Nhà thơ Thanh Tùng 'Thời hoa đỏ': Một thời sống bằng... nắm đấm

15/07/2015 12:28 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ngày 8/7, nhà thơ Thanh Tùng cùng nhiều đồng nghiệp cầm bút đang sinh sống tại TP.HCM vừa ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9. Dù sống ở phương Nam 20 năm nhưng mỗi lần ra Hà Nội với Thanh Tùng như là dịp “trở về”.

* Trông ông đang rất háo hức cho chuyến đi dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần này?

- Đại hội 5 năm diễn ra một lần khiến tôi rất háo hức và mong chờ. Là người viết, quan trọng là sáng tạo của mỗi cá nhân chứ không phải chuyện bầu bán ai vào Ban chấp hành, ai làm chủ tịch hội. Với tôi, đại hội là dịp để gặp mặt bạn viết, tay cầm tay, thăm hỏi sức khỏe của nhau. Tôi năm nay 80 tuổi rồi, gặp mặt bạn viết sau 5 năm, xem ai còn ai mất rất có ý nghĩa.

Hơn nữa, Hà Nội gắn bó với tôi nhiều thứ. Hà Nội đi vào thơ tôi như một phần không thể thiếu trong cuộc đời sáng tác của mình. Nhiều người biết bài hát Hà Nội ngày trở về của Phú Quang phổ nhạc thơ tôi. Tôi viết về Hà Nội với tất cả tình cảm chân thành của mình: “Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ, tôi vội vã trở về. Để lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm, trên đường phố Khâm Thiên... Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ. Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế, như dòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi”.


Nhà thơ Thanh Tùng tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 - 2010

* Ông quê ở Nam Định, lớn lên ở Hải Phòng, tuổi già sống ở Sài Gòn, dường như Hà Nội trong ông chỉ là thoảng qua?

- Chính vì thế, tôi mới viết trong bài Hà Nội ngày trở về: “Vội vã trở về vội vã ra đi. Chẳng thể nào qua hết từng con phố…”. Hà Nội không chỉ riêng tôi, mà có lẽ còn với nhiều người, tuy chỉ thoáng qua đó dù chỉ một lần, vẫn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Với nhà thơ như tôi, sự sâu đậm đó được khắc họa bằng sáng tác của mình.

* Biết nhà thơ Thanh Tùng gắn bó nhiều năm với Hải Phòng, mọi người đều cho rằng bài thơ Thời hoa đỏ của ông viết về “thành phố hoa phượng đỏ”?

- Bài Thời hoa đỏ của tôi được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc: “Mỗi mùa hoa đỏ về. Hoa như mưa rơi rơi… Trong câu thơ của em, anh không có mặt. Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say”. Nhiều bạn đọc cứ nghĩ tôi ở Hải Phòng và Hải Phòng có nhiều hoa phượng nên cứ “mặc định” là bài này viết về thành phố cảng. Kỳ thực, bài này tôi viết về người vợ quá cố của mình, bà tên Nhàn.


Năm 2013, bạn văn ở TP.HCM bỏ kinh phí in tặng Thanh Tùng tập thơ Thời hoa đỏ và những bài thơ chọn lọc sau khi ông bị tai nạn giao thông chấn thương cột sống. Tập thơ chia thành các phần: Hải Phòng và những tháng ngày lang bạt; Quả táo Hồ Chí Minh và những bài thơ viết ngoài vòng tay Tổ quốc; Hà Nội - Huế - Sài Gòn và những lời tình dang dở; Nhịp điệu Phương Nam và những dòng thơ ngắn

* Được biết, cuộc hôn nhân của ông với bà Nhàn không có kết cục đẹp như thơ?

- Chính vì kết cục không như mơ, nên tôi mới viết: “Anh đâu buồn mà chỉ tiếc. Em không đi hết những ngày đắm say”. Cuộc hôn nhân này im đậm trong nhiều sáng tác của tôi, ví dụ bài Thất tình, tôi viết: “Em đã để lại trong tim tôi một mũi dao. Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút. Tôi mang nó suốt đời, còn em thì không biết. Những mùa Thu ướt máu vẫn đi về. Bây giờ mọi thứ thuốc đều vô hiệu. Tôi chữa bằng rượu thôi. Nhưng có sao, khi trái tim tôi đã thành bình rượu. Và mũi dao kia chắc đã say mèm”.

Tôi hiện sống với con gái Lan Hương tại Sài Gòn. Lan Hương là kết tinh của mối tình giữa tôi và bà ấy. Đời tôi thế này cũng đủ gọi là hạnh phúc với con cháu rồi.

* Ông và bà Nhàn chia tay khoảng những năm 1980 nhưng mãi đến năm 1995 ông mới đi bước nữa. Chuyện ông đi bước nữa nghe kể cũng rất ly kỳ?

- Năm 1995, tôi 60 tuổi đang đi đi về về giữa Hà Nội - Hải Phòng. Vợ chồng nhà thơ Hoàng Hưng đang sống tại TP.HCM, biết hoàn cảnh đơn chiếc của tôi, đã mai mối bạn của họ là bà Thanh cho tôi. Thời chiến tranh chống Mỹ, bà Thanh đi thanh niên xung phong và gửi cả tuổi trẻ của mình ở đó. Ngày tôi vào Nam cưới bà Thanh, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tiễn tôi ra ga, chỉ vào cái ba lô con cóc của tôi, Kha nói đùa: “Tài sản 60 năm cuộc đời là đây”.

Tôi vào sống với bà Thanh với tài sản là cái ba lô con cóc. Thương bà, tôi viết: “Anh đang sống trong ngôi nhà của em, đã mua với giá của cả thời thanh xuân thiếu nữ”.

* Ngoài các sáng tác được phổ nhạc nhiều người biết, ông còn nổi tiếng với khả năng ứng khẩu thành thơ.

- Tôi là người dễ xúc động và mau nước mắt. Trước những mảnh đời thương tâm, tôi rất dễ khóc. Bạn bè hay trêu tôi là người “hay khóc và hay hát”. Khi mới vào TP.HCM, đang ngồi bia hơi vỉa hè, có một cháu bé mời mua vé số, tôi sờ túi không có tiền để mua nên khóc ngon lành. Ngay sau đó, tôi ứng khẩu bài thơ, được một bạn thơ ghi lại, rằng: “Tôi khóc vì không có tiền mua vé số. Mua cho tôi một niềm may. Mua cho em một niềm vui. Và biết đâu mua cho em một tấm vé vào đời”. Tính hay xúc động của tôi, chắc “bị lây” từ nhà văn Nguyên Hồng. Tôi mê Bỉ vỏ của Nguyên Hồng từ thuở nhỏ, lớn lên được hầu rượu ông thường xuyên, thấy ông dễ xúc động và tôi cũng rơi nước mắt tự lúc nào không hay. Còn tôi hay hát là bởi thích hát thơ của mình thay vì đọc, chuyện chỉ vậy thôi.


Nhà thơ Thanh Tùng và con gái Lan Hương - kết tinh của mối tình “thời hoa đỏ” giữa ông và bà Nhàn

* Có giai thoại kể rằng, nhờ tài ứng khẩu và hát thơ mà ông đã đánh đuổi được bọn cướp?

- Chuyện đó bạn bè đùa vui với tôi thôi. Thời chiến tranh chống Mỹ, tôi làm công nhân đóng tàu ở Hải Phòng. Khi đó bút giấy rất hiếm, tôi thường làm thơ bằng các cục than viết lên các tấm thép. Nhưng làm thơ như vậy thì đâu có lưu lại được, nên sau này tôi nhẩm thơ trong đầu đến thuộc luôn. Chính cách làm thơ như thế đã tạo cho tôi khả năng ứng khẩu rất nhanh. Trước một vấn đề, một câu chuyện khiến tôi xúc động, tôi đều có thể đọc ra thành một bài thơ rồi về nhà chép ra giấy.

Sau khi thôi làm công nhân “quai búa” ở nhà máy đóng tàu, thời bao cấp tôi chuyển nghề làm “áp tải” hàng từ cảng Hải Phòng lên Hà Nội. Thời đó, đường 5 trộm cướp rất nhiều, mỗi chuyến áp tải hàng phải căng mắt quan sát để không bị mất hàng. Tôi cũng hay tự giễu mình: “Tên cướp nào lì lợm, tôi không đọc thơ nữa mà chuyển sang hát thơ của mình. Nếu chúng vẫn lì lợm không chạy thì tôi chuyển sang… khóc bằng thơ thì bọn cướp phải bỏ của chạy lấy người thôi”.

* Việc ông làm nghề “áp tải” hình như đã khiến nhà thơ Trần Nhuận Minh cảm tác thành bài thơ Nhà thơ áp tải, sau này ông Minh in thành tập Nhà thơ và hoa cỏ?

- Trần Nhuận Minh (anh ruột Trần Đăng Khoa - PV) khi đó làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Quảng Ninh. Tôi thường xuống Quảng Ninh chơi với Minh. Tính Minh cũng dễ xúc động, biết tôi - một nhà thơ - đi làm nghề áp tải hàng, Trần Nhuận Minh cảm tác nên bài Nhà thơ áp tải. Những gì Trần Nhuận Minh viết trong Nhà thơ áp tải hoàn toàn đúng với hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ. Chẳng hạn như đoạn thơ này: “Đất nước có một thời/Kẻ gian nhiều như nấm/Không ngờ một nhà thơ/Lại sống bằng nắm đấm”.

* Đời thơ của ông xuất phát từ đời thợ, nếu nói về hai cuộc đời thơ và thợ cùng tồn tại trong ông, ông sẽ nói thế nào?

- Tôi bắt đầu đời thơ ngay trong những ngày lam lũ đời thợ. Đời thơ và đời thợ theo tôi suốt mấy chục năm như tôi tự bạch trong Hải Phòng - muối của đời tôi: “Tôi làm thơ từ sau xe bò chở gạch, đến quảng trường nổi gió lúc nửa đêm”.

Tự nói về mình bao giờ cũng khó, tôi xin dẫn lại nhận xét của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, người bạn vong niên của tôi: “Thanh Tùng khác biệt những nhà thơ công nhân cùng trang lứa. Bên cạnh cái thô ráp, Thanh Tùng có cái phiêu lãng và cái phóng túng của một kẻ dường như chỉ sinh ra để đóng vai thi sĩ, dẫu năm tháng lao động chân tay nhọc nhằn: “Cái nghề khuân vác của tôi. Trong mơ còn thấy giọt mồ hôi cười. Tôi sợ nó và tôi yêu nó. Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con”; thì ông vẫn ý thức rõ ràng: “Con chỉ của mẹ cha một nửa. Một nửa còn của những quãng đường xa. Của những cơn gió xé hết mình trên bến bãi. Của những nỗi đau chưa biết mặt bao giờ”. Đọc thơ Thanh Tùng giống như bước vào một vùng cảm xúc mâu thuẫn, giữa sự ngang tàng và sự yếu đuối, giữa sự tinh tế và sự vụng về, giữa sự mạnh mẽ và sự dở dang!”.

Tôi đã phổ của Thanh Tùng ba bài thơ, riêng bài Hà Nội ngày trở về thì câu hát “Vội vã trở về, vội vã ra đi” đã trở thành câu cửa miệng của nhiều người. Phải thừa nhận, Thanh Tùng có những câu thơ thật thi sĩ, đọc một lần thì ám ảnh khôn nguôi - nhạc sĩ Phú Quang.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm