12/07/2015 13:10 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) -Tổ quốc gọi tên là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Phan Quế Mai được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ thành ca khúc Tổ quốc gọi tên mình lay động hàng triệu trái tim. Ca khúc được đề cử giải Âm nhạc Cống hiến lần 10 – 2015 của báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) ở hạng mục Bài hát của năm. Và tập thơ mới nhất cùng tên của nhà thơ xa xứ cũng vừa ra mắt.
Tuần qua, Nguyễn Phan Quế Mai từ Philippines trở về Việt Nam dự buổi ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình tại Bảo tàng Phụ nữ, Hà Nội.
Sự kiện xúc động như chính những vần thơ của tác giả. Tất cả ngập tràn trong màu đỏ: áo dài của nữ nhà thơ, áo cờ đỏ sao vàng của nhóm hát và những người đến dự.
Xa Tổ quốc mà vẫn “rất Việt Nam”
Đông đảo nhà văn, nhà thơ ở nhiều miền Tổ quốc (vừa đến Hà Nội để dự Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 từ 9 đến 11/7) và người yêu thơ Nguyễn Phan Quế Mai đã đến chung vui với lần trở về tri ân Tổ quốc của chị. Quế Mai đang định cư tại Philippines cùng người chồng Đức và hai đứa con lai rất xinh xắn.
“Một nhà văn Philippines từng nói một khi ta sống xa Tổ quốc, ta như mất đi một phần thân thể. Tôi cũng cảm thấy cơ thể mình không được lành lặn khi sống xa Tổ quốc. Viết là cách làm cho cơ thể lành lặn trở lại” – Quế Mai tâm sự.
Thơ Quế Mai dạt dào lòng yêu nước và hướng về quê nhà. Vẻ bề ngoài của chị cũng đậm chất Việt Nam với mái tóc đen dài và khuôn mặt có đường nét Việt khó lẫn vào đâu được. Mỗi lần về Việt Nam tham gia sự kiện, Quế Mai thường mặc áo dài. Lần này, là tà áo dài đỏ.
“Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình/ Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá/ Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả/ Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây” là những câu thơ bắt đầu bài Tổ quốc gọi tên. Sáng tác bài thơ trên một chuyến bay từ Hà Nội đi châu Âu cách đây nhiều năm.
Trong buổi ra mắt sách, Quế Mai đã đọc bài thơ này cùng các tác phẩm khác như Cha tôi, Mẹ tôi, Gian bếp của mẹ, Người làm vườn trong Đại Nội…Giọng đọc rất diễn cảm, nữ nhà thơ khiến nhiều khán giả nghẹn giọng. Những người khác trở về từ buổi ra mắt sách cũng bồi hồi.
Riêng tư nhưng không vụn vặt
Khác với thơ ca của những tác giả khác tập trung vào cá nhân, thơ Quế Mai mang tinh thần phổ quát rất rõ về Tổ quốc, thiên nhiên và con người, dù cũng có những bài thơ về tình yêu đôi lứa. Như nhà văn Lê Phương Liên viết bày tỏ cảm nghĩ: “Hơn tất cả là vì tập thơ của Quế Mai đã chạm tới được phần sâu thẳm nhất của người Việt Nam: Tình yêu Tổ quốc!”.
Tác giả không sống tại Việt Nam nên sáng tác của Quế Mai không theo hướng bám sát từng biểu hiện nhỏ nhặt của cuộc sống người Việt đương đại, nhưng vẫn không cũ mòn với các chủ đề bao trùm nhiều thời đại.
“Chạm đến cái riêng tư vẫn không sa vào vụn vặt” là nhận xét của Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội khi trao giải cho tập thơ Cởi gió của Quế Mai năm 2010.
Thơ Quế Mai là trường hợp thành công tuyệt vời khi cộng hưởng cùng âm nhạc. Chị kể, anh trai chị là Nguyễn Hồng Sâm từng nghe Tổ quốc gọi tên mình trên một chuyến xe cùng những người bạn. Khi anh nói bài hát phổ thơ em gái mình, mọi người ngạc nhiên đến nỗi nhất quyết không tin.
Đơn giản, bài hát quá quen thuộc và hào hùng, khơi dậy cảm xúc tự hào nhất từ mọi người dân đất Việt, cảm giác như thấm đẫm lịch sử trong từng câu chữ, lại được viết bởi một người chưa già (Quế Mai sinh năm 1973).
Thơ Quế Mai cũng thể hiện sự tinh tế ngôn từ của một tác giả đa ngôn ngữ, lợi thế rất lớn của người cầm bút hiện nay. Sống và giao tiếp thường xuyên không bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng tiếng Việt của chị vẫn “giàu có” mà không sa đà hoa mỹ.
Nguyễn Phan Quế Mai năm 1973 tại Ninh Bình, lớn lên tại Bạc Liêu. Tốt nghiệp chương trình thạc sĩ viết văn của Đại học Lancaster (Anh), chị vừa được trao tặng học bổng Tiến sĩ. Hiện chị đang học và làm việc cho trường đại học Lancaster.
Nha Đam
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất