điểm nhân dạng cụ thể lại tránh cho tôi khỏi “tai vạ” khi khuôn mặt trong tranh vô tình giống với một ai đó.

Phạm Huy Thông
* Còn những vấn đề tiếp theo thì sao?

- Thứ hai, khi đặc điểm cá nhân, chủng tộc bị xóa bỏ, tranh của tôi đến được với nhiều người hơn. Người xem có thể sẽ thấy chính mình trong bối cảnh của bức tranh hơn. Không có khuôn mặt mũi lõ hay mũi tẹt, mắt tròn hay mắt xếch, nhân vật trong tranh có thể sẽ tìm được sự đồng cảm của cả người xem ở Âu, Á, Phi... Câu chuyện, vấn đề ở trong tranh giờ đây có thể là của nhiều vùng khác nhau. Cảm xúc và thông điệp mà tôi gửi gắm trong tranh vì thế có thể sẽ đến nhanh và rộng hơn tới công chúng. Sau bộ tranh Đồng bào vốn nói về các vấn đề của người Việt, tôi phát triển bộ tranh Tay, với hy vọng sẽ đả động được tới những vấn đề rộng hơn của thế giới.

“Chinh phục” đồng tiền

* Phần đông họa sĩ Việt quan niệm tranh là cái gì đó đèm đẹp (về tạo hình, bố cục, màu sắc, cách thể hiện…) mà vô can đến những đề tài trực tiếp. Tại sao anh đi “ngược” lại với quan niệm này?

- Không, tôi không đi ngược, mà tôi đang đi xuôi theo sự phát triển chung của văn học nghệ thuật. Những họa sĩ mà anh nhắc đến đang lạc hậu với xu thế chung. Dậm chân tại chỗ khi cả xã hội tiến về phía trước, họ mới chính là những người đi “ngược”. Để tạo ra những bức tranh đẹp đơn thuần là công việc của những sinh viên nghệ thuật, khi trải nghiệm và kiến thức của họ chưa đủ nhiều để hình thành những chính kiến cá nhân. Tôi đã tập vẽ được những bức tranh đẹp, vẽ chăm và vẽ tốt. Nhưng tôi thấy nếu chỉ dừng lại ở đó, tôi không thể nào đứng tách ra khỏi đám đông những nghệ sĩ đi trước với những kiệt tác tuyệt đẹp.

Quan trọng hơn, tôi thấy nếu vẽ mãi những bức tranh đèm đẹp tả cảnh, tả hoa, tôi sẽ tự khuôn sáo mình, không nói ra được những suy nghĩ trong đầu mình với công chúng. Những đề tài đẹp đẽ (nhưng xưa cũ) đã có hàng ngàn người vẽ, trong khi đó xã hội không ngừng phát triển, mở ra ngàn vạn đề tài mới để nghệ sĩ phản ánh. Nghệ sĩ trong bất cứ ngành nghệ thuật nào, trước tiên phải là người nhạy cảm, biết rung động. Nếu quay lưng lại với những đề tài đó, sẽ là vô cảm, dần giết đi con người nghệ sĩ trong mình.

Tác phẩm Tiền ơi về đâu?, sơn dầu trên vải, 160 x 140cm, 2011

* Chủ đề đôi tay đi liền với đồng tiền trong tranh, anh có nghĩ hai thứ này là “bằng hữu xấu” của nhau không?

- Vâng, tôi rất thích vẽ tiền trong các tác phẩm của mình, có lẽ vì tôi luôn cảm thấy cần tiền (cười). Tôi không ghét tiền cũng như không ghét những người có tiền nói chung. Tôi luôn cố gắng trở thành một trong số họ. Trước kia tôi làm rất nhiều nghề khác nhau để kiếm tiền. Tôi thấy quá trình chinh phục đồng tiền là rất gian nan và nhiều người trong chúng ta đã bị đồng tiền chinh phục ngược trở lại. Trong xã hội hiện đại, tiền trở nên quan trọng, và dù muốn hay không thì tiền đã là một loại thước đo sức mạnh, sự thành công của con người trong xã hội.

Hình tượng bàn tay to khỏe nắm chặt tiền xuất hiện trong tranh tôi khá thường xuyên, nó thể hiện ước mơ làm giàu của con người đương đại và mặt khác cũng thể hiện mối quan hệ chặt chẽ nhưng linh động của tiền và quyền lực. Đây không nhất thiết phải là một hình tượng luôn xấu. Sự tốt, xấu của nó tùy thuộc vào câu chuyện và góc nhìn của mỗi bức tranh.

Trong một bức tranh khác, tôi thậm chí còn viết lên đó một câu hài hước: “Chúa đã tạo ra con người, con người tạo ra tiền và rồi tiền tạo ra Chúa”. Tranh của tôi mang nhiều tính phê phán nhưng hãy ngắm những bức tranh của tôi với một cái đầu biết mỉm cười.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm