03/05/2016 11:23 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Một ngày tháng 4 năm 1986 tập mới nhất của bộ phim truyền hình về tội phạm nổi tiếng của Đức, Tatort, lên sóng. Sau 90 phút thì bỗng nhiên các đài phát thanh nhận được hàng tấn các cuộc gọi.
Chẳng ai hỏi han đến bộ phim, chỉ duy nhất một câu hỏi được vang lên, ai đã hát bài hát trong phim? Đến lúc đó, Dj của các đài phát thanh cũng ngơ ngác. Đến hôm sau thì một cơn lũ mang tên Midnight Lady (Người đàn bà nửa đêm) bắt đầu ngập tràn các sóng.
Midnight Lady là một bài hát lạ lùng khi nó làm cho bộ phim truyền hình Tatort càng nổi tiếng hơn. Và nó cũng là bài hát cứu vớt sự nghiệp của một danh ca tưởng đã chìm nghỉm, Chris Norman.
Bơ vơ hậu Smokie
Chris Norman không phải là một tay tầm thường. Cùng với nhóm Smokie, danh ca người Anh này đã làm nên rất nhiều kỳ tích âm nhạc. Những bài hát của họ như I’ll Meet You At The Midnight, Living Next Door To Alice, It’s Your Life hay Lay Back In The Arms Of Someone… đã trở thành những bài hit toàn cầu ở thập niên 1970.
Chris Norman lúc ấy là linh hồn của Smokie với tài năng sáng tác đang ở đỉnh cao cùng với chất giọng mũi đặc biệt cộng thêm chất khàn hiếm có. Không có Norman, Smokie gần như không thể tồn tại.
Điều ấy rồi sẽ đến, sau một vài tín hiệu chẳng có tí khả quan nào. Năm 1979, các bảng xếp hạng âm nhạc khắp nơi đồng loạt đưa lên quán quân bài hit mới nhất có tên gọi Stumblin’ In. Đây là bài hát đầu tiên hợp tác giữa Chris Norman và nàng rocker kiều diễm, Suzi Quatro. Và họ đã thắng oanh liệt. Bài hát mở ra một bầu trời đầy sáng lạn với Chris Norman khi anh bắt đầu cảm thấy mối tình với Smokie bắt đầu lung lay.
Nhưng mọi chuyện vẫn trôi chảy trong âm thầm chịu đựng cho đến khi Smokie phát hành album mới nhất Strangers In Paradise vào năm 1982 thì cùng lúc đó Chris Norman phát hành album solo đầu tiên trong sự nghiệp, Rock Away Your Teardrops.
Nhưng đời không như mộng tưởng, album Rock Away Your Teardrops đã cuốn đi của Norman những hy vọng khi nó gần như chẳng thèm được đoái hoài, không một lời ca tụng và doanh số bán ra thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.
Và thời điểm ấy bắt đầu một chuỗi dài những ngày buồn bã của Chris Norman. Nó kéo dài tới 4 năm, cho đến đầu 1986, bất ngờ Chris Norman nhận được một cú điện thoại từ nước Đức, đầu dây bên kia là Dieter Bohlen, một tay sáng tác đang ở phong độ đỉnh cao.
Người đàn bà nửa đêm
Dieter Bohlen là một nhạc sĩ rất nổi tiếng của Đức, người đứng đằng sau rất nhiều bài hit của các ca sĩ danh tiếng. Các ca khúc của Bohlen được yêu thích khắp châu Âu và cũng tại thời điểm 1986 ấy, Bohlen đang là một nửa của nhóm nhạc đang gây sốt gần như toàn cầu, Modern Talking.
Đầu năm 1986 Bohlen nhận được lời viết nhạc và tìm ca sĩ từ nhà sản xuất bộ phim truyền hình ăn khách Tatort. Phần mới đã quay xong và chuẩn bị phát sóng, nhà sản xuất cần một bài hát cho phim và họ chọn Bohlen. Đổi lại Bohlen được quyền chọn ca sĩ.
“Thật ra lúc đó ở Đức có rất nhiều danh ca và tôi có thể chọn dễ dàng nhưng lúc ấy trong đầu tôi chợt nghĩ đến ngay Chris Norman, thần tượng của tôi, người cùng với Smokie tạo nên một thứ âm thanh mà cả một thời tuổi trẻ của tôi mê đắm”, Bohlen nhớ lại. Nhưng khi anh đề xuất với nhà sản xuất thì bỗng va phải những ánh mắt nghi ngờ.
Mà nghi ngờ cũng có cơ sở khi suốt một thời gian dài cái tên Chris Norman không xuất hiện và việc để một ca sĩ đã chìm nghỉm đi hát một bài hát trong một bộ phim đang hot quả là một lựa chọn nhiều rủi ro. Nhưng Bohlen xác quyết “Phải là Chris Norman hoặc không”.
Và rồi cuộc điện thoại đã xảy ra. Lúc ấy, trong tay Bohlen còn chưa có bài hát nào.
Đầu tháng 3, Chris Norman đến Đức, đúng hơn là trở lại quốc gia đã từng tôn vinh không mệt mỏi những bài hát của Smokie. Nhưng với Chris Norman thì không. Nước Đức đón chào anh với cái nóng hanh da và những ánh mắt hoài nghi.
Cuộc họp với Bohlen và các nhà sản xuất diễn ra khá buồn tẻ. Chỉ có mỗi Bohlen là hào hứng khi anh tuyên bố sẽ viết một bài hát ballad vừa vặn với giọng hát của Chris Norman. Các ông chủ thì húng hắng ho còn Chris Norman thì ra vẻ cảm động dù anh chẳng biết rồi sẽ đi đến đâu.
Cuộc họp kết thúc, Chris Norman về khách sạn, Bohlen lái xe chở vợ, Erika Sauerland, đi chợ ở siêu thị như đã hứa trước đấy. Nửa tiếng sau, Erika bước ra khỏi siêu thị thì Bohlen đã sáng tác xong Midnight Lady.
Ngày hôm sau Bohlen đến khách sạn đón Norman với bản tổng phổ đầy đủ đã được chỉnh sửa tươm tất. Cả hai cùng ăn sáng và Norman, dù chưa hát, nhưng cũng xúc động thật sự với những gì Bohlen đã sáng tác ra. Chiều hôm ấy, họ vào phòng thu và một tuyệt phẩm đã ra đời.
Hôm sau Norman về lại Anh quốc với những hoang mang tiếp tục về con đường âm nhạc phía trước.
20h15 ngày Chủ nhật, 13/4/1986, phần mới nhất của Tatort lên sóng. Bohlen ngồi một mình trên sofa đối diện với cái tivi quen thuộc. Anh không xem mà nghe bài hát của mình như thế nào. Và rồi Midnight Lady xuất hiện với câu intro nhẹ nhàng của piano, giọng hát Chris Norman nối theo sau “Em nghĩ tình yêu là trò đùa trong khi tình yêu là cảm xúc”. Bohlen nhắm mắt lắng nghe và sung sướng hài lòng với sự lựa chọn tuyệt vời của mình.
Đến hôm sau thì Midnight Lady thắng đậm trên mặt trận truyền thông. Thừa thắng xông lên, ít hôm sau, single bài hát này chính thức phát hành và 6 tuần liên tiếp nó đứng quán quân ở nhiều bảng xếp hạng. Trong vòng 1 tuần, 1 triệu bản đã bán hết vèo ở Đức.
Nhưng ở Anh khi đó Norman lại chẳng biết gì. Anh vừa gọi đện cho những người bạn cũ ở Smokie để đề cập đến việc tái hợp nhóm. Ai cũng hồ hởi và đồng ý ngay tắp lự. Nhưng 3 hôm sau tin động trời lại nổ ra khi Norman lại gọi và nói rằng “Thôi, tớ không tham gia nữa và tớ cũng chính thức rời khỏi ban”. Đó là lúc Chris Norman vừa nghe tin Midnight Lady thắng tuyệt đối ở châu Âu và giờ là lúc cuộc đời solo của anh đổi vận.
Thay vì tái hợp, Chris Norman thu xếp vali bay sang Hamburg một lần nữa. Lần này là cùng Bohlen sản xuất album thứ 2 của sự nghiệp solo, Some Hearts Are Diamonds, trong đó có cả Midnight Lady. Và lần này cuộc đời đã gọi tên, album này thắng lợi rực rỡ và đưa Norman chính thức được gọi tên mà không cần phải dính dáng đến Smokie.
Giờ Norman vẫn đi diễn và đông khách nhưng anh lại không bao giờ hợp tác với Bohlen nữa vì quan điểm âm nhạc của cả hai không giống nhau. Người thích chơi guitar và các nhạc cụ thật, người còn lại thì thích điện tử và sử dụng âm thanh số nên họ không gặp được nhau nữa.
30 năm qua họ cũng chẳng gặp nhau nhưng lúc nào họ cũng có nhau bởi dù diễn ở đâu thì Midnight Lady lúc nào cũng có trong danh sách bắt buộc của Chris Norman.
Cùng nghe lại ca khúc Midnight Lady (Người đàn bà nửa đêm):
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất