Kỳ quan Vườn treo không nằm ở Babylon

08/05/2013 08:08 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Sau 18 năm nghiên cứu, TS Stephanie Dalley, vừa đưa ra kết luận chấn động rằng khu Vườn treo, một trong những bí ẩn lớn nhất của thế giới cổ đại, thực tế đã được xây vào thế kỷ thứ 7 ở Ninevah, cách Babylon tới hơn 400km.

Nghiên cứu của TS Dalley, một chuyên gia về các ngôn ngữ Trung Đông cổ đại, được in trong cuốn sách The Mystery of the Hanging Garden of Babylon (Bí ẩn của Vườn treo Babylon) do nhà xuất bản Trường Đại học Oxford phát hành vào ngày 23/5.

Một bức tranh mô tả Vườn treo.

Bức phù điêu mô tả khu vườn

Theo bà Dalley, khu Vườn treo được Hoàng đế Sennacherib của người Assyria ở phía Bắc Mesopotamia, thuộc Iraq ngày nay, xây dựng chứ không phải vua Nebuchadnezzar của người Babylon ở miền Nam.

Khu Vườn treo được xây trên một quả đồi nhân tạo cao khoảng 25m, có hình dáng giống một nhà hát hình bán nguyệt. Cây cối được trồng trong những ban công xây hình vòm, với ban công này chồng trên cái kia. Các cột, vòm và các sân thượng của khu vườn được xây dựng bằng gạch nung và nhựa đường.

Chân đồi là một bể lớn có nước từ sườn đồi chảy xuống. Có khoảng 35.000 lít nước chảy về khu vườn nhờ một con kênh dẫn và hệ thống cống thoát nằm cách đó 70 km. Cây cối trong khu vườn được tưới bằng những hệ thống bơm nước đặc biệt.

Sau khi nghiên cứu các mô tả lịch sử về khu Vườn treo, bà Dalley nhận thấy một bức phù điêu trong cung điện của Hoàng đế Sennacherib ở Ninevah mô tả công trình giống với những gì viết trong các tư liệu cổ về khu vườn.

Bức phù điêu quan trọng này đã được nhà khảo cổ Anh Austin Henry Layard tìm thấy vào những năm 1840. Thực ra bức phù điêu đã bị hư hỏng nhiều và bị mất khi chiếc thuyền chở nhóm nghiên cứu của nhà khảo cổ Layard bị đắm ở sông Tigris. Thật may mắn, một nghệ sĩ làm thuê cho Layard đã vẽ lại bức phù điêu và bức vẽ đó đã được in trong cuốn sách về Ninevah, xuất bản ở London năm 1853. TS Dalley đã nhận ra khu Vườn treo trong họa phẩm đó.

Nghiên cứu sâu hơn, TS Dalley cho rằng, sau khi người Assyria cướp phá và chinh phục Babylon vào năm 689 trước Công nguyên, kinh đô Ninevah của Assyria có thể được coi là “Babylon mới” và qua đó khiến sau này người ta tưởng rằng Vườn treo được xây ở Babylon "cũ".

Nghiên cứu của TS Dalley còn cho thấy, đầu thế kỷ 13 trước Công nguyên, thành phố Borsippa ở Mesopotamia cũng được mô tả là một “Babylon”. Qua nghiên cứu trước đó, Dalley còn biết được sau khi xâm chiếm được Babylon, vua Sennacherib đã đặt lại tên tất cả các cổng thành của Ninevah theo cách đặt tên của các cổng thành ở Babylon. Babylon thường lấy tên các vị thần đặt tên cổng thành. Như vậy, rõ ràng là trong thực tế Ninevah  đã trở thành một “Babylon mới”.

“Phải mất nhiều năm mới tìm được bằng chứng cho thấy khu Vườn treo và hệ thống dẫn nước có liên quan được vua Sennacherib xây dựng ở Ninevah, chứ không phải do vua Nebuchadnezzar xây dựng ở Babylon. Đây cũng là lần đầu tiên chứng minh được rằng thực sự từng có khu Vườn treo, bởi nhiều sử gia cho rằng đây chỉ là huyền thoại”- tiến sĩ Dalley nói.

Tư liệu lịch sử còn cho biết, vua Sennacherib của Assyria và   Nebuchadnezzar của Babylon đều là những nhà lãnh đạo quân sự hung bạo. Cả hai đều đã phá hủy nhiều công trình tôn giáo khác nhau. Như Nebuchadnezzar đã phá hủy ngôi đền vua Solomon ở Jerusalem (Israel) và tương truyền rằng ông từng bị biến thành một con thú vì những tội lỗi chống lại các vị thần. Còn Sennacherib phá hủy nhiều ngôi đền lớn của Babylon và cuối cùng chính ông đã bị hai người con trai của mình giết chết.

Bản đồ chỉ địa thế của Nineveh và Babylon.

Khó xây Vườn treo ở Babylon

Sau khi so sánh địa thế của Babylon và Ninevah, TS Dalley nhận thấy Babylon là khu vực không hoàn toàn bằng phẳng, khiến việc cấp nước cho Vườn treo trở nên bất khả thi. Tuy nhiên, Ninevah lại là vùng đất hoàn toàn thuận lợi cho việc xây dựng Vườn treo, với những kỹ thuật mà con người ở thời bấy giờ sở hữu. Những bằng chứng đó cho thấy, việc Vườn treo không được xây dựng tại Babylon là khá rõ ràng.  

Tìm hiểu lịch sử của Ninevah thời hậu Assyria, bà Dalley còn biết năm 331 trước Công nguyên, Alexander Đại đế đã đặt doanh trại ở gần thành phố này ngay trước khi ông chiến thắng quân Ba Tư trong cuộc chiến Gaugamela nổi tiếng. Quân đội của Alexander Đại đế đã cắm trại ở bên cạnh một trong những cống dẫn nước mà TS Dalley tin rằng chính là di chỉ của khu Vườn treo.

Trong đội quân của Alexander Đại đế còn có nhiều sử gia Hy Lạp, gồm Callisthenes, Cleitarchos và Onesicritos. Các tác phẩm của họ là những nguồn tư liệu được nhiều tác giả trong các thế kỷ sau này sử dụng, khi họ mô tả khu vườn trong các tác phẩm của mình và hiện chúng vẫn còn tồn tại.

VIỆT LÂM (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm