Kịch về 3 thiếu nữ Anh theo IS 'thánh chiến' bất ngờ bị hủy diễn

06/08/2015 12:30 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Một vở kịch kể về 3 thiếu nữ Anh đến Syria làm cô dâu của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, vừa bị hủy bỏ hôm 2/8, hai tuần trước ngày công diễn giữa tháng 8, trong sự phẫn nộ và ngơ ngác của nhà sản xuất.

Theo Guardian, các nhà sản xuất của vở kịch mang tên Homegrown quả quyết, họ không hề nhận được lời cảnh báo nào trước đó và bị gây áp lực phải hủy bỏ vở diễn. Vở Homegrown do Nhà hát Tuổi trẻ Quốc gia Anh sản xuất.

Bị dẹp bỏ vì “phân biệt chủng tộc”

Với mục đích khám phá tại sao giới trẻ Anh trở nên cực đoan và có những quan niệm sai lầm về Hồi giáo, vở kịch bị cho là có chủ đề “nhạy cảm”. Đạo diễn Nadia Latif và biên kịch Omar El-Khairy tin rằng vở kịch bị hủy bỏ vì áp lực từ bên ngoài. Họ cho biết cả chính quyền địa phương lẫn cảnh sát đều can thiệp vào quá trình sản xuất vở kịch.

Dàn diễn viên của vở kịch gồm 112 người, ở độ tuổi từ 15 đến 25, hầu hết đều thuộc các nhóm thiểu số vô thần.

Nội dung vở kịch dựa trên câu chuyện có thật về một nhóm 3 nữ sinh tên là Shamima Begum, Kadiza Sultana và Amira Abase đã rời nước Anh để đến Syria hồi tháng 2 nhằm phục vụ IS. Nó sẽ đề cập tới hoạt động chiêu mộ thành viên mới của IS tại các phương Tây như Anh.


Các diễn viên vào vai 3 nữ sinh Anh được cho là bỏ xứ đến Syria để làm cô dâu Hồi giáo.

Thay vì biểu diễn trên sân khấu trước khán giả, vở kịch sẽ diễn theo hình thức diễn dạo, khi khán giả có thể đi ngang qua hành lang của trường học, chứng kiến các đoạn đối thoại và những tình tiết trong vở kịch.

Nhưng ý tưởng đó không còn thực hiện được nữa vì mọi thứ đã bị hủy bỏ. “Chẳng có một lời cảnh báo nào cả” – Latif nói – “Chúng tôi nhận được một thư điện tử hôm 2/8 và dàn diễn viên được thông báo vào sáng 3/8. Điều đó thật không lường trước được, thậm chí chúng tôi chẳng hề được chuẩn bị tinh thần”.

Lý giải việc hủy bỏ vở kịch, ông Paul Roseby, Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát, nói với Guardian: “Câu chuyện của 3 cô gái trẻ mất tích là một chủ đề thú vị để khám phá, vì nó liên quan trực tiếp đến giới trẻ Anh. Nhưng vở kịch này không phải là sự thuật lại chính xác bởi chúng ta vẫn chưa biết toàn bộ câu chuyện”.

“Thay vào đó, thứ mà đạo diễn và biên kịch vẽ nên là nỗi sợ và cách hiểu sai lầm về Hồi giáo ở đất nước này. Đó rõ ràng là phân biệt chủng tộc, hậu quả từ các hành động bạo lực của IS. Vì thế, cách phản ánh của họ rất phiến diện” - ông nói.

Bị hủy vì chất lượng tồi?

Mặc dù vậy, nhóm sản xuất vở kịch không chấp nhận lý lẽ này và cho đây là một hành động “bịt miệng” giới trẻ, ở đây là tập thể những nghệ sĩ, diễn viên trẻ của Nhà hát Tuổi trẻ Quốc gia Anh, ngăn cấm họ phát biểu quan điểm xã hội của mình.

“Vở kịch có một đoạn thoại rất thông minh, về chủ đề kích động xung đột. Nhưng tiếng nói của giới trẻ đã bị chặn đứng mà không có một lời giải thích nào. Tiếng nói của họ sẽ không đến được với công chúng vì một không khí sợ sệt trong xã hội” – đạo diễn Latif nói.

Một nguyên nhân khác khiến vở kịch bị hủy bỏ mà Nhà hát Tuổi trẻ Quốc gia Anh đưa ra là vì chất lượng kém.

Nhưng Latif và El-Khairy cho biết, họ cũng chưa nhận được lời than phiền nào về chất lượng trước đó và quá trình hoàn thiện vở kịch trước ngày công diễn vẫn diễn ra đúng kế hoạch.

“Vở kịch được chạy đúng tiến độ như đã ký kết và chúng tôi đang rất tự tin có thể hoàn thiện đúng lịch” - đạo diễn cho biết.

Không cho thuê địa điểm biểu diễn vì sợ "nhạy cảm"

Vở kịch gây tranh cãi này gặp khó khăn đầu tiên vào tháng 6, khi nhà sản xuất phải chuyển địa điểm từ ngôi trường Bethnal Green sang một học viện khác nằm tại quận Swiss Cottage (London) vì bị hội đồng vùng Tower Hamlets của London cho là có nội dung “nhạy cảm”.

Phát ngôn viên hội đồng Tower Hamlets cho hay: “Trường Bethnal Green ban đầu không biết chủ đề của vở kịch nên mới đồng ý cho thuê địa điểm. Khi biết được, họ đã quyết định hủy vì chủ đề đó không phù hợp”.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm