07/10/2013 09:05 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Học giả hàng đầu Việt Nam đầu thế kỷ 20 sớm nhận ra chỉ có tri thức mới giúp một dân tộc quyết định được vận mệnh của mình. Về tri thức người Việt, trước hết, ông bàn về người nông dân.
Lý do rất đơn giản, Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng nông dân chiếm 90% dân số Việt Nam đầu thế kỷ 20. Muốn cứu dân tộc thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu thì phải “cứu” người nông dân.
Cuối tuần qua, tại Hà Nội, ra mắt 3 tập đầu tiên trong bộ sách Lời người Mandi hiện đại tập hợp di sản báo chí và tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh. Bộ sách do cháu nội học giả là ông Nguyễn Lân Bình chủ biên, NXB Tri thức ấn hành. Dự kiến có 14 tập.
Bìa 3 cuốn sách về học giả Nguyễn Văn Vĩnh mới xuất bản.
3 tập sách bao gồm: Nguyễn Văn Vĩnh là ai?, Lời người Mandi hiện đại – Phong tục và thiết chế của người An-nam (tiếng Việt) và Parole du barbare moderne (bản tiếng Pháp của cuốn Lời người Mandi hiện đại). Đặc biệt, bản tiếng Pháp được xuất bản để kịp mang đi dự Hội chợ sách quốc tế Frankfurt của Đức sắp tới.
Cuốn Nguyễn Văn Vĩnh là ai? là lời giới thiệu về nhân vật với bạn đọc, do nhiều tác giả soạn, Nguyễn Lân Bình chủ biên. Còn Lời người Mandi hiện đại và các tập tiếp theo của bộ sách sẽ ghi rõ tác giả là Nguyễn Văn Vĩnh, với nhiều dịch giả tham gia chuyển ngữ từ tiếng Pháp nguyên bản sang tiếng Việt.
Các tập tiếp theo của bộ sách 14 tập này sẽ trình bày tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh về các chủ đề rất đáng chú ý: vai trò của trí thức, giáo dục, phụ nữ, báo chí, kinh tế… và điểm qua những nhân vật cùng thời của ông.
Trở lại với suy tư của Nguyễn Văn Vĩnh về người nông dân, đây là tư tưởng chủ đạo của cuốn Phong tục và thiết chế của người An-nam. Cuốn sách này tập hợp hàng trăm bài báo của học giả trên tờ L’Annam Nouveau.
“Sinh thời, Nguyễn Văn Vĩnh luôn tâm niệm: Mong làm sao để dân tộc này có tri thức. Chỉ một dân tộc có tri thức mới quyết định được vận mệnh của mình” – ông Nguyễn Lân Bình nói. “Trong đó, ông cực kỳ coi trọng người nông dân. Ông quan niệm, muốn giải phóng dân tộc thì phải giải phóng người nông dân”.
“Ông viết bằng tiếng Pháp nhưng tư tưởng của ông là tư tưởng của người Việt. Bởi vậy, tôi không thể chỉ xuất bản các di sản của ông bằng tiếng Pháp, mà phải dịch sang tiếng Việt để người Việt được biết”.
Năm 1931, Nguyễn Văn Vĩnh viết trên tờ L’Annam Nouveau: “Những người dân An-nam đã chán ngấy đến tận cổ cái cuộc sống với những tranh cãi không dứt về cái ăn và cái uống. Họ đã tìm cách đi đến các thành phố hoặc các khu đô thị để mong tìm được các công việc mà họ tin là, sẽ phong phú và tiện nghi hơn” (qua bản dịch của Nguyễn Như Phong).
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất