Người đẹp Việt đi thi quốc tế: ‘Trắng tay’ vì chưa biết ‘làm đẹp’!

20/11/2013 10:09 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Lại một lần nữa nhan sắc Việt Nam mà đại diện là Trương Thị May hoàn hoàn trắng tay trở về ở cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2013. Lại một lần nữa chúng ta đặt câu hỏi tại sao người đẹp Việt cứ… trắng tay hoài như vậy?! Nhất là năm nay, Trương Thị May đã mang rất nhiều hy vọng bởi vẻ đẹp và sự thân thiện, nỗ lực, cô đồng thời cũng nhận được sự cổ vũ nhiệt tình từ công chúng.

Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn, “ông bầu” nổi tiếng với hàng loạt học trò được giải cao ở các cuộc thi siêu mẫu, hoa hậu… đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện này…

* Trương Thị May đã hoàn thành nhiệm vụ!  

Trương Thị May là học trò đầu tiên của tôi khi tôi còn là nhà tạo mẫu tóc. Lần đầu tiên gặp May là khi May đến tiệm của tôi làm tóc cùng mẹ, tôi đã ấn tượng với vẻ đẹp mặn mòi và tin rằng cô ấy là nhân tố lạ trong nghệ thuật. Cũng từ May, tôi có cảm hứng được đào tạo và giúp những nhan sắc có đường đi tốt để đạt được những kết quả cao trong đấu trường nhan sắc. Nhưng May và mẹ khi đó cũng chưa hiểu showbiz là gì, nên phải tới 2 năm sau tôi mới dám “bắt cóc” May để tham gia cuộc thi Hoa hậu phụ nữ qua ảnh của báo Phụ nữ Việt Nam. May đã đoạt Á hậu.

Những dự đoán, cách nhìn của tôi đã đúng, bởi chỉ sau đó 1 năm, May đoạt Á hậu Hoa hậu các dân tộc Việt Nam. Sau này khi hai anh em không cộng tác với nhau nữa, tôi vẫn coi May như cô em gái thân thương của mình. Điều mà cho đến giờ tôi vẫn cảm thấy ưng ý với cô học trò đầu tiên này, chính là sự hồn nhiên và lối sống hướng thiện mà ít ai có được. Cũng nhờ vẻ đẹp tâm hồn được toát ra từ thần thái của cô gái này, mà cô được rất nhiều công chúng yêu thương, tin tưởng, cổ vũ khi đi thi Hoa hậu Hoàn vũ.



Chuyên gia đào tạo Phúc Nguyễn

Tuy nhiên, phải hiểu một điều rằng được công chúng ủng hộ là hạnh phúc lớn nhất mà bất cứ ai cũng mơ ước, đó cũng là một trong những thành công lớn lao mà May đã may mắn có được, nhưng điều đó không tác động gì được đến kết quả của cuộc thi. Nếu chúng ta biết “ủng hộ” một cách thiết thực hơn, cụ thể hơn từ những việc tưởng chừng rất đơn giản như khâu chuẩn bị chẳng hạn, cho May được nhiều thời gian hơn, đủ điều kiện kinh tế để “đánh trận” thì kết quả có lẽ sẽ tỷ lệ thuận với “mong đợi” hơn.

Ông cha ta đã có câu “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”, niềm tin không bao giờ là đủ ở một đấu trường quốc tế, mà vấn đề chính là những kế hoạch chu đáo, một con đường dài có những tính toán kỹ lưỡng… Thế nên, tôi không bất ngờ khi May trắng tay, bởi ngay từ khi chứng kiến việc May chuẩn bị vội vàng, tôi đã thấy rằng May sẽ chỉ làm tốt nhất được vai trò giới thiệu đến thế giới về con người và đất nước Việt Nam. Và May đã làm tốt được việc đó với hình ảnh thân thiện, dễ thương, với việc tôn vinh màu cờ sắc áo của mình…

Cũng có nhiều tờ báo nói về sự thất vọng, nhưng tôi nghĩ, với những gì đã có, May đã làm rất tốt công việc của mình rồi và như thế là cô đã chiến thắng.

* Yếu tố cần và đủ để chiến thắng: tiền + thời gian!?

Nói chung, nếu theo dõi những người đẹp đã từng dự thi quốc tế của Việt Nam và so với tương quan nhan sắc quốc tế, thì chúng ta không hề thua kém. Thậm chí chúng ta có quyền tự hào. Nhìn vào thời điểm này, những Hoa hậu như Mai Phương Thúy hay Thùy Dung, đều là những thí sinh tiềm năng để ứng thí với các nhan sắc quốc tế.

Tuy nhiên, rõ ràng, vẻ đẹp “bên ngoài” sẽ không đủ quyết định đến việc thắng thua, mà ở trường đua quốc tế, muôn vàn yếu tố khác sẽ quyết định. Một điều thực sự đáng tiếc là chúng ta yếu trong khâu giúp nhan sắc Việt “làm đẹp”, đây là một yếu tố quan trọng khi “đấu nhan sắc”. Nhan sắc Việt hoặc là chưa biết “làm đẹp” hoặc là “làm đẹp” chưa đúng, chưa đủ với những tiêu chí khá gắt gao của đấu trường nhan sắc quốc tế. Ngoại ngữ giỏi, trình độ học vấn và sự am hiểu xã hội là một trong những món đồ “làm đẹp” mà người đẹp cần phải quan tâm hàng đầu.

Không chỉ giỏi về trí tuệ, mà người đẹp còn phải biết “làm đẹp” đúng nghĩa từ tất cả những kỹ năng khác như trang điểm, biết chọn lựa trang phục để tỏa sáng, cùng với tất cả các kỹ năng như catwak, diễn xuất trước ống kính, giải phóng hình thể… đều cần phải được đào tạo bài bản. Đó là những điều tối thiểu mà nếu làm tốt thì may ra có thể nghĩ đến việc tiếp cận những giải thưởng.



    Trương Thị May trắng tay trở về

Nói gì thì nói, cuối cùng vẫn là câu chuyện có vẻ cũ kỹ về việc chuẩn bị cho các sắc đẹp bước ra đấu trường quốc tế của chúng ta, một nguyên nhân gây nên thất bại. Và vấn đề chính là câu chuyện của “tiền” và “thời gian”. Chuyện hậu trường mà không phải công chúng nào cũng biết là để đưa thí sinh đến đấu trường quốc tế thì đơn vị cử đi buộc phải mua bản quyền tham dự với số tiền không nhỏ. Với số tiền đó, thí sinh dám bỏ tiền ra  để đi thì không đủ tiêu chuẩn, còn thí sinh đủ tiêu chuẩn thì không có đủ tiền.

Cuối cùng là thí sinh được chọn sẽ phải phụ thuộc vào “con mắt” của nhà tài trợ, nhà tài trợ thì phụ thuộc vào hiệu ứng kinh doanh để lựa chọn thí sinh. Sau khi chính thức được chọn và cấp phép thí sinh đó có được vài tuần để chuẩn bị. Thường thì rất ít có thí sinh nào có hẳn được vài tuần, ai có được 1 tháng đã là nhiều lắm rồi vì quá trình chọn lựa, quyết định thí sinh dự thi luôn vào phút chót, rất cận kề. Thế là, khi được chọn rồi, các em sẽ phải tự bơi trong trong một đống công việc, hoàn thiện hàng tỉ kỹ năng mà mỗi kỹ năng chỉ có vài giờ hoặc đôi ba ngày, chu toàn mọi thứ với số kinh phí tài trợ eo hẹp…

Đã thế, trang phục thì các nhà thiết kế may vội vàng, số còn lại đi mượn tạm. Người ta vẫn nói “người đẹp vì lụa”, ngay cả khâu đó còn làm chưa tốt thì trông mong gì vào kết quả tốt!?

Cho đến giờ này, chưa bao giờ chúng ta cử người đẹp đi với tâm lý “quyết chiến quyết thắng”, chưa bao giờ có một hành trang đầy đủ và đào tạo, xây dựng được một “chiến binh” với tài sắc vẹn toàn. Nếu còn như vậy, thì chúng ta còn thất bại… Tất cả những gì chúng ta có bây giờ là sự tự phát, điều đó cũng đồng nghĩa với “trắng tay”.

Ai cũng hiểu, nếu người đẹp Việt có mặt trên bản đồ sắc đẹp thế giới, đó là cách thức rất hiệu quả để quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam. Việc đưa thí sinh đi dự thi quốc tế là con đường cần phải có sự đầu tư kỹ lưỡng và có tầm chiến lược. Việc đó không nên chỉ là việc của những đơn vị tư nhân nhỏ lẻ hoạt động vì lợi ích riêng mà nên là công việc có sự quan tâm lớn của ngành văn hóa một cách sâu sắc. Bởi, mỗi người đẹp đi ra nước ngoài thi sắc đẹp, cũng chính là một “Đại sứ du lịch” có tiếng nói rộng khắp và hiệu quả chứ không đơn giản chỉ là chiếc vương miện đội trên đầu. 

                               Theo Nam Phong
Phụ nữ Thủ đô


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm