Nhà thơ Bảo Sinh: Lần đầu bật mí về hàng ngàn câu thơ truyền khẩu

22/02/2016 21:59 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - 15h chiều mai, ngày 16 tháng Giêng năm Bính Thân (tức 23/2/2016), nhà thơ dân gian Bảo Sinh tổ chức một buổi lễ đặc biệt để giới thiệu tác phẩm mới nhất của mình: Huyền ngôn (NXB Hội Nhà văn) tại tư gia ở số 30 ngõ 167 – Trương Định (Hà Nội). Đây cũng là nơi ông lập 'chùa' Tề Đồng Vật ngã để 'siêu sinh' cho chó mèo.

 Ba năm trở lại đây ông liên tục cho ra mắt những cuốn sách, từ Bát phố, Huyền thi, Thiền dân gian cho tới Huyền ngôn, trong đó Bát phố được đề cử giải Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội năm 2014 của báo Thể thao & Văn hóa (ở hạng mục Tác phẩm). Nhưng Huyền ngôn mới chính là chân dung đầy đủ nhất về tinh thần Bảo Sinh.


Bìa tập thơ "Huyền ngôn" của nhà thơ dân gian Bảo Sinh

Huyền ngôn không phải là tác phẩm thơ hay văn xuôi, mà là một tạp bút, mà ở đó, Bảo Sinh tự luận giải thơ của chính mình dưới ánh sáng của Thiền – thứ “trí huệ” mà ông tôn sùng nhất, nhưng ông không sử dụng Thiền “nguyên bản” mà chế tác thành “Thiền dân gian”. Ông tự coi đó là một công án thiền mang hình dạng văn chương. Ở đó ta thấy hai phần: thơ Bảo Sinh và những câu chuyện Thiền để hai bên bổ khuyết cho nhau. Thơ giải thích cho triết lí truyện, truyện giải thích cho phần “huyền hoặc” của thơ.

Bảo Sinh vẫn thường nói “trong các trò chơi của “tánh không” thì chơi chữ và chơi tình ái là hay nhất”. Chả vậy mà đến tuổi 76 ông vẫn dành trọn cho trò chơi chữ nghĩa với đúng nghĩa một thú chơi.

Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen...
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm

“Huyền ngôn” gói trọn lại 76 năm tư duy

Yết kiến nhà thơ Bảo Sinh nhiều lần, tất cả những trải nghiệm, sai lầm, thành công ông không tập trung vào văn chương như một cách tự sự mà nâng tầm thành một thứ triết lí thiền học.

Ở thời đại công nghệ thông tin, Bảo Sinh cho rằng thực ra độc giả phải ngốn một lượng thông tin quá nhiều và không còn thời gian để những cô thiếu nữ mơ màng đọc tiểu thuyết lãng mạn. Văn chương cần đạt đến mức cô đọng và triết lí đời sống. Nhưng không phải ai cũng viết được như vậy như vậy nếu không có một lượng tri thức lớn và từ đó đúc rút và tiết chế tạo thành một hệ thống quan điểm sống vững chắc.

Huyền ngôn gói trọn lại 76 năm tư duy, trải nghiệm và đúc rút triết lí một cách dễ hiểu và cô đọng nhất của tác giả Bảo Sinh.

Nổi tiếng ở Hà Thành với vai trò ông chủ khách sạn chó mèo, là người có hàng nghìn bài thơ truyền khẩu được đọc như ca dao trong dân gian và rất nhiều danh xưng khác chưa kể hết. Vốn tri thức sống được nâng thành triết lí sống đã tạo nên sự hấp dẫn của thơ văn Bảo Sinh.

Trước khi ra mắt Huyền ngôn, Bảo Sinh tâm sự với tôi rằng, đây là cuốn sách cuối cùng mà ông viết. Nếu không thành công thì coi như cuộc chơi văn chương đến thế là kết thúc, nếu thành công thì với ông viết thêm nữa cũng khó hơn được vì đó chính là bản thể của Bảo Sinh rồi. Thành công hay thất bại của 1 tác phẩm là nằm ở mặt tư tưởng nên dù có tãi ra thật dài hay thu gọn lại cũng không làm tăng giá trị tư tưởng của nó.

“Là tất cả nhưng chẳng là ai”

Bảo Sinh luôn tôn trọng tất cả những ý kiến mà những độc giả "thanh tâm" giành cho mình dù khen hay chê.

Ban đầu khi Huyền ngôn còn ở dạng bản thảo, Bảo Sinh đã dành riêng 1 phần với những đánh giá giả độc giả từ sinh viên cho đến những nhà phê bình nổi tiếng và các bạn văn trong nghề.

Tuy nhiên tất cả những nhận định về Bảo Sinh đều chưa đủ nên ông đã viết lời bạt cho chính mình như một khách thể bên ngoài. Phong cách của Bảo Sinh chính là không có một phong cách nào cả.

Cùng chung một chuyến đò ngang
Kẻ thì sang bến, người đang trở về
Lái đò lái mãi thành mê.
Sang, về chẳng biết là về hay sang

Thơ ông vừa chân phương, quê mùa như Nguyễn Bính nhưng thấy được sự vô thường của thời gian và con người qua từng thời đại, giống với Hồ Xuân Hương nhưng Bảo Sinh triết lí về phồn thực còn Hồ Xuân Hương miêu tả phồn thực một cách đại tài.

Người ta thường gọi Bảo Sinh là hậu Bút Tre bởi những câu thơ tếu táo nhưng ở Bảo Sinh sự châm biếm đạt đến độ triết lí...


Nhà thơ dân gian Bảo Sinh

Bảo Sinh là tất cả nhưng lại chẳng là ai. Để thừa nhận điều đó là không dễ dàng với một người làm nghệ thuật bởi tạo ra một tên tuổi riêng với phong cách riêng đã khó sao có thể lên tiếng rằng tôi giống tất cả. Ông đã có một phát ngôn gây sốc trong làng văn chương khi đi ngược lại lí thuyết về phong cách văn học.

Vừa khiêm tốn, vừa tự tin đến mức thượng thừa khi so thơ mình với tất cả mhững đỉnh cao văn học Việt Nam và thế giới. Chắc chắn đây không phải phát ngôn vừa lòng tất cả mọi người nhưng bản thân nó đã nói nên đúng tính chất văn chương của Bảo Sinh. Bởi lẽ theo ông con người ta sống mọi trạng thái cảm xúc khi vui buồn, khi bỗ bã, lúc thê lương, não nùng. Tại sao chúng ta lại chỉ làm được một kiểu thơ trong khi chúng ta là tất cả.

Đọc Huyền ngôn dễ chịu bởi tâm không của chính người viết. Ta thấy cái lạ trong cái quen, cái quen trong cái lạ. Bảo Sinh “song kiếm hợp bích” với Bồ Tùng Linh trong phần Liêu trai chí dị phần thiền cõi âm. Nếu không ghim sẵn những định kiến trong tâm trí, chắc chắn Huyền ngôn sẽ khai mở cho độc giả rất nhiều triết lý về cuộc sống giản dị và một cách hiểu Thiền gần gũi và dân gian hơn.

Ta chỉ cần là người đọc thanh tâm để thưởng thức được một tác phẩm thiền hiện đại:

"Núi thiêng mới đặt miếu thờ
Thanh tâm ta mới bình thơ cùng người"

(Bảo Sinh)

Hương Huyền


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm