Hứa Vĩ Văn: Không phải là số 1 cũng hay

14/02/2016 06:25 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Sau 20 năm lặn ngụp trong giới giải trí, đến giờ Hứa Vĩ Văn, khi đã ở tuổi U40, vẫn được khán giả teen tung hô là “soái ca” với vai diễn trong bộ phim Em là bà nội của anh. Còn bạn bè, đồng nghiệp thì hay hỏi “sao Văn sống lâu thế?”. Và Hứa Vĩ Văn tự lý giải về sự “sống lâu” của mình trong làng giải trí rằng nhờ anh không phải là số 1.

Thế nhưng, không phải là số 1 chưa hẳn sẽ được bình yên. Trái với vẻ bề ngoài rất “công tử”, Hứa Vĩ Văn thực ra đã trải qua những biến cố lớn trong cuộc đời. Sự điềm tĩnh, đĩnh đạc ở Hứa Vĩ Văn lúc này là kết quả của một đời sống nhiều biến động mà anh hầu như không bao giờ nói tới.

Đáng lẽ là họa sĩ

* Anh lập nghiệp chính xác là từ nghề người mẫu. Rồi anh làm ca sĩ, có chân trong một boysband. Nhưng cái nghề mà anh được học bài bản trường lớp là nghề vẽ, để trở thành một họa sĩ. Lý do gì một cử nhân trường đại học Mỹ thuật chưa bao giờ nhắc đến quá khứ này của mình?

- Thi tốt nghiệp cấp 3 xong tôi đứng trước lựa chọn duy nhất là thi vào trường đại học Mỹ thuật bởi vì hồi đó thi đại học lại xét điểm trung bình môn của năm lớp 12. Mà tôi thì chỉ những môn xã hội mới có điểm cao.

Tôi biết vẽ và đã học ôn thi 1 năm ở Hội Mỹ thuật TP.HCM, nên thi đậu. Lúc học thì cũng vui nhưng học xong thì thấy không thể sống bằng cái nghề phải đầu tư tốn kém thế được. Còn đi học, tiền học còn không đủ đóng, rồi bao nhiêu thứ tiền khác để mua đồ dùng học tập. Tôi làm người mẫu mới có đủ tiền trang trải cho việc học. Ra trường rồi chẳng lẽ đi chép tranh kiếm tiền. Tôi đành coi như việc học đó để có một nền tảng văn hóa, nghệ thuật cho bản thân mình. Chỉ vậy thôi.


Hứa Vĩ Văn

* Anh gần như thuộc lứa người mẫu thế hệ đầu tiên, cũng là nam ca sĩ ở thời kỳ hình ảnh dễ thương của các boysband thịnh hành. Nhìn lại thời kỳ đó, anh thấy bản thân mình ra sao?

- Làm người mẫu không lâu và chỉ coi đó như nghề làm phụ trong lúc học, giống như sinh viên thường hay làm gia sư, nhưng tôi đã rất may mắn khi được đứng trong hàng ngũ những người mẫu sáng sân khấu của CLB Hoa Học Đường, nơi có những tên tuổi đang chiếm phần lớn số celeb của showbiz Việt bây giờ.

Còn với nghề hát, tôi nghĩ đó là sự hiếu thắng của tuổi trẻ. Thấy người ta đi hát mình cũng nghĩ, hát thôi có gì khó. Giờ nhìn lại tôi chỉ cho mình 6 điểm. Nhưng nó cũng giúp bổ trợ cho nghề diễn viên của tôi rất nhiều. Chẳng hạn đi giao lưu với khán giả, nếu cần tôi có thể hát được.

* Anh đã từng là thành viên của nhóm nhạc GMC nhưng cũng nhanh chóng rời nhóm. Anh thấy việc trở thành ca sĩ ở thời đó so với bây giờ như thế nào?

- Lúc hát solo, tôi chỉ được hát ở hội chợ, quán bar, vũ trường. Vào nhóm thì có thêm nhiều show hơn, nhưng cũng chủ yếu là đi diễn ở tỉnh. Nhưng có vào nhóm tôi mới thấy hết được sự khốc liệt của nghề này. Chúng tôi phải lao động rất nhiều, có đêm chạy show ở 2 - 3 tỉnh nhưng lương rất thấp, chỉ vài triệu một tháng giống như công chức vậy! Làm được 3 tháng thì tôi rời nhóm.

Thời đó nếu không có người thanh thế đứng sau thì mãi mãi chỉ là người đi hát phục vụ chứ khó mà thành nghệ sĩ thực thụ, được đứng ở sân khấu lớn, lên truyền hình. Tôi phải bỏ nghề hát vì không thể phát triển được. Cũng thời điểm đó, tôi được mời vào vai chính trong phim Sài Gòn tình ca cùng Ngô Thanh Vân. Suy cho cùng, tôi làm ca sĩ cũng chỉ là để mưu sinh ở một thời điểm.

Nói chung, thời làm người mẫu Hoa Học Đường hay thời làm ca sĩ dường như không có liên quan gì đến sự nghiệp điện ảnh của tôi cả. Cuộc đời tôi giống như đã thay máu mấy lần vậy. Giống như một người không biết mình thích hợp với nghề nào nên cứ thử làm đủ thứ nghề, khi nào thấy nghề hợp với mình thì ở lại.

Đã từng mất tất cả

* Khách quan mà nói, anh làm nghề diễn viên đã lâu nhưng chưa bao giờ có vị trí không thể thiếu. Anh nghĩ gì về nhận xét này?

- Tôi không phủ nhận điều này. Nhưng không phải là người số 1 cũng có cái hay. Tôi đã ở đây 20 năm, chứng kiến sự lên xuống của rất nhiều người số 1. Có người còn ở trong làng giải trí nhưng cũng có người đã biến mất. Một điều thú vị là khán giả của tôi từ 6x, 7x đến 9x, rồi 20x. Lúc tìm hastag Em là bà nội của anh trên Facebook, tôi đọc được những comment về tôi rằng: “Khi anh 20 tuổi thì mình vẫn chưa được sinh ra”. Hay là “Trời ơi Hứa Vĩ Văn bằng tuổi mẹ của mình!”.

* Nhưng khán giả cũng thấy anh cứ thoắt ẩn thoắt hiện…

- Với nghề diễn viên, có một điều gần như tâm linh vậy. Dường như ông tổ muốn mình đóng phim nên 12 năm làm nghề tôi đã bỏ mấy lần mà rồi vẫn quay lại.

Thời điểm đầu tôi đóng phim truyền hình người ta hay nói tôi là người mẫu đóng phim, ca sĩ đóng phim rồi chê.  Sau đó là lúc phim truyền hình bùng phát, chất lượng kém, giai đoạn 2006 - 2007. Tôi lại bị rơi vào nhóm làm phim thảm họa. Tôi thấy bất lực khi phim thành thảm họa thì nhà sản xuất đổ thừa cho mình, tiếng tăm không đi đến đâu. Mà lúc đó ai cũng đóng phim truyền hình được hết, tôi cũng nằm trong nhóm có cũng vậy không có cũng vậy.

Tôi định bỏ cuộc, đi qua Mỹ thăm bà nội, không muốn làm gì hết, ngồi chơi xơi nước, tối nào cũng lang thang. Trong 3 năm đó, tôi thấy mình cũng nhạt thật. Nhiều người na ná giống Hứa Vĩ Văn lắm, không có mình thì cũng có người khác. Bỏ nghề lần 1.

* Điều gì đã đưa anh quay lại?

- Đang chán nản không biết sống thế nào, tôi casting trúng vai chính trong phim Thái sư Trần Thủ Độ, bộ phim được đầu tư tới 57 tỷ. Nhưng tôi có một cái phốt là thường được đóng những bộ phim không được trình chiếu. Phim điện ảnh đầu tiên tôi đóng là Sài Gòn tình ca làm xong không được chiếu vì vụ Yến Vy, phải mấy năm sau mới được phát hành. Thái sư Trần Thủ Độ cũng theo chân, bị hoãn chiếu mấy năm. Toàn những phim mình tâm huyết nhưng bị ngâm như ngâm củ kiệu, nên mãi tôi không lên được.

Thời điểm đó, song song với Thái sư Trần Thủ Độ, tôi đóng phim truyền hình Lời thú nhận của Eva và cả Giao lộ định mệnh. Lời thú nhận của Eva lúc đó rất hot. Nhưng vì phim hot quá nên tôi phải bỏ nghề lần thứ hai.

* Tại sao vậy?

- Được khán giả ái mộ, bầu chọn trong các giải thưởng, tôi vui với thành công đó mà quên đi một điều, làm trong nghề này có một sự cạnh tranh về giải thưởng. Tôi quá vô tư, nghĩ cứ thành công là được tôn vinh. Nhưng trong giới có những nghệ sĩ mà đến hạn người ta phải PR, đến hạn người ta phải tạo dựng hình ảnh. Tôi đụng đúng thời điểm PR và tạo dựng hình ảnh của một diễn viên khác. Tôi lọt vào tầm ngắm cạnh tranh và “ăn đạn”.

Mà không chỉ “ăn đạn” của một người, tôi còn bị cả một diễn viên khác cùng phim với mình cũng đặt mình vào thế cạnh tranh. Họ liên kết với nhau để hạ tôi bằng được. Tôi bị người ta thêu dệt, moi móc  đời tư để hạ uy tín với đồng nghiệp, các nhà sản xuất phim. Tôi rơi vào thế nói gì cũng không ai tin. Tôi đành im lặng và rút lui. Tôi gần như mất hết tất cả.

* Anh có thể tự minh oan cho mình mà?

- Tôi theo đạo Phật, tôi luôn theo lời Phật dạy, nên từ bi hỉ xả và chờ cho qua kiếp nạn của mình, bằng mọi giá không bao giờ theo tà đạo. Sau này tôi không bao giờ nói về chuyện đó, cũng tránh gặp báo chí  nên khán giả trách tôi tại sao không có trách nhiệm với họ, không cho họ biết về đời tư của tôi.

Với tôi, chuyện riêng của tôi liên quan tới quá nhiều người khác nên tôi không muốn nhắc lại. Với những người đã hại tôi, tôi không thù hằn, không đôi co và cũng không muốn giải thích. Tôi gạch tên họ khỏi cuộc đời mình và sống cuộc đời của mình thôi.

Thật sự thì xung quanh tôi luôn có những người bạn tốt, những đồng nghiệp chỉ đánh giá tôi bằng thực lực chứ không bằng bất cứ chuyện gì khác. Họ đã giang tay ra với tôi trong lúc tôi khủng hoảng nhất.

Tôi cũng muốn nhắn với khán giả của mình rằng đừng nên đánh giá ai nếu chỉ nhìn vào một sự việc trong thời điểm nào đó. Bởi vì chưa hết phim thì chưa thể biết ai vai thiện, ai vai ác. Với nghệ sĩ, hãy nhìn vào sản phẩm của họ để đánh giá họ, đừng quá quan tâm đến đời tư của họ.

Tôi đang bình yên

* Anh thấy thế nào khi khán giả âu yếm trao tặng anh danh xưng “soái ca” màn ảnh Việt?

- Thành công với Em là bà nội của anh là một bất ngờ lớn trong sự nghiệp của tôi. Phim đã đạt doanh thu gần 100 tỷ và vẫn còn trụ rạp sau hơn 1 tháng ra mắt. Dù phim không được danh hiệu vua phòng vé nhưng tôi được danh hiệu “soái ca” an ủi. Tôi rất cảm ơn những tình cảm của khán giả, họ đã dành cho tôi những danh xưng quá đẹp.

Nhưng đối với tôi, soái ca cũng chỉ là một vai diễn mà sự thành công có sự hỗ trợ rất nhiều của cả một ê-kíp. Tôi mong sau này khán giả sẽ vẫn yêu quý và ủng hộ tôi dù tôi không đóng những vai “lung linh” như vai anh chàng giám đốc trong bộ phim Em là bà nội của anh nữa.

* “Soái ca” đang muốn thay đổi hình ảnh?

- Tôi nghĩ rằng ở độ tuổi 40 như tôi bây giờ không phải là lúc cần phải đi xây dựng hình ảnh nữa rồi. Như đã nói, thành công và được gọi là soái ca là một bất ngờ lớn, không hề nằm trong tính toán của tôi. Tôi đã có dự định đi du học chuyên ngành marketing và sản xuất phim.

Tôi muốn tham gia vào ê-kíp sản xuất phim bởi tôi thấy mình có khả năng. Hơn nữa, để tìm được một ê-kíp tốt, phù hợp với mình là việc không dễ. Tôi đã tìm thấy ê-kíp của mình nhưng phải chờ sản phẩm. Mà một ê-kíp thì sản phẩm không thể có liên tục. Vì vậy tham gia vào công việc sản xuất phim sẽ mở cho tôi những cơ hội mới.

* Còn cuộc sống riêng của anh?

- Sau khi ba tôi mất vì ung thư, tôi thấy cuộc sống này phù du quá. Tôi đã không còn quan tâm đến những giải thưởng, không bon chen, chỉ chú tâm làm tốt công việc của mình. Và tôi đang bình yên.

* Cảm ơn anh.

Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm