(TT&VH) - Ngày 4/1/1960, nhà văn, triết gia kiêm nhà báo Pháp Albert Camus qua đời ở tuổi 46 do tai nạn giao thông. 50 năm đã trôi qua, giờ đây kế hoạch đưa di hài ông vào điện Pantheon của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang gây nhiều tranh cãi.
Năm 1957, tác giả của các tiểu thuyết L’Étranger (Người xa lạ - 1942) và La Peste (Dịch hạch - 1947) đã trở thành nhà văn trẻ tuổi thứ hai được trao giải Nobel. Các sáng tác văn học của ông được đánh giá là đã “đưa ra ánh sáng những vấn đề khiến lương tâm nhân loại của thời đại chúng ta day dứt”. Và cho đến nay, Camus vẫn là nhà văn đoạt giải Nobel có tuổi đời ngắn ngủi nhất.
Nhân tròn 50 năm ngày mất của Camus, tên tuổi ông lại một lần nữa trở thành tâm điểm của sự tranh cãi, nhưng lần này không phải xung quanh những quan điểm viết văn và triết học, mà nguyên nhân là do hồi tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề xuất đưa di hài Camus từ Lourmarin, vùng Vaucluse, vào điện Pantheon ở thủ đô Paris, nơi yên nghỉ của nhiều vĩ nhân.
Mặc dù đây là một vinh dự lớn nhưng kế hoạch đó đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía gia đình Camus. Theo tờ Le Monde, con trai của nhà văn cho rằng việc chuyển di hài cha mình tới điện Pantheon là sai lầm và mang mưu đồ chính trị.
Nhiều nhà bình luận ở Paris nhận định Tổng thống Sarkozy đang cố gắn tên tuổi mình với Camus để hưởng lợi về mặt chính trị. Theo đó, ông Sarkozy muốn lôi kéo sự ủng hộ của phe cánh tả do Đảng Xã hội thường tuyên bố Camus là người của họ. Cũng có ý kiến cho rằng Tổng thống Pháp đang cố khơi lại vinh quang trước đây do Camus vẫn được coi là minh chứng cho thành công của hệ thống giáo dục hiện đại ở Pháp.
Tuy nhiên, vừa có thông tin cho biết con gái của nhà văn - Catherine Camus - sẽ thay mặt gia đình nhanh chóng đưa ra quyết định cuối cùng.
Bia mộ Albert Camus ở Lourmarin
Albert Camus xuất thân từ một nền tảng hoàn toàn khác so với những người trí thức cùng thời tại Pháp, chủ yếu thuộc tầng lớp danh giá ở Paris. Camus thường cảm thấy không thoải mái trong giới trí thức thủ đô và do đó đã phải chuyển đi nơi khác, bởi ông có nguồn gốc Algeria. Nhà văn này từng bị một số người gán cho cái biệt danh đầy miệt thị là “gã chân đen”.
Camus sinh ra tại Algeria vào ngày 7/11/1913, trưởng thành ở ngoại ô thủ đô Alger trong một gia đình thuộc giai cấp công nhân với hai người anh và mẹ đều mù chữ. Ở trường tiểu học, người thầy Louis Germain đã phát hiện ra tài năng của Camus và luôn thôi thúc cậu trò nhỏ cố gắng theo đuổi con đường học vấn. Năm 1940, Camus chuyển tới Paris, nơi ông phát triển triết lý “thời kỳ phi lý” của mình. Camus cho rằng con người không thể tìm thấy sự gắn kết trong thế giới đầy hỗn loạn, họ không có quyền lựa chọn mà phải nổi dậy. Năm 1943, ông tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít Đức và rồi làm chủ biên tờ báo Combat. Năm 1945, Camus là một trong những trí thức Pháp phản đối kịch liệt việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sau Thế chiến II, Camus tiếp tục nổi bật trong lĩnh vực bình luận chính trị. Là một người cánh tả nhưng Camus đã gây ra làn sóng tức giận ở cố hương do ông phản đối kịch liệt cách thức khủng bố trong cuộc chiến giành độc lập của Algeria.
Năm 1957, Camus đoạt giải Nobel Văn học nhờ những tác phẩm khảo sát các vấn đề mà “lương tâm con người phải đối diện”. Khi nhận giải, ông bày tỏ lòng biết ơn người thầy giáo xưa kia đã truyền cảm hứng cho mình. Ba năm sau đó, Camus đột ngột qua đời. Mặc dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng các tác phẩm của ông vẫn có giá trị lớn ở Pháp và tiếp tục được giảng dạy trong trong các trường học.
Lương Tuấn Vĩ